Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 8/6/2022 14:47'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cùng Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lưu Văn Dũng trao 192 suất quà tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cùng Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lưu Văn Dũng trao 192 suất quà tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị. Đồng thời, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa phương, đơn vị, thường xuyên đánh giá việc triển khai Chỉ thị nhằm kịp thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tiếp theo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Thông tri số 21-TTr/TU ngày 05/7/2013 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; HĐND tỉnh đã ban hành 04 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc tuyên truyền Chỉ thị được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, kịp thời phát hiện, nắm bắt tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

HÀNH TRÌNH 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra và cao hơn trung bình cả nước; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được triển khai tốt; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của trẻ em ngày càng tốt hơn; các quyền được sống, phát triển, quyền học tập, quyền được tham gia, vui chơi của trẻ em ngày càng được đảm bảo; nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em năm 2020 của Vĩnh Phúc đạt 75%; tình hình sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em được cải thiện đáng kể, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng giảm rõ rệt từ 9,8% năm 2016 xuống còn 7,7% vào năm 2020; trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đều được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.

Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi được hưởng chương trình giáo dục mầm non trước khi vào lớp 1 đạt 100% và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 với tỷ lệ là 100%. Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình trung học cơ sở tăng từ 99,3% lên 99,8%. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện được đi học tăng từ  98,7% lên 99,52%. Việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ trẻ em được đặc biệt quan tâm và triển khai hiệu quả; công tác trợ giúp các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả nổi bật. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chỉ còn 1,15%. Công tác vận động các nguồn lực xã hội cho trẻ em được triển khai hiệu quả; các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em được tiến hành thường xuyên, với nhiều hoạt động thiết thực.

Sở Lao động, Thương binh & Xã hội đã phối hợp với ngành Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thiết thực, hiệu quả như: Chương trình khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em; khám sàng lọc các bệnh về tim, mắt, khuyết tật vận động, răng hàm mặt cho từ 25-30 nghìn trẻ em/năm; khám đánh giá tình hình suy dinh dưỡng hàng năm cho trên 3000 trẻ em tại địa bàn các xã có tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cao; tổ chức khám, phân loại trẻ em khuyết tật về vận động, sứt môi hở hàm ếch, có tật về mắt, bị bệnh tim bẩm sinh và đã phẫu thuật miễn phí cho trên 100 trẻ em/năm bị khuyết tật.

Chương trình giáo dục trẻ em được quan tâm chú trọng, công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc mạnh mẽ. Tỉnh đã xây dựng và duy trì mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn, thương tích tại 9/9 huyện, thành phố và hiện đang tiếp tục duy trì và triển khai nhân rộng. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, triển khai tích cực nhiều hoạt động, tình hình tai nạn, thương tích, đuối nước của trẻ em trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Kết thúc giai đoạn 2016-2020, tỷ xuất trẻ em bị tai nạn thương tích Vĩnh Phúc đến giảm xuống còn 173/100.000 trẻ em; tỉ xuất trẻ em tử vong do tai nạn thương tích giảm xuống còn 9,4/100.000 trẻ em.

Công tác chăm sóc, trợ giúp các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được đặc biệt quan tâm. Công tác vận động các nguồn lực xã hội cho trẻ em được triển khai hiệu quả, giai đoạn 2010-2020 Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động được trên 50 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thường xuyên tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ  trẻ em với tổng kinh phí  35,6 tỷ đồng/năm. Tổ chức khám sàng lọc, tư vấn, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ phẫu thuật  bệnh tim và các loại khuyết tật vận động, sứt môi, hở hàm ếch và các loại bệnh khác… cho trên 242 nghìn trẻ em, trong đó hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí cho 481 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; phẫu thuật khuyết tật vận động, sứt môi, hở hàm ếch, mắt cho 848 trẻ em; cấp 457 dụng cụ chỉnh hình, trợ giúp; trao tặng 2173 xe đạp; xây dựng 72 nhà tình thương, 122 máy lọc nước và 18 bộ thiết bị đồ chơi cho các nhà trường; trao tặng 7138 suất học bổng, trợ cấp, bảo hiểm, sổ tiết kiệm; thăm hỏi, tặng quà, đồ dùng học tập nhân các dịp lễ tết…cho hàng nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn/năm; Vận động và lập hồ sơ trợ giúp, đưa vào chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh 28 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi  không nơi nương tựa (100%)… đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng trẻ em lang thang, kiếm sống.

Hội đồng Đội tỉnh và Hội đồng Đội các huyện, thành phố trong 10 năm qua đã trao 22.120 suất quà cho 22.120 lượt em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các xã, các trường học trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn hàng năm trao tặng hàng trăm xuất quà, đồ dùng học tập…cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn nhân dịp Tết Trung Thu, Tết Thiếu Nhi, Tết Nguyên Đán… Trợ cấp xã hội hàng tháng cho 2.062 trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí trên 15 tỷ đồng/năm. Với các hoạt động và kết quả đạt được nêu trên đã góp phần đưa tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc năm 2021 đạt 98%; đồng thời giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 1,15% (cả nước tỉ lệ này là 6%).

Công tác bảo đảm cho trẻ em được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được đầu tư: Đến nay toàn tỉnh có 7/9 huyện, thành phố có Trung tâm văn hóa, thể thao, đặc biệt có 5/9 huyện, thành phố có Nhà văn hóa thiếu nhi. 136/136 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao, khu vui chơi giải trí; 1.237/1237 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa (đạt 100%), trong đó 105/136 xã, phường, thị trấn có sân vận động, nhà luyện tập TDTT; có 59 bể bơi lớn, nhỏ, trong đó số đó có 15 bể bơi được cấp phép, cấp phép 6 bể bơi lắp ráp thông minh...

Việc thực hiện các chế độ, chính sách về trẻ em, ngoài việc thực hiện những chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách riêng, đặc thù của tỉnh với mức hỗ trợ cao hơn mức của Chính phủ cho các đối tượng hộ nghèo, người cao tuổi, người có công với cách mạng, người lao động, giáo dục nghề nghiệp, trong đó có trẻ em. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc ưu tiên nguồn lực cho công tác trẻ em được quan tâm: Hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các mục tiêu chương trình vì trẻ em cấp tỉnh là 5 tỷ đồng/năm; cấp huyện là 200 triệu đồng/năm; cấp xã là 20 triệu đồng/năm để triển khai thực hiện các mục tiêu vì trẻ em của tỉnh. Chương trình hành động vì trẻ em Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, tỉnh trích ngân sách chi thực hiện các mục tiêu vì trẻ em của tỉnh mỗi năm là 11 tỷ đồng, trong đó: Trích Quỹ Bảo trợ trẻ em 5 tỷ; trích 400 triệu đồng/năm cho cấp huyện; 50 triệu đồng/năm cho cấp xã. Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh bố trí ngân sách chi cho các mục tiêu về trẻ em ở cấp tỉnh là 13,157 tỷ đồng/năm; cấp huyện mỗi huyện 500 triệu đồng/năm và cấp xã mỗi xã 50 triệu đồng/năm. Hằng năm, ngoài nguồn ngân sách tỉnh chi thực hiện các mục tiêu chương trình vì trẻ em thì Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động được trên 50 doanh nghiệp thường xuyên tài trợ cho các hoạt động trợ giúp, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với kinh phí vận động (bao gồm tiền và hiện vật quy ra tiền) trung bình 4-5 tỷ đồng/năm.

Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện quyền trẻ em được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp; đến nay 9/9 huyện, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành bảo vệ chăm sóc trẻ em. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Công tác phối hợp giữa Uỷ ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh trong hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã có sự gắn kết ngày càng chặt chẽ. Đã chỉ đạo các cơ quan đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, PHÁT HUY KẾT QUẢ, TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được thường xuyên. Công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền của trẻ em được tăng cường nhưng chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào Tháng hành động vì trẻ em hằng năm; vẫn còn nhiều vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em, nhiều gia đình còn chưa quản lý chặt trẻ em dẫn tới hậu quả trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn thương tích, vi phạm pháp luật. Tỉnh chưa có đội ngũ cộng tác viên về bảo vệ trẻ em ở các thôn, tổ dân phố  nên công tác truyền thông, tuyên truyền, cập nhật thông tin và hỗ trợ, can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em cần bảo vệ còn hạn chế...

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, như: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị; Thông tri số 21-TTr/TU của Tỉnh ủy; Luật trẻ em năm 2016, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và các văn bản liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực để mọi người dân thấy được tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về BVCS&GDTE. Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, chính sách, pháp luật về trẻ em. Chỉ đạo kiện toàn và phát huy hơn nữa vai trò của Ban Điều hành và Nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em các cấp, tăng cường phối hợp liên ngành về trẻ em các cấp. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên; tham mưu có hiệu quả các chương trình phối hợp với các ngành liên quan; tăng cường giám sát, phản biện và tham gia có hiệu quả vào hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em./.

Nguyễn Thị Duyên

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất