Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 7/2/2014 21:51'(GMT+7)

Việt Nam với mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trong “thế kỷ của đại dương”

Mục tiêu chiến lược      

Việt Nam là quốc gia có hơn ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ và bờ biển dài hơn 3.260km bao bọc lãnh thổ ở cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, với chỉ số biển (khoảng 0,01), cao gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam không những được xác định có vị trí chiến lược, là cửa ngõ của Đông Nam Á mà biển, đảo còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước khi hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn đều gắn kết với biển.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích về địa chính trị, các mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội song song với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng chỉ rõ: “Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và hợp tác quốc tế”. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI một lần nữa khẳng định: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh; quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”. Để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, từ năm 2008 Chính phủ đã ban hành và phê duyệt nhiều nghị quyết và quyết định, như: Một số giải pháp cấp bách trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển; đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quản lý bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo; quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020... Và ngày 6-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Như vậy, những chủ trương, nội dung của mục tiêu chiến lược đầu tư, khai thác, phát triển kinh tế biển, đảo ở nước ta đã được xác định, triển khai từ rất sớm và mang tính xuyên suốt. Theo đó, sự kết hợp tổ chức triển khai thực hiện được xác định ở tất cả các cấp, các lĩnh vực, như: trong quy hoạch tổng thể của quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tăng cường lực lượng quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong quy hoạch xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược, việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, giữa xây dựng thế trận quốc phòng với thế trận an ninh được xem là cơ sở để làm cho kinh tế và quốc phòng đều mạnh, không làm cản trở nhau, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam mà Đảng ta đề ra trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, theo chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Theo đó, nước ta đã và đang triển khai tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế biển, đảo.

Đặc biệt, bên cạnh xây dựng và ban hành các chủ trương chính sách mang tầm vĩ mô, Đảng và Nhà nước ta còn luôn luôn chú trọng xây dựng các chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương ven biển, các đảo, quần đảo. Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ, các ngành, các cấp đã xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động cho từng lĩnh vực, ở từng địa bàn và bước đầu triển khai đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Công tác khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khoa học biển ngày càng được quan tâm, làm cơ sở cho việc phát triển các ngành, các vùng kinh tế biển, cũng như việc hoạch định các chính sách quản lý tài nguyên môi trường biển của đất nước. Cơ cấu ngành nghề biển từng bước được điều chỉnh ngày càng hợp lý hơn, những ngành khai thác và sử dụng lợi thế của biển như: vận tải biển, dịch vụ hàng hải, du lịch, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản xa bờ, đang được đẩy mạnh. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân biển, đảo; hoạt động khai thác, vấn đề bảo vệ môi trường, đầu tư để tái tạo và làm giàu tiềm năng cũng được các ngành, các cấp quan tâm và đã tạo nên những chuyển biến mới.

Phát triển chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế

Cùng với 3.260km chiều dài bờ biển, 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền và hơn 3.000 hòn đảo, cả nước ta hiện có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo) với tổng diện tích 208.560km2, chiếm 41% diện tích cả nước và 41,2 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số Việt Nam. Điều kiện địa lý cùng với các lợi thế biển, đảo đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian qua, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm đầu tư và có bước chuyển biến, mở rộng ra bên ngoài và có sự liên kết giữa các vùng với nhau để phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng bước tạo ra những chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, cả nước đã có 9 cảng biển và 15 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước lên đến 662.249ha, thu hút khoảng 700 dự án do nước ngoài và trong nước đầu tư, với tổng số vốn gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng. Số dân cư sống ở các vùng ven biển tăng nhanh, bao gồm hàng triệu người làm các nghề, như: vận tải biển, khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, chế biến thủy sản, dầu khí, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Gần đây, kinh tế trên một số vùng ven biển và hải đảo đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách di dân và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhiều thị trấn, thị tứ, khu nghỉ dưỡng đã hình thành dọc theo chiều dài ven biển.

Tuy vậy, có thể đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở nước ta vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Quy mô kinh tế biển của Việt Nam hiện mới chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước 1.300 tỷ USD; trong đó, Nhật Bản là 468 tỷ USD, Hàn Quốc là 33 tỷ USD. Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47- 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc... bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo tuy đã được quan tâm đầu tư mới nhưng còn yếu kém. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng hoá thông qua cảng trên đầu người chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan.

Nhờ sự đầu tư tập trung của Nhà nước nên nhiều công trình đã và đang phát huy tốt hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo từ nay đến năm 2020 cần hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách khoảng 60%, còn lại là các nguồn vốn xã hội. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đường bộ cao tốc chạy dọc theo bờ biển, nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn; các cảng biển, mạng lưới vận tải đường không ở các vùng ven biển và trên một số đảo còn nhỏ bé, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nhân lực cho kinh tế biển, các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo thời thiết, thiên tai, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Việc phát triển kinh tế biển trong thời gian qua chưa thực sự được quan tâm đầy đủ, nhiều địa phương, các ngành, các cấp, cư dân ven biển vẫn còn thờ ơ với hoạt động bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn tài nguyên và những tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến sự phát triển bền vững của kinh tế biển, đảo.

Vùng biển và ven biển đang tập trung tới 3/4 khu du lịch tổng hợp và 10/17 khu du lịch chuyên đề. Tuy nhiên, ngành du lịch biển vẫn thiếu những sản phẩm dịch vụ biển - đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao so với khu vực và quốc tế, chưa có các khu du lịch biển tổng hợp đạt trình độ quốc tế. Đối với các lĩnh vực như chế biến sản phẩm dầu, khí, chế biến thủy, hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất muối biển công nghiệp, các dịch vụ kinh tế biển và ven biển hiện chủ yếu mới ở mức đang bắt đầu xây dựng, hình thành và quy mô còn nhỏ. Ngay như khai thác hải sản và nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, vốn được xem là lĩnh vực kinh tế đặc trưng của biển, đảo đóng góp đáng kể vào tổng giá trị thuỷ sản xuất khẩu, tạo việc làm cho người dân, nhưng hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ quy mô còn nhỏ lẻ. Trình độ và hoạt động khai thác tài nguyên, các lợi thế của biển và hải đảo vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực. Nói cách khác, Việt Nam tuy là một quốc gia biển, song đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự phát huy được nhiều các thế mạnh, tiềm năng của biển, đảo và vẫn chưa phải là quốc gia mạnh về biển.

Giải pháp cần được quan tâm triển khai

Biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn và không gian sinh tồn mới, đồng thời có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng. Vươn ra biển, khai thác đại dương đã trở thành khẩu hiệu hành động mang tính chiến lược của toàn thế giới. Đặc biệt, trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội, nhiều quốc gia đang tìm cách hướng ra biển để tìm kiếm lợi ích, khai thác các nguồn tài nguyên dẫn tới cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia càng trở nên gay gắt.

Với tiềm năng, lợi thế về nhiều mặt, khu vực Biển Đông đang tiếp tục trở thành một trong những điểm nóng, nên việc hợp tác và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế ở khu vực này gặp không ít khó khăn. Trong khi việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển và hải đảo, những vi phạm trong quá trình sử dụng, khai thác tài nguyên biển ở bình diện quốc tế còn nhiều bất cập. Ngoài ra, nước ta là một trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và chịu ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao. Điều này tác động trực tiếp đến đời sống của cư dân ven biển và trên các đảo cũng như hệ sinh thái biển, nhưng đến nay còn thiếu những nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, cũng như chưa có giải pháp lồng ghép và mô hình thích ứng đối phó.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo bền vững và đưa kinh tế nước ta tăng trưởng từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, theo chúng tôi, trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế. Cùng với việc tiếp tục khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để bảo đảm về quốc phòng - an ninh, kiên quyết bảo vệ vững chắc các vùng biển và hải đảo của Việt Nam, cần tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như với các tổ chức quốc tế về các vấn đề có liên quan đến biển, đảo trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế; cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Triển khai chặt chẽ việc phân vùng, bố trí dân cư ven biển với tổ chức các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ban hành chính sách và tạo điều kiện để người dân định cư sinh sống ổn định lâu dài trên đảo và làm ăn trên biển dài ngày. Các địa phương có biển, đảo cần xây dựng và triển khai các chương trình, giải pháp, kế hoạch phù hợp, nhằm tăng cường phát triển kinh tế theo điều kiện thực tế, thậm chí liên kết giữa các địa phương và giữa các địa phương với các ngành để đầu tư, khai thác các lợi ích từ biển, đảo một cách quy mô, hiệu quả; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo. Trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển chung của cả nước, cần có quy hoạch tổng thể chung cũng như đối với từng khu vực, địa phương, ngành nghề phát triển. Cần tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, mà cần có sự liên kết, phối hợp với nhau. Hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần quản lý tài nguyên, môi trường biển và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển đảo cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm hay trong tổ chức sản xuất trên biển, đảo; đồng thời có biện pháp hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển, đảo, phát triển du lịch kết hợp với việc triển khai các dịch vụ công ích trên biển và thiết lập quan hệ sản xuất kinh doanh giữa biển, đảo với các địa bàn khác trên bờ và trong nội địa. Mặt khác, ở mức độ phù hợp cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, hình thành những dự án phát triển kinh tế liên hoàn, tăng cường trao đổi, xuất khẩu.

