Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 19/1/2010 20:54'(GMT+7)

Vở ca kịch Hồ Chí Minh- Hồi ức màu đỏ: Xúc động và đầy sức ám ảnh

Rất nhiều khán giả xem vở diễn đã không cầm được nước mắt vì xúc động. Vở diễn đã giành được Huy chương Vàng của Hội diễn. Đài Truyền hình VN tại Huế ghi hình vở diễn mang đi dự LH Truyền hình toàn quốc cũng giành giải Vàng.

Ám ảnh bởi những gì vở diễn đem lại, tôi đã đi tìm lời giải cho câu hỏi: tại sao vở diễn lại làm xúc động người xem đến vậy? Có lẽ, lâu nay chưa có vở  nào  nói về  đời thường của Bác Hồ, mà lại toàn những chuyện cay đắng, đau buồn. Đây là lần đầu tiên có một vở nói về chuyện đó. Do kịch bản điểm đúng huyệt, đạo diễn giỏi, bài trí sân khấu và âm nhạc tuyệt vời cùng một dàn diễn viên trẻ  xuất sắc- tất cả đã hoà quyện tạo nên tác phẩm nghệ thuật sân khấu ám ảnh.

Trước hết xin nói về kịch bản. Đây là  kịch bản mà nhà văn Nguyễn Quang Vinh “viết theo đơn đặt hàng” của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế.   Làm một vở ca kịch về Bác Hồ diễn chỉ 2 tiếng đồng hồ là vô cùng khó, vì cuộc đời và hoạt động  của Bác qua khắp năm châu, trải dài hơn nửa thế kỷ XX. Và cũng đã có nhiều tác giả làm  phim, vở diễn sân khấu về Bác Hồ. Vậy chọn thời điểm nào trong cuộc đời của Bác để vừa không  lặp lại người khác, lại vừa gần gũi với người xem? Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã chọn thời điểm Bác Hồ  vào thăm Quảng Bình năm 1959. Cảnh nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, người Vân Kiều, người Kinh nô nức đi đón Bác; cảnh người Vân Kiều xin được mang họ Bác Hồ mở đầu vở diễn muốn gửi đến  người xem một thông điệp: Vở diễn đang nói về một lãnh tụ của nhân dân, luôn được nhân dân cả nước kính yêu. Bác Hồ về thăm Quảng Bình là về gần với miền Nam hơn, nên chuyện Bác Hồ đêm không ngủ, nghĩ về bố, mẹ, nghĩ về thời thơ ấu của mình ở Huế là rất lôgic. Đó là tài năng của nhà biên kịch. Đi “tháp tùng” Bác vào Đồng Hới lúc đó có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một người  con của đất Thừa Thiên, và là vị tướng được Bác rất tin cậy, yêu quý. Đồng Hới, biển Nhật Lệ  chỉ cách Huế 160 cây số. Lúc đó Bác đã xa Huế hơn 50 năm. Vì thế mà Bác Hồ thao thức, trầm tư với những hồi ức cuộc đời mình cuộn chảy trong đêm biển Nhật Lệ. Bác đã tâm sự với Đại tướng mà như độc thoại: Từ Nhật Lệ tôi muốn thả câu thơ vô Huế… Từ Nhật Lệ tôi  muốn làm cánh buồm giong vào miền Nam… Huế đó, miền Nam đó chỉ một khoảng không gian thôi mà sao cách trở xa vời… Huế là nơi có mộ mẹ và em Bác, miền Nam là nơi  có mộ  bố Bác... Đó là cái duyên cớ để kể về thời thơ ấu và thời thanh niên của Bác ở Huế . Đó là sự hư cấu rất hợp lý của nhà biên kịch. Đó là những hồi ức buồn, thật đau buồn, nhưng là những hồi ức đỏ thắm màu tím của một nhà Cách mạng vĩ đại. Chuyện gia đình Bác những ngày ấu thơ ở Huế với bao nỗi đắng cay, cô độc cũng là sự thật lay động tâm can. Đó là câu chuyện tâm cảm, tâm linh. Cái thật là tiêu chuẩn đầu tiên của cái hay trong văn chương nghệ thuật. Kể về lãnh tụ kính yêu của dân tộc, lại kể toàn chuyện buồn, chuyện thật thì không ai không  xúc động. Tức là nhà văn đã cho nhân vật Hồ Chí Minh, một con người, kể về mình là kể về nỗi buồn đau uất ức rất đời thường của một con người. Là con người thì ai cũng có buồn đau, cay cực. Và chính những hồi ức buồn đau đó càng nâng cao tầm vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là phát hiện của tác giả và sự sáng tạo đó đã thành công đưa người xem vào câu chuyện chân thực, tạo nên xúc động  mạnh mẽ .

Với kịch bản rất đời của Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn, NSƯT Ngọc Bình đã bắt được cái hồn của câu chuyện, và anh đã xây dựng rất thành công trên sân khấu ca kịch, nhân vật chính Hồ Chí Minh (mà chính anh là người đóng vai) và các nhân vật  Nguyễn Sinh Công, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Thị Loan và nhiều nhân vật khác để làm nên vở ca kịch sinh động, cuốn hút người xem.

Làm nên vở diễn đặc sắc Hồ Chí Minh- Hồi ức màu đỏ còn có sự đóng góp không thể thiếu của  nhạc sĩ Minh Tiến với nền nhạc đậm chất  dân gian Huế và Nghệ Tĩnh, với những khúc dân ca được chọn lọc rất đắt giá . Đặc biệt là họa sĩ  Lê Huy Quang, một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật  sân khấu Việt. Với  biểu tượng hoa sen và  5 bậc tam cấp bán nguyệt, Lê Huy Quang   đã dựng nên một cảnh trí sân khấu vừa cách điệu, tượng trưng vừa dân dã truyền thống, vừa thực vừa ảo, tạo ra không  gian sân khấu vừa tiện dụng vừa hoành tráng cho diễn viên say mê diễn xuất,  mang lại hiệu quả  trực tiếp của vở diễn.

Vở ca kịch Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ  đạt hiệu quả truyền cảm cao  đã giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp ở Đà Nẵng. Trung tâm Truyền  hình Việt Nam tại Huế quay vở này mang đi tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc vừa qua cũng được  giải vàng.  Nhưng đối với một tác phẩm sân khấu, hội diễn, liên hoan không  phải là mục đích.  Mục đích cuối cùng  của sân khấu là làm say lòng khán giả. NSƯT Ngọc Bình cho biết, sau hội diễn, Nhà hát sẽ mang vở diễn về  diễn cho bà con Huế, bà con các huyện, bà con Quảng Bình coi, để mọi người hiểu thêm,  kính yêu thêm Bác Hồ vĩ đại của chúng ta, qua đó góp phần giúp cán bộ và nhân dân có thêm tư liệu sinh động trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm  gương đạo đức  của Bác.

Ngô Minh-Vanhoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất