Tin ông Ray-mông Ô-brắc, người chiến sĩ cách mạng lừng danh của cuộc kháng chiến vẻ vang chống sự chiếm đóng tàn bạo của phát-xít Ðức trong chiến tranh thế giới thứ hai và là người bạn lâu năm của nhân dân Việt Nam qua đời tối 10-4 đến với chúng tôi đột ngột. Bởi ông còn ấp ủ bao dự định, hoài bão và những kế hoạch xây dựng tình hữu nghị, hòa bình giữa các dân tộc.
Những huyền thoại
Ở Pháp, tên tuổi R.Ô-brắc và vợ ông, bà Lu-xi Ô-brắc là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và tinh thần bất khuất trong cuộc kháng chiến của những người Pháp tiến bộ chống sự chiếm đóng của phát-xít Ðức trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cuộc đời ông bà Ô-brắc đã trở thành một huyền thoại đẹp của thế kỷ 20.
Ray-mông Ô-brắc tên thật là Ray-mông Xa-mu-en, sinh ngày 31-7-1914 tại thành phố Vơ-dun, miền đông nước Pháp, trong một gia đình gốc Do thái. Năm 1934, ông thi đỗ vào Trường đại học Cầu đường Pa-ri. Năm 1937, ông nhận học bổng sang Mỹ học tại Học viện công nghệ Ma-xa-chu-xét và Ðại học Ha-vớt. Trở về Pháp, ông làm sĩ quan công binh tại mặt trận Ma-gi-nô khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.
Ông bị phát-xít Ðức bắt lần đầu ngày 21-6-1940. Ðược sự giúp đỡ của bà Lu-xi, ông thoát khỏi nhà tù và chuyển tới vùng tự do ở TP Li-ông. Thời gian này, ông bà Ô-brắc và các đồng đội đã sáng lập Phong trào giải phóng miền nam, tập hợp những người Pháp tiến bộ có tinh thần yêu nước chống ách thống trị của phát-xít Ðức. Ông tham gia nhiều hoạt động như rải truyền đơn, tuyển dụng các thành viên mới. Bị mật thám phát-xít Ðức bắt giam nhiều lần, ông được vợ và các đồng đội giải cứu tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh giải phóng nước Pháp cho tới ngày toàn thắng năm 1944.
Nước Pháp tự do khỏi ách phát-xít cũng là lúc Ô-brắc khởi đầu công việc với tư cách là đại diện của nền Cộng hòa ở TP Mác-xây. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Tổng thanh tra phụ trách công tác dò phá bom mìn trên toàn nước Pháp. Năm 1948, ông thành lập Văn phòng nghiên cứu công nghiệp hiện đại (BERIM). Văn phòng tham gia nhiều dự án quan trọng hiện đại hóa các hệ thống đô thị như hệ thống nước, giao thông, kiến trúc và bất động sản. Năm 1958, ông rời BERIM sang Ma-rốc trở thành cố vấn kỹ thuật trong 5 năm, sau đó trở thành chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO). Trải qua nhiều vị trí công tác, ông luôn thể hiện trí tuệ uyên bác, tinh thần lao động nghiêm túc. Và đã có một sự kiện lịch sử làm thay đổi cuộc đời ông. Ðó là cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.
Người bạn lớn của Việt Nam
Nhân chuyến thăm nước Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị hòa bình Phông-ten-nơ-blô, ông bà Ô-brắc được Hội Công nhân Việt Nam ở TP Mác-xây mời dự buổi chiêu đãi Bác, tổ chức tại vườn hoa Ba-ga-ten ở Pa-ri. Ông hồi tưởng: "Năm 1946 chúng tôi chưa biết nhiều về Việt Nam. Gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tại vườn Ba-ga-ten, tôi rất ấn tượng với phong cách nói chuyện giản dị, ấm áp của người lãnh đạo tối cao của Việt Nam. Cụ Chủ tịch nói với chúng tôi rằng Cụ không thích ở khách sạn, tuy sang trọng nhưng thiếu thiên nhiên. Chúng tôi mời Cụ về thăm nhà ở thị xã Xoi-xi Xu Mông-mô-ren-xi, ngoại ô Pa-ri".
Bác Hồ và các thành viên trong đoàn đã đến ở nhà ông bà. Cũng dịp này, bà Lu-xi, vợ ông, sinh người con thứ ba đặt tên là Ê-li-da-bét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận là cha đỡ đầu của Ê-li-da-bét. Thời gian sống bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Ô-brắc càng cảm phục trí tuệ siêu việt, lòng nhân ái cao cả của Bác. Ông kể: "Thời gian Bác Hồ sống ở nhà chúng tôi, chúng tôi càng thêm hiểu và yêu mến Bác. Từ đó, chúng tôi quyết định làm mọi việc để giúp nhân dân Việt Nam giành độc lập, để mưu cầu cuộc sống hạnh phúc". Và ông đã làm đúng như thế, trong suốt quãng đời còn lại. Mỗi khi có dịp gặp gỡ các bạn Việt Nam, ông lại kể về kỷ niệm đẹp nhất của đời mình, đó là kỷ niệm về ba lần được gặp Bác Hồ.
Năm 1955, trong chuyến công tác ở Trung Quốc, ông nhận được thông tin mời sang Việt Nam gấp. Vậy là ông đáp tàu đi từ Bắc Kinh tới Hà Nội. Ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Ông được thông tin cụ thể về tình hình Việt Nam đang trước nguy cơ bị chiến tranh chia cắt một lần nữa. Ông kể về chuyến đi này tại Hội thảo di sản Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19-9-2011 tại trụ sở UNESCO ở Pa-ri: "Chuyến đi từ Trung Quốc tới Việt Nam, tôi chỉ có mấy quả dứa để ăn lúc đi đường, vì vội quá không kịp chuẩn bị gì. Vậy mà trong mấy ngày đi tàu, tôi không hề có cảm giác đói, mệt. Cứ nghĩ đến giây phút gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi lại thấy phấn khởi".
Lần thứ ba ông gặp Bác Hồ là năm 1967, khi ấy ông đang là chuyên gia của FAO làm việc ở Rô-ma (I-ta-li-a). Ông gặp Bác trong bối cảnh Mỹ leo thang chiến tranh cực kỳ nguy hiểm ở chiến trường Việt Nam. Lần này, ông nhận nhiệm vụ là sứ giả của một công việc quan trọng, liên quan sự sống còn của một dân tộc. Ông như con thoi đi lại giữa châu Âu và Mỹ để gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hen-ri Kít-xinh-giơ, Tổng Thư ký LHQ K.Van-đem, Bộ trưởng Ngoại giao Va-ti-căng, Giáo hoàng Pôn VI. Sau các cuộc gặp ấy, Tổng Thư ký LHQ K.Van-đem và Giáo hoàng Pôn VI đã có các bài phát biểu phản đối cuộc chiến tranh dã man do Mỹ và đồng minh gây ra ở Việt Nam. Ðó là bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến lược của Mỹ ở Việt Nam.
Ghi nhận công lao to lớn của ông Ô-brắc, năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã mời ông và con gái E-li-da-bét thăm Việt Nam, thể hiện lòng tri ân với người bạn Pháp thủy chung suốt hơn nửa thế kỷ qua luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam. Ông đã được tặng Huân chương Hữu nghị. Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định trao tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Chỉ tiếc rằng, ông đã ra đi, không kịp đón nhận phần thưởng cao quý dành cho những cống hiến suốt đời của ông cho sự nghiệp lớn lao của một dân tộc.
Các phương tiện truyền thông của Pháp suốt hai ngày qua đưa tin ông Ô-brắc qua đời. Ðó cũng là tổn thất chung của nước Pháp. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này: "Ông bà Ô-brắc là những nhân vật anh hùng của cuộc kháng chiến. Chúng ta phải có bổn phận giữ gìn những kỷ niệm này sống mãi trong trái tim".
Chủ tịch QH Pháp Béc-na A-côi-ê bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc sự ra đi của ông Ô-brắc, một trong những chiến sĩ vĩ đại của phong trào đấu tranh giải phóng của nước Pháp. Trong điện chia buồn gửi tới gia quyến ông Ô-brắc, Chủ tịch A-côi-ê khẳng định: Ray-mông Ô-brắc trước hết là một con người luôn trung thành, với bản tính nhân văn và sự độ lượng. Ông luôn bảo vệ niềm tin và sự thật không chỉ bằng nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu, mà còn ở sự tôn trọng sâu sắc người khác. Bí thư toàn quốc Ðảng CS Pháp P.Lô-răng phát biểu: "Những người cộng sản Pháp xin gửi tới ông tình bạn thắm thiết nhất. Chúng tôi quý mến ông bởi bản tính cương trực, lòng nhân hậu và bao dung. Xin được chia sẻ tổn thất lớn này cùng gia đình và bạn bè ông".
Nguồn: Nhân Dân