Thứ Ba, 5/11/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Bảy, 12/8/2017 20:36'(GMT+7)

Hạ tầng nông thôn Vĩnh Phúc thay đổi nhanh, tạo tiền đề phát triển

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc

Tổng kinh phí đã huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2016 là gần 8.968 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và lồng ghép từ các chương trình dự án khác...

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn này, hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 2 huyện (Yên Lạc và Bình Xuyên) đạt chuẩn nông thôn mới và 87 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó có 74/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 66,07%). Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn: 100% số xã đã được quy hoạch; có 90,5% đường liên xã, trục xã (1.459/1.612 km), 76,6% đường trục thôn, ngõ xóm (1.603/2.094 km) và 61,8% đường giao thông nội đồng (689,5/1.115 km) được cứng hóa.

Vĩnh Phúc có 100% kênh loại I, II và 94,18% kênh loại III được kiên cố hóa; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; hàng trăm phòng học các cấp ở 112 xã được xây mới, cải tạo đạt chuẩn, nâng số trường học đạt chuẩn quốc gia lên 348/390 trường chiếm 89,2%. Có 71/112 xã có trung tâm văn hóa thể thao xã đạt chuẩn; 1.072 thôn có nhà văn hóa, trong đó 936 thôn (87,31%) có đủ cả nhà văn hóa và sân thể thao đơn giản đạt chuẩn.

Kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh được đầu tư, từng bước hoàn thiện và đồng bộ, đã có 59 chợ nông thôn được đầu tư (32 xây mới, 27 cải tạo, nâng cấp). 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy cập Internet cho tổ chức, cá nhân.

Toàn tỉnh đã hỗ trợ xóa được 5.348 nhà tạm cho hộ nghèo, có gần 15.000 nhà ở đã được cộng đồng xây mới, cải tạo nâng cấp. Vĩnh Phúc đã đầu tư kinh phí cho 100 xã xây dựng trạm y tế xã, các công trình phụ trợ (xây mới 7, cải tạo 93 trạm). Ngoài ra, có 15 công trình xử lý nước thải khu dân cư, 400 nghĩa trang và hơn 600 km rãnh thoát nước thải được xây mới, nâng cấp...

Nhờ hạ tầng phát triển, nông nghiệp Vĩnh Phúc liên tục tăng trưởng, sản xuất phát triển toàn diện, đúng hướng; cơ cấu cây trồng – vật nuôi chuyển dịch tích cực, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh hoặc thâm canh cao với phương thức sản xuất tiên tiến theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh bình quân ước đạt 3,4%/năm, tạo việc làm mới cho hàng trăm nghìn lao động. Tất cả các con đường thôn, xã, giao thôn nội đồng giờ đây được phủ bê tông sạch bóng, tạo điều kiện cho người dân đi lại và từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh.

Đến năm 2020, Vĩnh Phúc phấn đấu có 100% xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến tổng kinh phí đầu tư cho chương trình xây giai đoạn 2017- 2020 trên 4.000 tỷ đồng. Để các xã đạt chuẩn theo quy định duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, tỉnh chú trọng thực hiện đồng bộ các cơ chế hỗ trợ về giao thông; xây dựng sở vật chất văn hóa; hỗ trợ xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉnh rà soát, điều chỉnh bổ sung hoàn thành quy hoạch nông thôn mới; các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp cấp xã, huyện và cấp vùng; bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên. Hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn thôn, xã; tiếp tục đầu tư cho giao thông nông thôn, giao thông nội đồng theo đề án đã được phê duyệt, đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với thực tế.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cơ bản cứng hóa 100% đường giao thông nông thôn, đường trục chính giao thông nội đồng trên địa bàn tỉnh. Có 80% đường trục xã, liên xã được trồng cây xanh hai bên đường.../.

Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất