(TG) - Viettel công bố đã triển khai thành công trên mạng lưới khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G sử dụng chipset ASIC của Qualcomm theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới. Kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và thị trường quốc tế bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất vào năm 2024.
Vừa qua, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) công bố đã triển khai thành công trạm 5G đầu tiên trên mạng lưới sử dụng công nghệ chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G của Qualcomm. Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực. Đây là bước đột phá lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với thế giới, bởi từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển đến khi thành công trên mạng lưới thật, Viettel chỉ hoàn thiện trong vòng 8 tháng, kể từ thời điểm Viettel và Qualcomm công bố hợp tác chiến lược về 5G tại Hội nghị di động thế giới MWC 2023 Barcelona (Tây Ban Nha) hồi tháng 3/2023.
Vị trí lắp đặt khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G này nằm trong cụm trạm 5G thử nghiệm mạng lưới mà Viettel High Tech đã triển khai từ năm 2021 tại phố Bạch Mai, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội của Việt Nam. Đây là khu vực điển hình cho mô hình triển khai trạm 5G tại khu đô thị, đông dân cư khi nằm trong khu vực gần trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, có mật độ tập trung thuê bao rất cao (300~400 thuê bao 4G/5G trong 1 cell). Việc triển khai tại khu vực cao tải giúp sớm bộc lộ các vấn đề của hệ thống trạm 5G trên mạng lưới thực tế, từ đó giúp cho Viettel sớm nhìn ra vấn đề tồn tại và nhanh chóng khắc phục để sản phẩm sớm đạt yêu cầu triển khai diện rộng trên mạng lưới Viettel.
Với lợi thế và sự khác biệt của Viettel khi vừa là nhà khai thác mạng viễn thông, vừa là nhà nghiên cứu làm chủ hệ sinh thái 5G, Viettel đã đẩy nhanh quá trình làm chủ sản xuất trạm 5G ứng dụng công nghệ ASIC trong thời gian thần tốc. Trải qua quá trình vận hành với điều kiện môi trường thực tế và tải người dùng cao, đội ngũ kỹ sư Viettel High Tech liên tục tối ưu sản phẩm, tích hợp toàn bộ hệ thống phần cứng, phần mềm trạm gốc 5G 32T32R hoàn chỉnh, tích hợp với đầu cuối và mạng lõi 5G Viettel ở môi trường thực tế đạt tốc độ 850 Mbps. Đây là tốc độ tiện cận với sản phẩm cùng loại của các vendor lớn trên thế giới.
Tuân theo tiêu chuẩn mở Open RAN, thiết bị 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau. Giải pháp này sẽ giúp các nhà mạng triển khai mạng 5G với tốc độ cao, vùng phủ rông, độ trễ thấp trong khi đó vẫn duy trì được chi phí đầu tư và vận hành ở mức hợp lý. Sau quá trình đưa vào mạng lưới Viettel và đạt được thành công, Viettel sẽ đưa thiết bị vào mạng lưới của mình tại 11 thị trường đầu tư và sẵn sàng cung cấp cho các nhà khai thác khác trên toàn cầu.
Viettel hoàn thiện trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên mạng lưới sử dụng công nghệ chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G của Qualcommtrong vòng 8 tháng kể từ thời điểm Viettel và Qualcomm công bố hợp tác vào đầu tháng 3/2023.
Sự kiện trạm vô tuyến 5G được triển khai thành công trên mạng lưới thực Viettel được coi là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ lệ thuộc vào sự độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
Ông Gerardo Giaretta, Phó Chủ Tịch Phụ Trách Mảng Hạ Tầng 5G của Qualcomm nhận định: “Đây là cột mốc mang tính đột phá cho cộng đồng 5G OPEN RAN trên thế giới. Bước tiến này sẽ thúc đẩy sự phát triển của mạng 5G thế hệ mới với kiến trúc mở, năng lượng tiêu thụ thấp và hiệu năng tối đa. Chúng tôi tự hào khi đạt được bước tiến này cùng với Viettel trong công cuộc phát huy tối đa sức mạnh của OPEN RAN”.
Còn theo đồng chí Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Viettel High Tech nhận định, triển khai được hạ tầng 5G tốt không phải là điều dễ dàng đối với các nhà mạng và các nhà sản xuất thiết bị. Ngày càng khó để đạt được sự cân bằng giữa các yếu tố: dung lượng lớn, độ trễ thấp, giá thành hợp lý. Để nâng cao tính cạnh tranh và biến Viettel thành một nhà cung cấp tên tuổi trên thế giới, Viettel phải không ngừng cải tiến sản phẩm của mình và tập trung vào các yếu tố then chốt: hiệu năng cao, tuân theo chuẩn Open Ran, mức tiêu thụ năng lượng thấp, ảo hóa và thiết kế từ gốc trên cloud... “Dự án hợp tác giữa Viettel và Qualcomm cũng tập trung vào các yếu tốt then chốt kể trên, từ đó cho chúng tôi các điều kiện cần và đủ để thương mại hóa 5G tại Việt Nam và trên thế giới”./.
Mạnh Lê