Tuy nhiên, trong vòng 15 năm qua, tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong của các bà
mẹ đã giảm một nửa, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm 1/4.
Bảng xếp hạng hàng năm về những nơi tốt nhất và kém nhất để làm mẹ của Save the Children
công bố mới đây cho biết, Việt Nam hiện xếp thứ 93 về Chỉ số của Bà Mẹ
(Mothers’ Index) năm 2014. Mặc dù giảm bảy điểm so với năm ngoái, Việt
Nam vẫn đứng trên các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia,
Campuchia, Lào và Myanmar.
Chỉ Số của Các Bà Mẹ là một phần trong báo cáo thường niên về tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em State of the World’s Mothers của
tổ chức này. Báo cáo so sánh 178 quốc gia trên thế giới để chỉ ra những
nước đang thành công và những nước chưa đạt được thành tựu nào trong
việc cứu sống và cải thiện sự sống cho bà mẹ và trẻ em.
Báo cáo chỉ ra rằng tình trạng tử vong
của bà mẹ và trẻ em tại các nước có nhiều thách thức nhất trên thế giới
cũng có thể được giảm đi đáng kể nếu như có những nỗ lực nhằm cải thiện
dịch vụ cho các bà mẹ và trẻ em. Trong vòng 15 năm qua, tại Việt Nam, tỷ
lệ tử vong của các bà mẹ đã giảm một nửa, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh
giảm 1/4 , số năm học trung bình của trẻ đã tăng 1,5 năm và thu nhập
bình quân tính trên đầu người tăng gần gấp bốn lần.
“Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to
lớn trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em qua 15 năm qua. Đó là kết
quả của ý chí chính trị và sự sẵn sàng đầu tư vào hệ thống y tế, trong
đó có dịch vụ thiết yếu cho trẻ em,” ông Gunnar Andersen, Giám đốc của Save the Children tại Việt Nam phát biểu. “Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chú ý tới việc đã bị tụt lùi trong bảng xếp hạng.”
Báo cáo State of the World’s Mothers
năm nay chủ yếu tập trung vào vấn đề của các bà mẹ trong các trường hợp
rủi ro thiên tai, nhằm để hiểu hơn và hỗ trợ một cách kịp thời, hiệu
quả những nhu cầu của họ. Trong các trường hợp rủi ro thiên tai, các bà
mẹ thường phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc giữ cho con cái
họ được an toàn khỏe mạnh, ví dụ sự tiếp cận với các dịch vụ cơ bản về
sức khỏe thể chất và kinh tế, trong khi bản thân họ cũng bị tổn thương
khi sự đói nghèo, suy dinh dưỡng, bạo lực tình dục, mang thai ngoài ý
muốn hay sinh nở không có sự giúp đỡ đang gia tăng.
“Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng của các
cơn bão lớn tàn phá và lũ lụt hàng năm. Trong những năm gần đây thiên
tai ngày càng trở nên nghiêm trọng do sự biến đổi khí hậu, gây ra nhiều
thiệt hại về nhà cửa, mùa màng, gia súc gia cầm cũng như của cải khác ví
dụ máy móc nông nghiệp tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề. Những thiệt
hại này lại trở thành nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng, bỏ
học, và suy giảm trong việc sử dụng dịch vụ y tế tự nguyện trả tiền,”
ông Gunnar Andersen nói.
Save the Children hoạt động tại
Việt Nam hơn 20 năm qua, hỗ trợ ứng phó với tất cả các thiên tai lớn
trên toàn quốc, mà gần đây nhất là hai cơn bão Wutip và Nari. Save the Children
đã hộ trợ tiền mặt cho các gia đình có trẻ em tại những vùng bị ảnh
hưởng nặng nề để họ sửa chữa nhà cửa, mua thực phẩm và thuốc thang cũng
như để con em họ trở lại trường học bình thường sau bão.
Để đảm bảo việc bảo vệ cho bà mẹ và trẻ em sau thiên tai, Save the Children
kêu gọi các nước và các tổ chức dân sự: Đảm bảo mọi bà mẹ và trẻ sơ
sinh khi đang sống trong khủng hoảng được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y
tế chất lượng; Hỗ trợ tăng cường khả năng chống chọi và đối phó của hệ
thống y tế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của các cuộc khủng
hoảng đối với sức khỏe; Xây dựng các kế hoạch phòng ngừa phù hợp tại cấp
quốc gia và địa phương để đáp ứng nhu cầu cần thiết của các bà mẹ, trẻ
em và trẻ sơ sinh trong các trường hợp khẩn cấp; Đảm bảo nguồn tài chính
hợp lý và phối hợp để kịp thời đáp ứng nhu cầu của bà mẹ và trẻ em
trong các trường hợp khẩn cấp./.
Theo VOV online