Tại
tọa đàm “Chương trình B-WTO: Các kết quả và định hướng tương lai” diễn ra sáng
23/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh quá trình hội nhập kinh tế
quốc tế đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động đến kinh tế xã
hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Ngay từ khi gia nhập WTO,
Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ Việt Nam quản lý tiến
trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị
trường.
Hưởng ứng lời đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Cơ quan phát triển
quốc tế Australia (AusAID) và Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) đã tài trợ Chương
trình B-WTO nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam quản lý hội nhập kinh tế và chuyển
đổi sang nền kinh tế thị trường trong giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập
WTO.
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo giai đoạn 1 của
Chương trình B-WTO (từ tháng 1/2007 đến tháng 3/2008) đã hỗ trợ việc xây dựng
Chương trình hành động của Chính phủ, cụ thể hóa thành các chương trình hành
động của bộ, ngành, địa phương cũng như thử nghiệm cơ chế triển khai Quỹ tín
thác đa biên nhằm trợ giúp việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ.
Giai đoạn 2 của chương trình triển khai từ tháng 9/2009 nhằm thực hiện các chính
sách ưu tiên trong Chương trình hành động của Chính phủ.
Đáng chú ý,
trong 4 năm qua, đã có 48 dự án được triển khai thực hiện, trong đó có 23 dự án
được hỗ trợ nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, 6 dự án hỗ trợ giải
quyết thách thức kinh tế-xã hội của hội nhập tới khu vực nông thôn, 11 dự án
giúp nâng cao năng lực quản lý và điều phối hội nhập và 8 dự án thực hiện kế
hoạch hành động của các địa phương.
Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Australia
tại Việt Nam cho rằng việc gia nhập WTO là bước quan trọng trong quá trình hội
nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đang đặt ra phía
trước với người dân Việt Nam như cần tăng năng lực cạnh tranh, chuyển dịch lên
nấc thang cao hơn cho chuỗi giá trị... Các nỗ lực cải cách mà chương trình đã hỗ
trợ không chỉ còn giới hạn ở việc thực thi cam kết WTO. Các vấn đề chương trình
tham gia giải quyết là những vấn đề của toàn bộ nền kinh tế.
Hơn 6 năm
gia nhập WTO là một chặng đường không dài nhưng hết sức quan trọng của tiến
trình hội nhập quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Theo
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Chương trình B-WTO đã có những đóng góp hết sức ý
nghĩa cho tiến trình này. Với những cơ sở đã được thiết lập nhờ kết quả hoạt
động cũng như dựa trên những kinh nghiệm rút ra qua những năm hoạt động của
chương trình, có thể tin tưởng rằng các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật sẽ tiếp tục
được thực hiện với hiệu quả cao, hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ trong việc quản lý
quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu./.
Uyên Hương
(TTXVN)