Thứ ba, hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như: du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản. Chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề cá gần bờ, ven đảo sang nghề cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Tăng cường năng lực khai thác xa bờ cho các đảo có điều kiện thuận lợi, đồng thời, khai thác tối đa các điều kiện tự nhiên thuận lợi vào nuôi trồng hải sản, dịch vụ hàng hải, dịch vụ nghề cá. Các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng, bến cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản cũng cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, có quy mô lớn. Phát triển du lịch cũng là một trong những hướng trọng điểm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế biển, đảo cần được đầu tư. Một số khu du lịch sinh thái biển, đảo lớn, chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới được hình thành sẽ tạo bước đột phá cho du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung.

Thứ tư, cần tổ chức phát triển hợp lý không gian kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển. Phát triển vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa, biến vùng ven biển thành hậu phương, hỗ trợ cho các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Tập trung xây dựng nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo và vùng ven biển, đảm bảo an sinh xã hội để người dân ra định cư lâu dài trên các đảo, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển, đảo. Dọc theo vùng ven biển phải kiến tạo các trung tâm phát triển, thậm chí hình thành nên các đô thị lớn ven biển, có bán kính ảnh hưởng rộng, có khả năng cạnh tranh với các mô hình, trung tâm phát triển lớn trong khu vực. Tạo ra các hành lang kinh tế ven biển với sự liên kết và mang sức lan tỏa rộng. Có chính sách thích hợp để hình thành các doanh nghiệp mạnh, đồng thời huy động các thành phần kinh tế trong nước và nguồn lực quốc tế để khai thác có hiệu quả các tiềm năng từ biển và hải đảo.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển, đảo nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo. Có biện pháp kịp thời ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển. Khẩn trương triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực, đổi mới cơ cấu nghề nghiệp, phát triển các nghề mới thích ứng với các vùng mặn hóa, hạn hán, ngập nước; áp dụng công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí, băng cháy, đóng tàu và chế biến các sản phẩm của biển… Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu hút các nguồn vốn ODA, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các nước.

Thứ sáu, xây dựng và mạnh dạn cho tiến hành tái cơ cấu ngành kinh tế biển, đảo, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương, có sự quản lý, tập trung của Trung ương, tạo nên bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu. Bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành theo nội dung mới gắn phát triển kinh tế biển, đảo; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các đảo, hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, giao thông liên lạc… đồng thời thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hóa các doanh nghiệp, xây dựng các thương hiệu biển quốc gia, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển, đảo.

Thứ bảy, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quy định của quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ với cư dân biển, đảo mà còn với toàn xã hội. Có thể mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền giáo dục cho ngư dân hiểu và chấp hành các điều khoản của các hiệp ước, công ước đã ký giữa Việt Nam và các nước khác cũng như các quy định của pháp luật để người dân nâng cao ý thức trong khai thác, hoạt động bảo vệ môi trường.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cấp, các ngành kết hợp với việc tuyên truyền, cổ vũ, động viên khuyến khích nhân dân nâng cao tinh thần thi đua yêu nước, yêu biển, yêu đảo, tin rằng các giải pháp nêu trên sẽ được quan tâm và thực hiện đạt hiệu quả, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng./.

 TS. Trương Minh Tuấn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất