Thứ Hai, 4/11/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Sáu, 8/12/2017 14:20'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Quan tâm giải quyết việc làm cho lao động trẻ

Tình trạng bỏ việc ở doanh nghiệp này sang làm cho doanh nghiệp khác, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngày càng ít hơn... 

Theo báo cáo của ngành chức năng, bình quân mỗi năm Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho trên 22.000 đến 23.000 lao động. Riêng năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 25.300 lao động, tăng 1,7% so với năm 2016; trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho hơn 23.300 người, đưa gần 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 

Có được kết quả khả quan trên là nhờ số lượng doanh nghiệp, làng nghề phát triển mạnh. Nếu như năm 2014, Vĩnh Phúc có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút 37.790 lao động và thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp đạt trên dưới 3,4 triệu đồng/người/tháng thì đến hết tháng 6/2017, các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có trên 140 doanh nghiệp FDI sử dụng khoảng 72.000 lao động và thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp đạt trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập những tháng cuối năm 2017 đang tăng đáng kể, theo nhiều công nhân lao động hiện nay đang ở mức phổ biến từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang ồ ạt tuyển dụng lao động như: Khu công nghiệp Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên), Khu công nghiệp Bá Thiện (huyện Bình Xuyên)... Hàng chục doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mời gọi lao động vào làm việc với mức thu nhập bình quân từ 7 - 7,5 triệu đồng/người/tháng. 

Bên cạnh các khu công nghiệp thì nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động ở nông thôn. Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề; trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, thu hút khoảng 45.000 đến 50.000 lao động. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề cao gấp 2 - 3 lần lao động nông nghiệp thuần túy. Làng nghề mây tre đan ở Cao Phong - xã Cao Phong, huyện Sông Lô có khoảng gần 1.000 hộ tham gia làm nghề,  tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập ổn định từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng và tổng doanh thu hằng năm của làng nghề đạt trên 20 tỷ đồng. 

Thị trấn Thanh Lãng hiện có 2.600 hộ dân với trên 13.800 khẩu thì có tới 90% hộ làm nghề mộc thường xuyên. Số hộ có thu nhập từ nghề mộc làm tại nhà 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên chiếm tới 70-80%. Ngoài ra, toàn thị trấn còn có gần 1.000 lao động đi làm nghề mộc ở các tỉnh, thành trong nước. Trong đó có khoảng 200 người mở xưởng mộc ở các tỉnh như: Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nội, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh... tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa bàn các tỉnh, thành với mức thu nhập của lao động thợ có kinh nghiệm từ 200 đến 300.000 đồng/người/ngày. 

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với các ngành thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 207 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 – 2020; thực hiện điều tra, tổng hợp số liệu thông tin cung, cầu lao động năm 2018. Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và địa phương thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện tốt các quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động. Bên cạnh đó tổ chức sắp xếp lại một số cơ sở đào tạo nghề để nâng cao trình độ đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động.../. 

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất