Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực to lớn của nước chủ nhà Cộng hòa Pháp trong công tác tổ chức hội nghị, đồng thời chia sẻ và bày tỏ sự ủng hộ, tình đoàn kết thân thiết với nhân dân Pháp trước những tổn thất do các cuộc tiến công khủng bố xảy ra vừa qua ở Paris và ngoại ô.
Đề cập đến tầm quan trọng của sự kiện quốc tế này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Chúng ta có mặt tại Hội nghị COP-21 để bày tỏ cam kết ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận.
Đối với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam sẽ đóng góp một triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDG) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong tháng 9-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Việc triển khai thành công Chương trình Nghị sự 2030 đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. Chúng tôi sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và các cam kết quốc gia của mình".
Là một đất nước có nhiều kinh nghiệm thiết kế, giám sát hệ thống đê biển thông minh, Hà Lan sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về lĩnh vực này.
Cũng trong chiều 30-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự có Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về phát triển bền vững Laura Tuck cùng đại diện một số nước và tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên đối thoại cấp cao về ĐBSCL.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam có dân số trên 18 triệu người, diện tích gần 40 nghìn km2 đất đồng bằng, là nơi đang chịu các tác động “kép” do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và do các hoạt động xây đập, khai thác và sử dụng nước không bền vững tại các khu vực thượng nguồn sông Mê Công. Nhiều nơi trong vùng đã chịu những trận bão, lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế.
Nhận thức rõ các thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm và hàng năm của vùng.
Phát biểu khai mạc phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, các nỗ lực của Việt Nam thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ủng hộ. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL đang được bổ sung, điều chỉnh theo định hướng cơ bản của Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long đã được xây dựng trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan.
Cảm ơn Chính phủ Hà Lan, Ngân hàng Thế giới và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã dành nhiều hỗ trợ, nguồn lực quý báu cho Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế để ứng phó với những tác động của biến đối khí hậu ở khu vực này.
Để phát triển cho khu vực ĐBSCL theo định hướng tổng hợp và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam tiếp tục ưu tiên triển khai các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển hệ thống các khu dân cư vượt lũ đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái. Giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực dự báo và các hệ thống cảnh báo sớm; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong chủ động phòng tránh thiên tai; và tăng cường hợp tác, hỗ trợ giữa các quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan, sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế, để khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước cho vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những thảm họa khủng khiếp, tàn phá thiên nhiên và tác động tiêu cực đến đời sống của con người ở khắp nơi. Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm tương đồng như có bờ biển dài, cùng hàng triệu người dân sống tại các bờ biển bị ảnh hưởng khi thiên tai lũ lụt xảy ra. Là nước có nhiều kinh nghiệm về chống mực nước biển dâng, Hà Lan sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam để ứng phó với biến đổi khí hậu và Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò, hành động mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực.
Những cam kết và các biện pháp của Việt Nam trong kiểm soát những nguy cơ do biến đổi khí hậu được Phó Chủ tịch WB ghi nhận là hiệu quả. Theo bà Laura Tuck, những kết quả tích cực của Việt Nam cho thấy có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành phục vụ mục đích kiềm chế tác động của biến đổi khí hậu và mang lại sự phát triển bền vững.
Tuyên bố chung của đối thoại cấp cao nhấn mạnh: Việc xây dựng một chương trình phù hợp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu là một hoạt động rất quan trọng cho thế hệ tương lai ở ĐBSCL. Chương trình này đòi hỏi có một cách tiếp cận liên ngành, liên lĩnh vực với sự phối hợp toàn diện và mạnh mẽ giữa các Chính phủ, các đối tác phát triển, NGO, khối tư nhân và cộng đồng địa phương.
Vì vậy, Việt Nam kêu gọi các đối tác quốc tế chung tay với Việt Nam để ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu cho ĐBSCL, đặc biệt thông qua các hoạt động hiệu quả nhất, dựa trên những kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm đề xuất và thực hiện một chương trình toàn diện và lâu dài. Việc xây dựng và thực hiện một chương trình như vậy sẽ trở thành một thí dụ tiêu biểu cho các khu vực dễ bị tổn thương khác trên thế giới có cách tiếp cận tương tự, đóng góp vào việc đạt được khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Mục tiêu của COP-21 là đưa ra được một thỏa thuận lịch sử để giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C. Vì vậy, ngay từ chiều 29-11, đại diện các nước đã bắt đầu đợt thương thuyết cuối để dự thảo thỏa thuận của COP-21 có thể được thông qua vào ngày 11-12 khi kết thúc hội nghị. Vì vậy, ngay từ trước khi COP21 chính thức được khai mạc, dư luận thế giới rất quan tâm và chờ nghe ý kiến của lãnh đạo các nước phát triển trong đó có Mỹ và Trung Quốc, hai nước có lượng khí thải các-bon cao nhất thế giới.
Tại COP-21, Tổng thống Barack Obama nói, nước Mỹ xác định rõ vai trò, phần trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu cũng như việc giải quyết vấn đề này, đồng thời cho rằng các bên tham gia cần đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng, có những thay đổi tích cực để mở đường cho việc thực hiện những mục tiêu cụ thể chống lại biến đổi khí hậu.
"Đó là những gì chúng ta tìm kiếm trong hai tuần tại đây, không đơn giản chỉ là một thỏa thuận để giảm thiểu ô nhiễm do chúng ta gây ra mà còn có thể chúng ta đưa người dân thoát khỏi đói nghèo. Có như vậy thì chúng ta không phải nói với các thế hệ nay mai làm chủ hành tinh rằng giảm thiểu ô nhiễm là nhiệm vụ vượt quá khả năng của chúng ta", ông Obama nói khi đề cập đến trách nhiệm những nước phát triển trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển không có tiềm lực để đóng góp nhưng lại là đối tượng đầu tiên bị tác động bởi biến đổi.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay của loài người. "Nước Nga không chỉ nỗ lực ngăn sự gia tăng của lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính mà thực tế đã làm giảm được", ông Putin nói và cam kết rằng vào năm 2030 Nga sẽ giảm được 70% lượng khí thải so với mức của năm 1990.
Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi các bên tham gia hội nghị lần này cố gắng hết khả năng để có thể đạt được một thỏa thuận "toàn diện, công bằng và bền vững" để khôi phục lại sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, hàng tỷ người đang đặt hy vọng vào các nhà lãnh đạo đang tham dự COP-21. Bà nói: "Chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để thắp sáng niềm hy vọng của người dân trên thế giới".
Theo Nhan Dan