Thứ Bảy, 7/12/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 8/11/2024 13:37'(GMT+7)

Cú hích quan trọng giúp xóa nhà tạm cho hàng triệu người dân

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

PV: Thưa Thứ trưởng, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo trong những năm vừa qua được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm chăm lo đến đời sống người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là công tác hỗ trợ các hộ khó khăn cải thiện điều kiện về nhà ở.

Từ năm 2008 đến nay, thông qua các Chương trình 167 về chính sách hỗ trợ nhà ở hộ nghèo; Chương trình 133 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 1998-2000; Chương trình 48 về nhà ở cho người nghèo và người dân vùng bão, lũ khu vực miền Trung và đặc biệt là Chương trình 22 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 820 nghìn hộ gia đình người có công, hộ nghèo trong cả nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho 670 nghìn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, các địa phương đang quyết liệt triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các huyện nghèo, hộ nghèo tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với mục tiêu hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở cho trên 100 nghìn hộ. Đến nay, đã hỗ trợ nhà ở cho trên 66 nghìn hộ thuộc đối tượng của chương trình.

Có thể thấy, ý nghĩa nhân văn của các chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở hộ nghèo, hộ khó khăn sẽ mở ra cuộc sống tốt đẹp hơn đối với các hộ nghèo, khó khăn có nơi ở ổn định, an tâm lao động sản xuất, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống…

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành một phong trào toàn diện, huy động, tập trung được đa dạng các nguồn lực từ trung ương đến địa phương và đón nhận sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các bộ, ngành như: Công an, Quân đội; sự chung tay đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, người dân… và đặc biệt là sự chủ động vươn lên của chính các hộ nghèo và cận nghèo để cải thiện cuộc sống, phấn đấu đến cuối năm 2025 cả nước hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước…

PV: Vậy đối với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vừa được Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, quá trình triển khai các địa phương cần lưu ý vấn đề gì?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Theo kết quả rà soát, cả nước hiện còn trên 315.000 hộ nghèo cần hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà ở. Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Đây được kỳ vọng sẽ là một cú hích quan trọng, giúp hàng triệu người dân có thêm nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước cho việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Quán triệt phương châm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”, cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, để cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, trên tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều".

Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, Chính phủ về mục tiêu to lớn và ý nghĩa này để huy động nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực nhà nước để chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước. Bên cạnh nguồn lực xã hội, nguồn lực từ Nhà nước, các hộ nghèo cũng cần nỗ lực, quyết tâm, cố gắng, địa phương cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo…

Thứ ba, tiến hành rà soát, xác định đúng đối tượng, đủ điều kiện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo quy định. Việc hỗ trợ cần bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo phải đảm bảo"3 cứng": Nền móng cứng, khung tường cứng, mái cứng, có đầy đủ công năng sử dụng và tuổi thọ căn nhà phải đảm bảo từ 20 năm trở lên.

Chú thích ảnh
Một ngôi nhà cấp 4 đạt tiêu chí “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) được xây mới thuộc chương trình xóa nhà tạm, hư hỏng, dột nát cho người nghèo trên địa bàn xóm 5, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. (Ảnh: TTXVN)

PV: Thưa Thứ trưởng, để hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ thực hiện những giải pháp, cách làm trong thời gian tới như thế nào?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1243/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, do Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Phó Trưởng ban gồm: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để đến 31/12/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả ba chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cùng các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát xác định đối tượng theo quy định làm căn cứ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các giải pháp huy động, phân bổ nguồn lực hỗ trợ gắn với địa chỉ hỗ trợ cụ thể. Trong đó, đề cao tinh thần tự lực, tự cường của địa phương, có cơ chế để địa phương có điều kiện hỗ trợ địa phương khó khăn hơn, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn và tự người dân, gia đình được hỗ trợ phải tự lo một phần.

Mục tiêu về hỗ trợ nhà ở là đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chắc chắn, an toàn, kể cả với các loại hình thiên tai thường xuyên của vùng, miền; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước theo các phương án:

Thứ nhất, phân nhóm các địa phương dựa trên năng lực, khả năng ngân sách của các địa phương để xác định địa phương khá, địa phương khó khăn để có giải pháp điều chỉnh nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thứ hai, trên cơ sở rà soát, báo cáo của các địa phương về số nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo cần xóa, dự kiến tổng kinh phí cần có, trong đó có kinh phí đã bố trí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí địa phương tự huy động, kinh phí cần hỗ trợ bổ sung.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xác định địa phương nhận hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước thông báo mục tiêu, nguồn lực tự vận động, nguồn lực hỗ trợ.

Tinh thần kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ là cả nước quyết tâm thi đua 450 ngày đêm phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo vào cuối năm 2025, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu đề ra, thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đây cũng là bước triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, trong đó có việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu…

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất