Ngày 11/12, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã có bài phát biểu quan trọng trong Phiên thảo luận chung của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 67 về Đề mục "Luật Biển và đại dương", nhân kỷ niệm 30 năm ngày ký Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của đại dương và biển trong việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, duy trì thịnh vượng kinh tế và giàu có của các nước trên thế giới, Việt Nam ủng hộ Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục thúc đẩy vấn đề sử dụng và phát triển bền vững của các đại dương, biển và tài nguyên biển.
Việt Nam đánh giá cao kết quả và các nỗ lực vừa qua của các cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc, đồng thời khuyến khích Đại hội đồng xem xét và thông qua các khuyến nghị của Hội nghị lần thứ 5 thuộc Nhóm Công tác không chính thức để ngỏ, đặc biệt nghiên cứu các vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn đa dạng sinh học biển ở các khu vực ngoài thẩm quyền quốc gia (Văn kiện A/67/95), Hội nghị lần thứ 13 của Tiến trình tư vấn không chính thức để ngỏ của Liên hợp quốc về Các đại dương và Luật Biển (Văn kiện A/67/120) và Hội nghị lần thứ 3 của Nhóm Công tác đặc biệt về tiến trình báo cáo toàn cầu thường xuyên và đánh giá thực trạng môi trường biển bao gồm các lĩnh vực kinh tế-xã hội (Văn kiện A/67/87). Việt Nam cũng đánh giá cao những thành tựu của các cơ quan do UNCLOS thành lập như Cơ quan Đáy biển quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và Ủy ban Ranh giới thềm lục địa.
Đại sứ Lê Hoài Trung cho rằng UNCLOS thể hiện nguyện vọng của cộng đồng quốc tế về một trật tự luật pháp quốc tế bình đẳng ở các đại dương và được hầu hết các nước trên thế giới chấp nhận. Đại sứ đánh giá UNCLOS như một "Bản hiến pháp về đại dương," bởi UNCLOS đã đề ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó tất cả các hoạt động ở các biển và đại dương phải được tuân thủ và tạo cơ sở quan trọng cho việc duy trì nền hòa bình và ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác hợp lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển và môi trường ở các vùng biển trong và ngoài thẩm quyền quốc gia. Quan trọng hơn, UNCLOS đã thiết lập một cơ chế mới nhằm giải quyết tranh chấp biển, từ đó cung cấp cho các bên nhà nước một phương tiện hữu ích để giải quyết các bất đồng một cách hòa bình. UNCLOS cũng tạo ra sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của các bên.
Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định, ngay sau khi UNCLOS được thông qua, Việt Nam là một trong số 107 quốc gia ký Công ước ngày 30/4/1982. Và kể từ khi phê chuẩn UNCLOS năm 1994, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện Công ước như đã nêu trong Bản báo cáo thực hiện UNCLOS của Việt Nam gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc, hiện đang được lưu hành như một tài liệu chính thức của Khóa họp Đại hội đồng thứ 67 theo Điều khoản Chương trình nghị sự 75 (a) (Đại dương và Luật biển).
Căn cứ các quy định của UNCLOS cũng như xem xét tình hình thực tiễn, tháng 6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một nỗ lực pháp lý quan trọng của Việt Nam nhằm cụ thể hóa các quy định của UNCLOS thành luật pháp quốc gia của Việt Nam, góp phần cải thiện khung pháp lý quốc gia liên quan đến biển và hải đảo của Việt Nam. Luật Biển của Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho Việt Nam trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ các vùng biển và các nguồn tài nguyên.
Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh, là một quốc gia có 3.260 km đường bờ biển thuộc biển Đông, Việt Nam rất quan tâm đến công tác duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông bao gồm bảo đảm an ninh hàng hải, thúc đẩy thịnh vượng và hợp tác hữu nghị phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Việt Nam kêu gọi tất cả các nước ký kết cũng như các nước khác ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố năm 2012 của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông. Việt Nam sẵn sàng hoạt động sớm ký kết một đạo luật ứng xử ở biển Đông nhằm thúc đẩy hơn nữa nền hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực./.
(Theo TTXVN)