Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 16/2/2009 22:57'(GMT+7)

Việt Nam có tỷ lệ viêm gan B mãn tính cao

Hình ảnh virus viêm gan B trong máu

Hình ảnh virus viêm gan B trong máu

Phát biểu khai mạc hội thảo "Tăng cường tiêm vắcxin viêm gan B sơ sinh khu vực miền Bắc", tổ chức ngày 16/2, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ tình hình tiêm chủng ở Việt Nam vẫn tiếp tục được đẩy mạnh nhưng còn gặp nhiều khó khăn như lực lượng tiêm chủng luôn thay đổi, thiếu vắcxin và tai nạn vắcxin luôn xảy ra. Điều đáng quan tâm là nguyên nhân các vụ tai nạn do tiêm vắcxin chưa đủ bằng chứng thuyết phục.

Theo Thứ trưởng, hội thảo này nhằm tìm ra các nguyên nhân chính gây nên tai nạn khi tiêm vắcxin. Tuy nhiên, vấn đề tiêm chủng luôn được thực hiện nghiêm túc về kỹ thuật để tạo niềm tin cho các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng.

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính gây ra bởi virus theo 5 đường truyền nhiễm là từ mẹ sang con, trẻ sang trẻ, tiêm không an toàn, quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy. Trẻ sơ sinh và trẻ khi nhiễm trùng thường không có triệu chứng lâm sàng, song có 90% trẻ nhiễm trùng trở thành người lành mang trùng và hậu quả là bệnh xơ gan hoặc ung thư gan.

Nói về hiệu quả tiêm mũi vắcxin viêm gan B sơ sinh, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết nếu liều vắcxin viêm gan B đầu tiên được tiêm trong vòng 12 giờ đầu sau khi sinh, thậm chí ngay cả khi mẹ có virus viêm gan B thì sẽ phòng được khoảng 85% nhiễm trùng.

Nghiên cứu cho thấy trẻ bị phản ứng ngay sau khi tiêm vắcxin viêm gan B do 5 nguyên nhân là phản ứng xảy ra do vắcxin; phản ứng do sai sót trong tiêm chủng; phản ứng gây nên do các bệnh khác như viêm phổi, dị tật, nhồi máu; phản ứng do lo âu hoặc tiêm đau và không xác định được nguyên nhân.


Các đại biểu tham dự hội thảo còn thảo luận một số vấn đề như tình hình triển khai tiêm vắcxin viêm gan B sơ sinh khu vực miền Bắc, nguyên nhân các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Dương có tỷ lệ tiêm vắcxin sơ sinh thấp, giải pháp nâng cao tỷ lệ tiêm vắcxin sơ sinh.

Trên thế giới hiện có 350 triệu người mắc viêm gan mãn, trong đó 15 đến 25% người chết do xơ gan hoặc ung thư gan và khoảng 1 triệu trường hợp tử vong/năm.

Hậu quả bệnh tùy thuộc lứa tuổi như với trẻ em, dưới 10% em có biểu hiện lâm sàng khi nhiễm lần đầu, gần 90% nhiễm trùng mãn tính khi nhiễm lúc dưới 1 tuổi và 25% chết do xơ gan hay ung thư gan; với người lớn, khoảng 50% người có biểu hiện lâm sàng khi nhiễm lần đầu, từ 2 - 6% người nhiễm trùng mãn tính và 15% trường hợp chết do xơ gan hay ung thư gan./.

(TTXVN)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất