Tham luận tại hội thảo, ông Bùi Quốc Thanh, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam chia sẻ quan điểm không thể phủ nhận vai trò của người di cư đối với sự phát triển của các quốc gia (nước xuất cư và nước tiếp nhận), cần coi những người di cư như những người bạn chứ không phải là "người gây rắc rối" của nước tiếp nhận.
Đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 3,2 triệu người, có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống lâu dài ở EU khá đông đảo, khoảng 600.000 người.
Về cơ bản, người Việt Nam ra nước ngoài theo hầu hết các loại hình di cư như: di cư lao động, hôn nhân - gia đình, du học..., trong đó di cư lao động là xu thế nổi bật. Ngược lại, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam học tập, làm việc, sinh sống cũng ngày càng tăng.
"Việt Nam có chính sách nhất quán trong việc khuyến khích di cư hợp pháp và phòng chống di cư bất hợp pháp.", ông Thanh khẳng định qua nỗ lực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý di cư, nâng cao năng lực cơ quan chức năng, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư, đấu tranh phòng chống di cư bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ông Thanh cho hay cùng với quá trình mở cửa, Việt Nam đã dần trở thành một nước tiếp nhận di cư và bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ nhập cư bất hợp pháp. Việt Nam đề xuất phía EU hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để tăng cường năng lực, kinh nghiệm cho cán bộ các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Chống di cư bất hợp pháp
Các quan chức về quản lý di cư của Việt Nam và EU thống nhất quan điểm để ngăn chặn di cư bất hợp pháp, trước hết cần hợp tác giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của di cư bất hợp pháp, đó là đói nghèo, sự chênh lệch về thu nhập, về cơ hội việc làm...
Việt Nam ủng hộ chủ trương của EU trong việc đầu tư cho phát triển ngay tại nước gốc, nhằm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư tiềm năng, qua đó góp phần ngăn chặn di cư bất hợp pháp.
Tại hội thảo, quan chức lãnh sự Việt Nam cũng đề xuất các nước thuộc khối EU giải quyết những khó khăn về thị thực nhập cảnh đối với công dân Việt Nam, mở cửa thị trường lao động, xem xét các chương trình hợp tác đào tạo nghề, đề nghị hợp tác chặt chẽ với các nước EU trong vấn đề di cư hồi hương...
VietNamNet