Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 19/4/2013 10:57'(GMT+7)

Vĩnh Phúc đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Nhân dân xã Yên Ðồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) làm đường giao thông.

Nhân dân xã Yên Ðồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) làm đường giao thông.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới. Báo, đài địa phương thường xuyên đăng tải tin, bài, phóng sự; mở chuyên mục tuyên truyền giới thiệu những cách làm hay, mô hình mới. Bên cạnh đó, kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ... Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; khơi dậy tính tự chủ, tự lực, tự vươn lên; tạo được sự đồng thuận cao, huy động các nguồn lực và sức đóng góp của dân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, góp phần thành công vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 Đến nay, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân những vùng khó khăn đã được cải thiện và dần nâng cao. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, xác định mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao đã được nhiều địa phương triển khai có hiệu quả, gắn với chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm...

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ, tính đến tháng 3/2013, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 8 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí; 62 xã đạt 9 đến 13 tiêu chí; 42 xã đạt 5 đến 8 tiêu chí; riêng 20 xã làm điểm phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí trong năm nay.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được tỉnh coi là một trong những nội dung quan trọng, góp phần vào kết quả của các phong trào thi đua yêu nước. Trên tinh thần quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua và căn cứ vào tình hình thực tiễn, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phát động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cùng với những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Thời gian qua, nhiều phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, có hiệu quả, trong đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích, nhất là người lao động trực tiếp đã  tạo động lực thúc đẩy các phong trào ngày càng phát triển...

Bên cạnh những thành công bước đầu, một số hạn chế, bất cập bộc lộ qua quá trình triển khai thực hiện các nội dung công tác trên cũng được tỉnh coi là những bài học kinh nghiệm cần nhanh chóng khắc phục để nâng cao chất lượng, hiệu quả:

Một là, tăng cường, chú trọng đúng mức công tác chỉ đạo của các ngành, các cấp đối với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới và công tác thi đua - khen thưởng,.

Hai là, phát huy tính đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội, công tác chuyên môn, phong tục tập quán của mỗi địa phương, đơn vị, ban, ngành của tỉnh trong quá trình thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng nông thôn mới.

Ba là, nâng cao tính kịp thời trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án để đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp và ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua khác.

Năm là, báo cáo kịp thời và nhân rộng những kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua ở một số địa phương, ban, ngành có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Có kế hoạch hướng dẫn cụ thể, thống nhất và tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các lĩnh vực công tác này.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc ngày 17/4/2013, kiểm tra về công tác thi đua - khen thưởng và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh thời gian qua trên những lĩnh vực này.

Với tư cách Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TW, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, nhờ có công tác chỉ đạo tốt, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển từng địa phương trong tỉnh, nên các phong trào thi đua yêu nước của Vĩnh phúc đã có những bước phát triển đáng khích lệ.

Phó Chủ tịch nước đặc biệt đánh giá cao công tác tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của tỉnh; có sự sáng tạo, khen thưởng kịp thời, trong đó chú trọng việc khen thưởng người lao động trực tiếp.

Trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai có hiệu quả, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ trong dân cho xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Để phong trào thi đua yêu nước và xây dựng nông thôn mới trên quê hương Vĩnh Phúc tiếp tục đạt được những kết quả tốt đẹp trong trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị tỉnh đặc biệt coi trọng phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, tinh thần tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ; tạo được sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của nhân dân; trong các phong trào thi đua phải có tiêu chí rõ ràng, đặt mục tiêu cụ thể và các giải pháp để đạt mục tiêu đó; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch trong thi đua - khen thưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này, đặc biệt, để các phong trào thi đua có động lực, cần phải có sự khen thưởng đúng, kịp thời; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với từng nội dung của mỗi phong trào thi đua.../.

Thiệu Anh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất