Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 25/8/2017 22:52'(GMT+7)

Việt Nam, Ấn Độ hợp tác bảo tồn các di sản văn minh chung

Tọa đàm “Di sản văn minh Việt Nam-Ấn Độ”. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Tọa đàm “Di sản văn minh Việt Nam-Ấn Độ”. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 25/8, tại Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm, TP. Đà Nẵng đã diễn ra tọa đàm “Di sản văn minh Việt Nam, Ấn Độ”. Đây là hoạt động nằm trong sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt-Ấn và 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại Ấn Độ-ASEAN.

Tọa đàm do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ TP. Đà Nẵng và Ban Quản lý Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm tổ chức.

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức và bảo tồn, phát huy giá trị quan hệ văn hoá lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ, thể hiện thông qua văn hóa Champa, văn hóa Hindu và Phật giáo.

Trải qua thời gian, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Ấn Độ phát triển ngày càng sâu rộng, toàn diện và đem lại nhiều kết quả tích cực. Một trong những lĩnh vực nhận được nhiều quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội của hai nước Việt Nam và Ấn Độ là các hoạt động hợp tác nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn minh chung.

Tại buổi tọa đàm, các tham luận đã tập trung làm sáng tỏ những gạch nối liên kết trong quá khứ giữa hai dân tộc, những nỗ lực để bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa còn tồn tại đến hôm nay và mở ra những cơ hội tìm hiểu, hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các di sản văn minh chung giữa hai quốc gia.

Tiến sĩ B.R. Mani, Tổng Giám đốc Bảo tàng quốc gia Ấn Độ đã đưa ra cái nhìn tổng quát về mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam-Ấn Độ thể hiện ở kiến trúc, điêu khắc và chữ viết ở lục địa Ấn Độ và Vương quốc Champa ở Việt Nam. 

Trên cơ sở những hiểu biết chung về quá khứ, Chính phủ và nhân dân hai nước sẽ có những phương hướng khả thi trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục... góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Ấn Độ trong giai đoạn mới, đáp ứng những mục tiêu của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng việc bảo tồn các di sản không chỉ được đặt ra thuần túy với mục đích văn hóa, tín ngưỡng mà còn hướng đến những giá trị kinh tế và đem lại những lợi ích cụ thể trong đời sống của cộng đồng hôm nay.

Tọa đàm “Di sản văn minh chung Việt Nam-Ấn Độ” là cơ hội tốt để chính quyền, các ban ngành, các doanh nghiệp và người dân hai nước đánh giá đúng những giá trị văn minh chung giữa Việt Nam và Ấn Độ; nâng cao nhận thức, và trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản.

Lưu Hương (VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất