Với 92 năm tuổi đời, 74 năm tuổi Đảng, suốt cả cuộc đời, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng thể hiện là người cộng sản mẫu mực, chân chính, hết lòng phục vụ Đảng, phụng sự đất nước và nhân dân; được đồng chí, đồng đội và nhân dân kính phục, yêu quý.
Đồng chí Trần Doãn Khánh (bí danh là Trần Doãn Khảnh), sinh ngày 12 tháng 8 năm 1930, tại thôn Đức Yên, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cụ sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em. Trong đó, do nhà nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, đói khát, bệnh tật, người em gái đổ bệnh mất sớm, anh và chị gái cũng bệnh tật bỏ cụ ra đi từ lâu… Là con trai trưởng, cụ phải gánh vác, chăm lo cho mẹ già và các em thơ.
Lớn lên trong cảnh nước nhà đang bị thực dân Pháp đô hộ, anh em trong gia đình cụ đều sớm giác ngộ cách mạng. Bản thân cụ, ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, người thanh niên Trần Doãn Khánh đã sớm nhận thức và giác ngộ lý tưởng, hăng hái tham gia cách mạng ngay từ năm 1946, khi mới 16 tuổi, trực tiếp làm dân quân tự vệ xã.
Ký ức hoạt động của bản thân trong những ngày tháng gian khổ và ác liệt khi mới tham gia cách mạng, chống thực dân Pháp chống phá ở bốt Vũ Điện luôn được cụ phác họa và thường kể với con cháu khi còn sống, nhất là mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, hay Tết độc lập 2/9. Và tôi tuy không là người trong nhà nhưng cũng may mắn được cụ kể cho nghe sau lần gặp gỡ tình cờ tại buổi lễ trao Huy hiệu Đảng như là một cái duyên của nghiệp cầm bút.
Cụ kể, lũ thực dân Pháp và tay sai ở bốt Vũ Điện là một trong những đồn bốt ác ôn nhất khu vực huyện Lý Nhân lúc bấy giờ. Bản thân phải dũng cảm, mưu trí, thoát ẩn, thoát hiện ở nhiều hầm cá nhân, được nhân dân trong xã che chở mới hoàn thành nhiệm vụ, thoát khỏi bắt bớ, tù đầy. Trong đó khét tiếng nhất là bọn chỉ điểm, điển hình là tay Mậm ở bốt Vũ Điện và một số phần tử xấu, cơ hội thời đó.
Đúng thế! Không sợ hiểm nguy và luôn dũng cảm, cụ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 1948, chỉ mới 18 tuổi, đoàn viên Trần Doãn Khánh đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ một thanh niên yêu nước, trải qua rèn luyện, thử thách, với năng lực, phẩm chất đạo đức trong sáng, lại được nhân dân trong xã, trong huyện và tổ chức tin yêu, đồng chí Trần Doãn Khánh đã lần lượt được Đảng giao các trọng trách: Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc xã Hồng Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam); Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Lý, huyện Lý Nhân (từ năm 1956 - 1964); được tổ chức cho đi học và được đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên Triết học tại Trường Tuyên giáo Trung ương (từ năm 1962 - 1963); Phó Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Lý Nhân, rồi Bí thư Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản huyện Lý Nhân (từ năm 1964 - 1965).
Từ năm 1966 đến năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ ác liệt, và cũng là lúc nước bạn Lào cần tiếp tục sự chi viện, giúp đỡ của cách mạng Việt Nam. Theo sự phân công của tổ chức, đảng viên Trần Doãn Khánh đã dũng cảm lên đường, đi chiến trường C, làm chuyên gia, công tác tại tỉnh Sầm Nưa, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Sau 4 năm công tác tại chiến trường C, giúp nước bạn Lào, năm 1970, đồng chí được chuyển về Ban Công tác miền Tây (Ban Công tác miền Tây trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quản lý). Từ năm 1970 - 1975 làm Bí thư Đoàn Thanh niên Ban công tác Lào. Và từ năm 1976, đồng chí được điều chuyển và bổ nhiệm chức Trưởng phòng (tương đương Vụ trưởng), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau này, hợp nhất trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và công tác đến lúc nghỉ hưu năm 1990.
Về nghỉ hưu tại tổ 11, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cụ vẫn tận tâm, tận lực cống hiến cho Đảng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm, cụ tiếp tục tham gia Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội người cao tuổi Tổ dân phố, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường Nghĩa Tân.
Có thể nói, dù công tác ở địa phương quê nhà xã Chân Lý, hay ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, hoặc ở mặt trận Lào, và ở các cơ quan Trung ương đến khi trở về công tác ở tổ dân phố đến lúc nghỉ hưu, đồng chí Trần Doãn Khánh đã trọn vẹn cống hiến cho cách mạng, được cán bộ, đảng viên, nhân dân, cơ quan, tổ chức, quê hương, địa phương, tổ dân phố tin yêu, mến quý.
Với những công lao, cống hiến, đóng góp cho Đảng, với cách mạng, đồng chí Trần Doãn Khánh được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương kháng chiến Hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Huy chương Anh dũng chống Mỹ của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trung ương Mặt trận Lào yêu nước; Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lịch sử Đảng; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Kiểm tra Đảng; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp người cao tuổi; và nhiều bằng khen của các ban, bộ, ngành của Trung ương và địa phương…
Trọn vẹn phấn đấu, cống hiến với Đảng, nhưng đồng chí Trần Doãn Khánh cũng đặc biệt vẹn toàn, chăm lo hết mực cho gia đình thân yêu của mình. Đồng chí cũng chính là người cha mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái, bao dung, đã nuôi dạy 6 người con trưởng thành. Để đến nay, gia đình nhỏ năm xưa đã trở thành một đại gia đình lớn. Nối tiếp truyền thống của cha, các con trai, con gái, con dâu, con rể, các cháu nội, ngoại… của cụ đã trưởng thành và nhiều người noi gương cụ trở thành những đảng viên ưu tú của Đảng, giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Đã đi và trực tiếp gặp gỡ, rồi viết nhiều về đảng viên lão thành cách mạng, nhưng tôi thật sự xúc động và cảm thấy tự hào khi được tâm sự với Cụ Trần Doãn Khánh tại buổi lễ trao Huy hiệu Đảng của Đảng bộ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Trong dịp đó, cụ là 1 trong những đảng viên vinh dự được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Phát biểu tại đây, Cụ tâm sự: “Tôi sinh năm 1930, đúng năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Như thế có nghĩa là tôi sinh ra đã có dòng máu Đảng Cộng sản rồi. Phần thưởng cao quý mà các đảng viên được nhận hôm nay không chỉ là thành tích của cá nhân mà đó là công lao dạy dỗ, chăm sóc của Đảng, sự động viên của cả gia đình, tổ chức”.
Cụ xúc động chia sẻ: “Đảng lúc nào cũng ở trong tôi và luôn dìu dắt cho chúng tôi đi trong những giờ phút khó khăn, ác liệt nhất của cuộc chiến đấu, hoàn thành những công việc do Đảng và nhân dân giao phó sau ngày hòa bình. Nhận được Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, đó là phần thưởng cao quý của Đảng trao tặng. Còn sống ngày nào, tôi còn giữ lòng trung kiên với Đảng, tin tưởng vào Đảng và mong muốn những nghị quyết, chủ trương và chính sách của Đảng về công tác xây dựng Đảng ngày nay sẽ đạt hiệu quả cao, làm cho Đảng ta mãi mãi là Đảng của dân, do dân và vì dân”.
Đời người không ai tránh khỏi qui luật: "Sinh - Lão - Bệnh - Tử". Và dường như những ngày tháng cuối đời, cụ như đã dự cảm trước được điều gì đó. Nằm trên giường bệnh, Cụ vẫn tâm sự với các con của mình: “Bố chờ mãi đến ngày nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng mà không kịp nữa rồi. Thôi, chắc Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cũng quý báu lắm rồi. Đó cũng là may mắn hơn nhiều đồng chí, bạn bè thân thiết của bố. Bố không đợi được nữa đâu”. Và rồi cái thời khắc định mệnh đó cũng đã đến - một trái tim giàu nhiệt huyết cách mạng đã ngừng đập để lại nỗi tiếc thương cho gia đình, cơ quan, cấp uỷ, chính quyền, quê hương, nơi Cụ từng sống, công tác và gắn bó…
Đồng chí Trần Doãn Khánh – người đảng viên của chúng ta không còn nữa. Đồng chí mất đi, Đảng ta mất một người đảng viên Cộng sản lão thành mẫu mực, kiên trung; Đảng bộ và nhân dân Lý Nhân, Hà Nam mất đi một người con hết lòng vì quê hương; gia đình mất đi một người cha, một người ông mẫu mực, nhân từ. Sự ra đi của đồng chí là sự tổn thất không gì bù đắp nổi đối với gia đình, dòng tộc. Đồng chí ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng mãi mãi in đậm trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta nói chung, trong lòng cán bộ, đảng viên và người dân xã Chân Lý nói riêng…
Cụ Trần Doãn Khánh kính mến! Vẫn biết cuộc đời này là vô thường. Vạn vật đều phải theo quy luật của tự nhiên. Con người từ hư vô mà đến, trải qua một kiếp người rồi lại đi vào hư vô. Lá bao giờ cũng rụng về cội, con người rồi cũng trở về với cát bụi, với cội nguồn mình đã sinh ra. Âu cũng là quy luật ở cõi nhân gian này…
“Sống là gửi, thác là về”. Nhiệm vụ với Đảng, với nhân dân, với gia đình, người đảng viên lão thành Trần Doãn Khánh đã xuất sắc hoàn thành. Và từ đây, Cụ thanh thản “về” phiêu du miền cực lạc mà không hề vướng bận bụi trần vì Cụ đã sống một cuộc đời đáng sống.
Bài viết này như một nén tâm nhang đưa tiễn cụ với lòng kính trọng một đảng viên lão thành trọn đời đi theo Đảng mà thế hệ đảng viên trẻ chúng tôi cần học tập và noi theo. Trong đau thương có cả niềm tự hào! Xin vĩnh biệt và cầu mong cụ yên giấc ngàn thu cõi vĩnh hằng!
Trung Anh