Triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện đến cán bộ, đảng viên, phổ biến rộng rãi trong nhân dân; công khai các qui hoạch, nhất là các dự án, đề án phát triển dịch vụ, du lịch. Trong đó,gắn việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm chính trị với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo; tạo môi trường phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng bền vững, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, sự phối hợp giữa các ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và các phong trào thi đua yêu nước.
Lượng khách du lịch tăng bình quân 15%/năm, đạt mức hơn 1 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2019.
|
Sau 5 năm, nhờ chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhiều công trình văn hóa - xã hội, cũng như hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại. Các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, lễ hội, tâm linh… ngày càng phát triển. Vĩnh Phúc đã thu hút số lượng lớn nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vào phát triển du lịch và đã đón hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch nhằm khơi dậy các tiềm năng cho ngành du lịch. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Tam Đảo, đã có nhiều dự án đầu tư, với số vốn hàng ngàn tỷ đồng vào khu du lịch Tam Đảo 1, 2; trung tâm văn hoá lễ hội, cáp treo Tây Thiên, sân golf, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, resort….,
Trong 5 năm đã đón hơn 8,4 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân 5 năm 2015 - 2020 đạt 9,69% đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành dịch vụ của tỉnh tăng 6,21% trong 5 năm qua và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
|
Những kết quả đạt được trong phát triển du lịch đã cho thấy định hướng “đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc là phù hợp với xu thế phát triển hướng tới xã hội tiêu dùng và nhu cầu hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân.
Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu “...Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch...”; để ngành dịch vụ đạt mục tiêu tăng bình quân từ dịch vụ tăng 8,0 - 8,5%/năm và đóng góp 32 - 32,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, khắc phục những hạn chế như trong cáo cáo nêu, đặc biệt để phát triển du lịch theo hướng bền vững tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, Vĩnh Phúc cần tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, đặt phát triển du lịch vừa là động lực, vừa là mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh và bền vững. Cần có những định hướng phấn đấu toàn diện hơn, xác định rõ các sản phẩm du lịch có thế mạnh. Đồng thời, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo hiệu quả kinh tế, tính cạnh tranh để các doanh nghiệp, người lao động và các điểm du lịch có khả năng phát triển, đạt lợi nhuận, thu nhập ổn định lâu dài; nghiên cứu xu hướng nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách để từng bước trở thành tỉnh thu hút và phân phối khách du lịch của Vùng và khu vực phía Bắc.
Hai là, về quy hoạch và đầu tư: Trên cơ sở của quy hoạch tổng thể, tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm và vùng du lịch trọng điểm, trong đó cần đạc biệt quan tâm đến quy hoạch các khu đô thị xanh. Quan tâm giải quyết tốt lợi ích Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp để tạo niềm tin thu hút các nguồn lực xã hội vào hoàn thiện các khu, điểm, cụm du lịch hiện có mang tầm cỡ khu vực phía Bắc để tạo sức hút và sự lan tỏa. Trước mắt, hoàn thiện các khu, điểm du lịch Tây Thiên, Tam Đảo 1, Đại Lải, Đầm Vạc, tập trung hỗ trợ tốt nhất cho triển khai dự án khu du lịch Tam Đảo 2...
Ba là, văn hoá, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường phải được gìn giữ và phát huy, nhất là giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương, tại các điểm du lịch. Duy trì và nâng cao chất lượng phong cảnh, kể cả ở nông thôn và đô thị, tránh để môi trường xuống cấp. Du lịch Vĩnh Phúc phải là du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn. Hỗ trợ bảo tồn hệ động, thực vật. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng, phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.
Bốn là, về liên kết phát triển du lịch; là ngành kinh tế tổng hợp nên Nhà nước phải là chủ thể trong điều tiết các nguồn lực, kết nối nội vùng, liên vùng, giữa các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội.... Tập trung khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao, có như vậy thì du lịch mới phát triển nhanh và bền vững.
Năm là, về nguồn nhân lực, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng trong cả quản lý ngành, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ. Rà soát, bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và thực hành nghiệp vụ du lịch nhân lực hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, trong quản lý và phát triển du lịch, trong đào tạo nguồn nhân lực cần quan tâm đến yếu tố văn hóa của nguồn nhân lực, đây là cốt lõi để tạo ra được sự khác biệt trong nguồn nhân lực và nguồn lực của con người Vĩnh Phúc.
Sáu là, cần có cơ chế ưu tiên phát triển du lịch, nhằm thu hút các nguồn lực cho các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nhưng còn nhiều khó khăn về nguồn lực, nhân lực như huyện Tam Đảo. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du lịch.
Thu Hằng