Thứ Bảy, 30/11/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 1/12/2013 22:12'(GMT+7)

Vĩnh biệt hai người bạn quý của nhân dân Việt Nam

Ông Voronin trong phút giây ghi sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nga

Ông Voronin trong phút giây ghi sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nga

Chỉ trong vòng 3 ngày (27 và 30/11), hai nhà ngoại giao, nhà Việt Nam học của Nga, hai người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam đã ra đi. Thông tin bất ngờ này đang khiến những người Việt Nam từng biết, từng có dịp cùng công tác hoặc gặp gỡ các ông: Rashit Khamidulin và Anatoli Voronin cả ở Nga và Việt Nam hết sức tiếc thương.

Vẫn biết, ai rồi cũng phải đến lúc trở về với cát bụi bởi cái quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”, thế nhưng, sự ra đi của vị Đại sứ kỳ cựu suốt 2 nhiệm kỳ ở Việt Nam Rashit Khamidulin hôm 27/11 và nhà Việt Nam học Voronin hôm 30/11, bỏ qua giai đoạn “bệnh” thành quá bất ngờ.

Mới đây thôi, trong lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại sứ quán Việt Nam ở LB Nga, nhà Việt Nam học Voronin còn lặng lẽ tới một mình viếng Đại tướng, ghi sổ tang... rồi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí Việt Nam chúng tôi về tình cảm mà ông dành cho Đại tướng.  

Trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2/9 năm nay, vị cựu Đại sứ Liên Xô cuối cùng và Đại sứ Nga đầu tiên tại Việt Nam (từ năm 1990 đến 1996) Khamidulin cũng vẫn đang khỏe mạnh và có mặt trong cả buổi tiếp khách của Đại sứ Việt Nam lẫn lễ đặt hoa trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy mà giờ đây, các ông đều đã thành thiên cổ. Lễ tang ông Khamidulin vừa diễn ra hôm cuối tuần, còn lễ tang ông Voronin sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai, đầu tuần tới.

Ông Rashit Khamidulin mất trước khi ông kỷ niệm sinh nhật lần thứ 77 đúng 1 ngày. Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Liên Xô vào năm 1960 và công tác trong ngành ngoại giao suốt quãng đời làm việc... thì trong đó có đến 20 năm ông trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan đến Việt Nam hoặc ở Việt Nam, và thời gian ông gắn bó tình cảm với Việt Nam thì còn nhiều hơn thế.

Ông Voronin trả lời phóng vấn phóng viên Việt Nam 

Trong 3 thứ ngoại ngữ mà ông thông thạo là Anh, Pháp, Việt thì tiếng Việt được ông sử dụng nhiều hơn cả, chính bởi thời gian mà ông gắn bó với Việt Nam. Thông cáo về sự ra đi của ông, Bộ Ngoại giao Nga viết: “Đóng góp lớn nhất của ông Khamidulin là việc thúc đẩy lợi ích của đất nước theo hướng gắn kết với Việt Nam. Với sự tham gia của ông, Liên Xô và Việt Nam đã thiết lập và thúc đẩy quan hệ giai đoạn 1970-1980, và hiện thực hóa vào những năm 1990. Với sự tham gia trực tiếp của Khamidulin, một loạt văn kiện quan trọng giữa Liên Xô và Việt Nam đã được ký kết, trong đó có Hiệp định Hợp tác – Hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam (1978) cùng nhiều Thỏa thuận khác... Trải qua hàng chục năm, những cơ sở quý giá này đã đặt nền móng để đưa quan hệ giữa Nga và Việt Nam lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện” ngày nay. Chúng ta vĩnh biệt một nhà Phương Đông học xuất sắc, một nhà ngoại giao tài năng, một người thầy anh minh, một con người siêu phàm, chói lọi, một công dân tận tụy với Tổ quốc”.

Nhiều nhà ngoại giao Việt Nam mãi ghi nhớ công ơn của nhà ngoại giao Khamidulin, bởi với tác động của ông, nhiều thế hệ các nhà ngoại giao Việt Nam đã được đào tạo tại Liên Xô trước kia.

