Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, theo phân tích về hoàn lưu gió trong thời gian tới, có thể khẳng định Việt Nam không bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ từ sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản.
Cụ thể, Việt Nam nằm ở xa về phía tây nam của Nhật Bản và nằm ở vĩ độ rất thấp so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Trong khi đó, những ngày cuối tháng 3/2011 là thời kỳ cuối của mùa đông ở khu vực phía bắc châu Á, do vậy hoàn lưu chủ yếu chi phối khu vực này là các hệ thống gió thổi theo hướng từ phía tây sang đông. Do đó, khó có khả năng để các khối không khí chứa các chất bụi lơ lửng (trong đó có bụi phóng xạ) có thể di chuyển ngược lại và ảnh hưởng tới Việt Nam.
Trong tháng 4 và tháng 5/2011, hoàn lưu gió trên khu vực đông bắc châu Á vẫn tiếp tục duy trì di chuyển theo hướng chủ đạo từ tây sang đông.
Trên thực tế, khi xảy ra sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraine, 1986) thì chỉ có các nước ở phía đông và tây cùng vĩ độ địa lý của nhà máy nói trên mới bị ảnh hưởng, thậm chí tại Mông Cổ và lục địa Trung Quốc không bị ảnh hưởng của bụi phóng xạ.
Cũng liên quan đến việc theo dõi sự cố nhà máy điện hạt nhân của Nhật, sáng 24/3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, ngay sau khi sự cố phóng xạ tại Nhật Bản xảy ra, Tổng cục đã ra thông báo, giao cho Cục Kiểm soát ô nhiễm và Trung tâm quan trắc môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát khả năng Việt Nam bị ô nhiễm.
Các cơ quan đã liên hệ với Viện Năng lượng hạt nhân, Trung tâm quan trắc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để trao đổi số liệu quan trắc.
Ông Nguyễn Thế Đồng khẳng định, dựa trên các số liệu báo cáo, chưa có hiện tượng gì chứng tỏ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm phóng xạ. Tổng cục Môi trường cũng sẽ phối hợp với các cơ quan hải quan, y tế để phòng ngừa việc ô nhiễm phóng xạ trong hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản.
Theo Chinhphu.vn