Khi xây dựng một thành phố thông minh, có rất nhiều yếu tố cần xem xét,
từ chính sách, sự sẵn sàng và nhận thức của người dùng, sự lựa chọn nhà
đầu tư, quy mô đầu tư..., tuy nhiên với Việt Nam, vấn đề nhận thức về
bảo mật cũng cần được chú trọng.
Theo ông Jong Hyun Park, Tổng Giám đốc Dasan Zhone Solutions Việt
Nam, định nghĩa “Thành phố thông minh (Smart City) là gì?” tưởng là đơn
giản nhưng trên thế giới không có một định nghĩa chính xác nào về cụm từ
này do mỗi doanh nghiệp, tổ chức lại có một cách hiểu khác nhau. Tuy
nhiên hiểu một cách đơn giản nhất, thành phố thông minh giống như một
chiếc smartphone, nơi cho phép người dùng “tải và chạy” các “ứng dụng”
để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Và để làm được điều đó, thành phố cần có một cơ sở hạ tầng mạng Internet, Wi-Fi kết nối ổn định, an toàn và bảo mật.
Trao đổi với ICTnews, ông Jong Hyun Park cho rằng thành phố thông
minh là nơi các thiết bị được kết nối lại với nhau thông qua Internet,
từ các thiết bị cá nhân đến các thiết bị của doanh nghiệp, tổ chức hay
cơ quan chính phủ, và mọi dữ liệu của cá nhân hay thậm chí là thông tin
quan trọng của quốc gia, đều có thể dễ dàng bị công khai và truy xuất
nếu không được bảo mật nghiêm ngặt.
Do đó, một cơ sở hạ tầng Internet đáng tin cậy, đáp ứng được các yêu
cầu về bảo mật và phân quyền sử dụng cần được tính đến ngay từ đầu khi
triển khai thành phố thông minh.
Trước khi triển khai bất kỳ giải pháp thông minh nào cũng cần nghiêm
túc nhìn nhận lại vấn đề bảo mật, từ các thiết bị đơn giản ít người quan
tâm nhất hiện đang được triển khai tại Việt Nam như camera giám sát
trên đường phố, siêu thị, cho đến các camera an ninh lắp tại các cơ quan
tổ chức nhà nước, những nơi đóng vai trò then chốt của chính phủ…
Bên cạnh những mặt tích cực thì đây cũng chính là những công cụ đắc
lực giúp hacker có thể tấn công bất cứ lúc nào nếu Việt Nam chưa có sự
quan tâm đến vấn đề bảo mật đúng mức.
“Khi xây dựng một thành phố thông minh, có rất nhiều yếu tố cần xem
xét, từ chính sách, sự sẵn sàng và nhận thức của người dùng, sự lựa chọn
nhà đầu tư, quy mô đầu tư..., tuy nhiên trên hết với Việt Nam lúc này
là nhận thức về bảo mật. Việt Nam cần phải đảm bảo được mức độ bảo mật
và an toàn cho toàn bộ hệ thống mạng Internet của thành phố, nếu không
khi đã xây dựng thành phố thông minh, hậu quả sẽ khôn lường”, Tổng Giám
đốc Dasan Zhone Solutions Việt Nam nói.
Liên quan đến vấn đề bảo mật cho thành phố thông minh, tại hội thảo
“Mobility, OTT và Social network - Cơ hội và thách thức doanh nghiệp
Việt Nam” diễn ra cách đây chưa lâu, ông Vũ Anh Tiến, chuyên gia Hãng
Nghiên cứu thị trường Frost & Sulivan nhận định công cuộc xây dựng
thành phố thông minh đang đặt ra vô số thách thức liên quan đến vấn đề
bảo mật, đảm bảo cho việc xây dựng và vận hành hiệu quả thành phố.
Khi tất cả đều đang gắn kết với nhau trên nền Internet. Nếu không có
chiến lược an ninh bảo mật hiệu quả, để tồn tại lỗ hổng cho hacker tấn
công thì thành phố đó sẽ nhanh chóng bị tê liệt.
|
Hacker có thể tấn công vào hệ thống điều khiển giao thông thông minh.
|
Cụ thể, nguy cơ mất an toàn bảo mật trước hết đến từ thực tế
nhiều sản phẩm ứng dụng không có khả năng bảo mật (ví dụ như phần mềm
điều khiển tự động hóa dễ bị hacker khai thác tấn công). Trong khi đó,
các nhà quản lý lại không kiểm nghiệm hoặc năng lực hạn chế khi kiểm
nghiệm kỹ tính năng bảo mật của sản phẩm, hệ thống, dẫn đến lỗ hổng vẫn
tồn tại để hacker khai thác, tấn công trên diện rộng khi các giải pháp
kết nối với nhau trên nền Internet.
Bên cạnh đó, do có nhiều cơ quan, tổ chức cùng tham gia xây dựng
thành phố thông minh, do đó cần có đơn vị chuyên trách về an ninh bảo
mật, các thành phố phải xây dựng trung tâm về an ninh, phản ứng nhanh
với vấn đề này.
Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực ASEAN đang triển khai thành phố thông minh
Theo chia sẻ của IBM Việt Nam, tại các quốc gia trong
khu vực như Indonesia, Philippines, Singapore, vấn đề phát triển thành
phố thông minh đang được đẩy mạnh.
Thị trưởng thành phố Bandung, Indonesia đang khuyến
khích chính quyền và các cơ quan của thành phố sử dụng mạng xã hội để
kết nối với công dân, dựa trên thống kê 2,3 triệu người dân Bandung có
tài khoản Twitter.
Một cổng điện tử tương tác với công dân, ngay sau khi
thiết lập đã nhận được hơn 4.000 khiếu nại của người dân và 88% số đó đã
được xử lý thành công và công khai đưa tin để người dân tự xác nhận.
Ngoài ra các dữ liệu về ngân sách và chi tiêu của
thành phố cũng được công khai trên mạng để người dân theo dõi. Nhờ áp
dụng dữ liệu mở và điện toán mạng xã hội, thành phố này đã tạo ra sự
minh bạch và nâng cao niềm tin của người dân vào các hoạt động của chính
quyền.
Tại Singapore, cơ quan quản lý đường bộ (LTA), hệ
thống xe điện ngầm SMRT, nhà mạng Starhub và IBM đã hợp tác để hỗ trợ
6,3 triệu lượt người dân mỗi ngày đi lại thuận tiện hơn khi sử dụng các
dữ liệu hành khách thông qua mạng di động.
IBM và LTA cùng triển khai một hệ thống phân tích dữ
liệu Phản ứng khẩn cấp về giao thông Fusion (FASTER) dựa trên dữ liệu
của hành khách và của nhà cung cấp vận tải qua mạng di động của Starhub
nhằm giúp SMRT xử lý nhanh hơn những trường hợp tàu đến chậm hay có sự
cố, cập nhật gần như theo thời gian thực trên mạng xã hội.
Tại Davao, thành phố lớn nhất Philippines, chính quyền
địa phương đầu tư vào dự án trị giá 3 triệu USD nhằm nâng cao an ninh
trật tự thành phố, bao gồm từ giao thông cho đến xử lý tội phạm và các
dịch vụ khẩn cấp. Thông qua hình ảnh camera trực tiếp trên CCTV và những
công cụ truyền thông hợp nhất, các cơ quan chính quyền liên quan sẽ
được thông báo ngay lập tức khi có trường hợp khẩn cấp như hoả hoạn, đe
doạ đánh bom.../.
Theo ICTnews