Trong cuộc trao đổi với PV cuối giờ chiều ngày 7- xung quanh việc kháng nghị bản án xử vụ án lập quỹ trái phép tại Nông trường Sông Hậu, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể đã khẳng định Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có một số sai lầm, thiếu sót.
Ông Thể cho biết: “Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án từ năm 2001 đến tháng 12.2007, bà Trần Ngọc Sương và cộng sự đã lấy từ các nguồn thu của NTSH duy trì một số lượng quỹ tiền mặt và chi tiêu để ngoài sổ sách thu - chi tài chính của nông trường không báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền là có thật. Do vậy, việc điều tra, truy tố và xét xử bà Trần Ngọc Sương và cộng sự về tội lập quỹ trái phép theo quy định tại Điều 166 Bộ luật Hình sự là đúng”.
- Vậy tại sao VKSND Tối cao lại kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Cờ Đỏ và bản án phúc thẩm của TAND TP.Cần Thơ, thưa ông?
- Trước hết, phải khẳng định vụ án lập quỹ trái phép tại NTSH là vụ án hình sự được dư luận và công luận đặc biệt quan tâm. Sau khi toà án cấp sơ thẩm - đặc biệt là cấp phúc thẩm tuyên bản án, các bị án liên tục có đơn khiếu nại, kêu oan, công luận lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc.
Qua quá trình xem xét, trên cơ sở các chứng cứ tài liệu có trong vụ án, VKSND Tối cao nhận thấy, khi xét xử vụ án toà án cấp sơ thẩm và toà án cấp phúc thẩm có nhiều sai lầm, thiếu sót cả về nội dung và thủ tục tố tụng.
Cụ thể, nhiều khoản thu đưa vào quỹ chưa đủ cơ sở để xác định là trái phép như khoản thu trên 2,6 tỉ đồng là tiền bán 4 lô đất. Nhiều khoản chi chưa đủ cơ sở để xác định là thiệt hại và buộc các bị cáo phải bồi thường, ví như đối với khoản chi tiền công tác phí trong nước và nước ngoài của bà Trần Ngọc Sương là 2.277,7 triệu đồng.
Trong hồ sơ vụ án chỉ có các bản kê của thủ quỹ về số tiền “cán bộ đi công tác” có chữ ký xác nhận của bà Sương. Không có tài liệu nào xác định số lượng, tính chất, nhu cầu và mục đích của chuyến công tác; đối tác công tác; số người đi công tác; các chi phí quy định và chi phí cần thiết. Vì vậy, toà buộc bà Trần Ngọc Sương phải hoàn trả toàn bộ số tiền tạm ứng đi công tác mà không điều tra, xem xét đến các vấn đề nêu trên là chưa hợp lý.
Hoặc khoản tiền 233 triệu đồng được xác định chi cho đoàn Kiểm toán Nhà nước năm 2004; khoản chi biếu tặng các cá nhân, ban ngành với số tiền là trên 678 triệu đồng. Quá trình điều tra chưa điều tra xác minh cụ thể cá nhân, đơn vị nhận tiền để xác định việc chi tiền này có thật hay không...
Do vậy, VKSND Tối cao thấy rằng cần phải điều tra lại để làm rõ các vấn đề nêu trên. Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn có thiếu sót về thủ tục tố tụng khi tại phiên toà xét xử sơ thẩm, kiểm sát viên VKSND huyện Cờ Đỏ đề nghị tách khoản tiền 301 triệu đồng và khoản tiền 850 triệu đồng mà cáo trạng truy tố về tội “lập quỹ trái phép” để điều tra, xử lý về tội “tham ô tài sản” đối với bà Trần Ngọc Sương là không đúng quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Sau đó, TAND huyện Cờ Đỏ có quyết định yêu cầu và VKSND huyện Cờ Đỏ khởi tố vụ án hình sự để điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội tam ô tài sản (tội nặng hơn so với tội lập quỹ trái phép). VKSND Tối cao nhận thấy, như vậy một hành vi vi phạm của bà Sương đã bị khởi tố hai lần là không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tất cả các sai lầm, thiếu sót nêu trên của toà án cấp sơ thẩm và toà án cấp phúc thẩm là nghiêm trọng, do vậy cần phải huỷ cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra.
- Như vậy có thể hiểu VKSND Tối cao kháng nghị theo hướng có lợi cho các bị cáo và có thể sau kháng nghị này, đường lối xử lý hình sự với các cá nhân trong vụ án sẽ khác?
- Không thể nói việc kháng nghị này là kháng nghị theo hướng có lợi hay bất lợi cho các bị cáo, cũng như sau kháng nghị này các đối tượng trong vụ án sẽ bị xử lý nặng hơn hay nhẹ đi, vì điều đó phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử tại toà. VKSND Tối cao kháng nghị trên cơ sở các quy định của pháp luật, trên tinh thần xem xét đánh giá một cách nghiêm túc, cẩn trọng, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Và như tôi đã khẳng định trên quá trình xem xét, VKSND Tối cao thấy rằng nhiều nội dung, kết luận của cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa được điều tra, xác minh rõ. Vì vậy, cần thiết phải huỷ để điều tra, truy tố, xét xử lại nhằm đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; có lý, có tình. Để bản án khi ban hành rồi, từ người bị kết án đến công luận, dư luận phải tâm phục, khẩu phục.
- Thưa ông, việc huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung có nghĩa là vụ án này sẽ trở lại vạch xuất phát và các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Cờ Đỏ và TP. Cần Thơ tiếp tục thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử lại. Việc này liệu có đảm bảo tính khách quan, khi mà trước đó công luận đã từng hoài nghi, thậm chí lo ngại về sự “chỉ đạo án” của Thành uỷ Cần Thơ?
- Tôi hiểu sự băn khoăn của dư luận về điều này. Tuy nhiên, đây là trình tự và quy định của pháp luật. Các sai lầm và thiếu sót của hai cấp xét xử đã được chỉ rõ. Việc xác định, đánh giá chứng cứ và kết luận về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm phải dựa trên căn cứ, quy định của pháp luật.
Ngoài tính độc lập của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, quá trình tố tụng của vụ án này còn chịu sự giám sát của nhân dân, công luận và các cơ quan tư pháp cấp trên. Nếu việc xử lý không đúng, các cơ quan tư pháp cấp trên sẽ chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo việc xử lý khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
- Ngoài những vi phạm trên, sở dĩ vụ án này thu hút sự quan tâm, gây bức xúc vì dư luận cho rằng việc xử lý bà Ba Sương là không công bằng, chưa đánh giá hết cống hiến, công trạng của bà. Mới ngày nào Nhà nước tôn vinh, phong tặng danh hiệu Anh hùng, sau đó lại khởi tố, truy tố, xử tù? Khi kháng nghị, VKSND Tối cao có quan tâm đến vấn đề này?
- Khi kháng nghị, chúng tôi có xem xét, đánh giá đến toàn bộ các vấn đề trong phạm vi bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Về nguyên tắc, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, có công sẽ được thưởng và có lỗi thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chính sách hình sự của chúng ta rất rõ ràng, những thành tích công trạng như trên được coi là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét trách nhiệm hình sự và đương nhiên khi xử lý các cơ quan phải lưu ý, cân nhắc để bảo đảm việc xử lý vụ việc có lý, có tình, bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh của pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao Động online)