Một phần bài viết về Bác Hồ và những tấm ảnh minh họa cuộc gặp giữa Bác với Anh hùng vũ trụ Titov tại Việt Nam năm 1962, khi đó ông Khamidulin làm phiên dịch

Tôi đã có dịp gặp và phỏng vấn ông Khamidulin nhiều lần, trong đó có lần, ông đã đánh giá rất cao chuyến thăm LB Nga của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2007. Tôi vẫn lưu giữ đoạn băng ghi âm ấy với nội dung: “Giữa hai nước chúng ta có mối quan hệ truyền thống lâu đời, lịch sử. Và những cuộc gặp gỡ, thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao nhất định sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp. Tôi tin tưởng điều này một cách chắc chắn không chỉ với tư cách của một người từng giữ cương vị Đại sức Liên Xô và Đại sứ Nga tại Việt Nam, mà còn là của một công dân Nga và một người bạn từ lâu của Việt Nam”.

Vào năm 2010, khi nước ta kỷ niệm trọng thể lần thứ 120 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cuộc hội thảo quốc tế về Bác đã được tổ chức tại Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, ông Rashid Khamidulin đã về Việt Nam dự và có bài tham luận sâu sắc về Người. Trả lời phỏng vấn của tôi, ông đã rất cảm động nhắc lại những kỷ niệm từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình. Lần ấy, ông cũng rất xúc động khi có dịp trở lại Việt Nam. Không ngờ, đó lại là lần cuối cùng.

Nhóm phóng viên Việt Nam chúng tôi, khi tác nghiệp ở LB Nga, vẫn luôn coi những nhà ngoại giao, nhà Việt Nam học kỳ cựu, những tên tuổi đã được nhiều người Việt Nam và bạn bè quốc tế biết là những chuyên gia, những “cộng tác viên ruột”. Bởi trong những lúc cần được tư vấn, trao đổi tìm hiểu thông tin, thậm chí là những cuộc tọa đàm, phỏng vấn về những chủ đề liên quan đến mối quan hệ Nga – Việt qua nhiều giai đoạn, thời kỳ... chúng tôi lại tìm đến các ông.

Tháng 1 năm nay, khi nhân dân Việt Nam tưng bừng kỷ niệm tròn 40 năm Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết, ông Anatoli Voronin cùng ông Evghênhi Kôbêlev đã trở thành khách mời của chúng tôi trong một cuộc tọa đàm với chủ đề “Hiệp định Hòa bình Paris qua góc nhìn của các học giả Nga”.

Ông Anatoly Voronin - nguyên Cố vấn ngoại giao của Chủ tịch Thượng viện Nga (2001-2006), từng là Tham tán Công sứ Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam (1991-1994) và cho đến trước khi nhắm mắt, xuôi tay, ông vẫn đang làm công tác nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Một bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách “Người Nga nói về Hồ Chí Minh” xuất bản nhân kỷ niệm 12 năm ngày sinh của Người

Thời kỳ những năm 1960 – 1970, ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, công tác tại Vụ Quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa thuộc Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô. Với vị trí công việc của mình, ông đã từng trực tiếp tham gia phiên dịch trong các cuộc gặp giữa ông Lê Đức Thọ, ông Nguyễn Duy Trinh... với các nhà lãnh đạo Liên Xô trong những năm diễn ra đàm phán ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.

Chính vì bề dày công việc gắn bó với Việt Nam mà ông đã phân tích rất kỹ về những vấn đề mà chúng tôi tổ chức tọa đàm trong chương trình đặc biệt ấy. Ông Voronin có đưa ra nhận định về tầm quan trọng của công tác ngoại giao, sau khi phân tích các khía cạnh xung quanh Chiến thắng lịch sử ấy: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu rất nổi tiếng là phải biết “kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”. Tất nhiên thời đại ngày nay cũng có những cái không giống thời đại của 40 năm về trước, nhưng vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra là một công thức thông thái - là công thức toán học mà chúng ta cần tiếp tục phát triển, thực hành và chứng minh”.

Hình ảnh các ông, những nhà ngoại giao, nhà Việt Nam học Nga sẽ còn đọng mãi trong tâm trí, trong trái tim nhân dân Việt Nam. Các ông đã sống hết mình trong những năm tháng tuổi trẻ, rồi bằng những việc làm thiết thực ngay cả khi đã nhiều tuổi và nghỉ hưu vẫn tiếp tục gắn bó với Việt Nam, gắn bó cho đến hơi thở cuối cùng vì mối quan hệ hữu nghị Nga – Việt.

Tình cảm to lớn với đất nước, con người Việt Nam vẫn mãi vẹn nguyên trong tim họ và bởi thế, nhân dân Việt Nam cũng mãi mãi ghi ơn, mãi mãi tri ân cùng các ông./.


Điệp Anh/VOV-Moscow

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất