Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Vinh cho biết, vốn là tỉnh có thế mạnh về công nghiệp lắp ráp với các khu công nghiệp lớn, trong hơn một năm qua, Vĩnh Phúc chú trọng phát triển thêm ngành nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, với hai sản phẩm chủ đạo là thanh long ruột đỏ và chuối tiêu hồng.
Mở đầu chuyến công tác xúc tiến thương mại tại một số nước châu Âu, ngày 3/9/2017, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc do Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Trần Văn Vinh dẫn đầu đã đến Liên bang Nga, làm việc tại cơ quan đại diện Ngoại giao của Việt Nam và thăm trung tâm thương mại đầu tư của Việt Nam tại Liên bang Nga để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hàng hóa thế mạnh của tỉnh sang thị trường tiềm năng này.
Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam với vai trò là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Nga, Đại biện lâm thời Lại Ngọc Đoàn cùng đại diện các phòng ban liên quan đã tiếp đoàn, hoan nghênh đoàn đi tìm hiểu thực tế về thị trường Nga, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn thông tin trong nước còn chưa đầy đủ, chưa thực sự khách quan về tiềm năng của thị trường, tâm lý lo ngại những rào cản cơ chế, tác động của biện pháp trừng phạt Nga hiện nay.
Đại biện Lại Ngọc Đoàn hy vọng những hiểu biết thực tế từ thị trường sẽ được chú ý đến trong công tác hoạch định chính sách kinh tế và thương mại của tỉnh.
Trong khi đó, ông Trần Văn Vinh cho biết vốn là tỉnh có thế mạnh về công nghiệp lắp ráp với các khu công nghiệp lớn, trong hơn một năm qua, Vĩnh Phúc chú trọng phát triển thêm ngành nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, với hai sản phẩm chủ đạo là thanh long ruột đỏ và chuối tiêu hồng. Thực tế cho thấy sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh đã thuyết phục được những thị trường khó tính, chất lượng cao như Malaysia và tiến tới là thị trường Nhật Bản.
Nga là thị trường mà tỉnh đang hướng tới xúc tiến thương mại. Đoàn Vĩnh Phúc đã chuẩn bị những thông tin đầy đủ, cập nhật và toàn diện về năng lực cũng như thế mạnh của tỉnh để qua các kênh của Đại sứ quán giới thiệu đến các đối tác tiềm năng trong thương mại và đầu tư.
Tham tán, trưởng phòng kinh tế Nguyễn Phan Hải cho biết những điều kiện khó khăn do bên ngoài khi phải chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây lại là cơ hội để nền kinh tế Nga phát huy nội lực, mở rộng tìm kiếm các nguồn hàng, bạn hàng, đối tác mới, đặc biệt là chính sách “Hướng Đông” của Tổng thống Vladimir Putin đã đưa các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đến gần hơn vơi cơ hội tiếp cận thị trường Nga.
Trong chính sách đó, Việt Nam được xem là cánh cửa mở vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho các doanh nghiệp Nga. Đặc biệt thuận lợi hơn khi trong chuyến thăm cấp cao tới Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi tháng Sáu vừa qua, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, trong hợp tác Việt Nam-Nga thì hợp tác giữa các địa phương được đặt lên nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Đoàn cũng đã đến tham quan Trung tâm thương mại Hà Nội-Moskva, gặp gỡ đại diện ban giám đốc trung tâm, tìm hiểu điều kiện mở đại diện, đăng ký kinh doanh tại Trung tâm, nơi một số các doanh nghiệp lớn trong nước hiện đã đặt đại diện cũng như thuê cửa hàng kinh doanh sản phẩm./.
(TTXVN)