Tham gia Hội nghị có lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp của các quốc gia
trong khu vực ASEAN, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn toàn
cầu và các công ty có đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp
tại khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Diễn đàn tăng trưởng châu Á có chủ đề “Đổi mới để tạo ra thay đổi:
Khám phá và truyền cảm hứng” với 18 phiên kỹ thuật. Diễn đàn thảo luận
nhiều chủ đề quan trọng như tài chính nông nghiệp, đổi mới kỹ thuật số
trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp với cách mạng công nghệ 4.0,
công nghệ chính xác trong nông nghiệp, nông nghiệp phát thải thấp,
chuyển giao công nghệ tới người nông dân trong chuỗi giá trị, chuyển đổi
lao động nông nghiệp…
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nông
nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia
ASEAN, sản xuất nông, lâm, thủy sản trong khu vực không chỉ đảm bảo an
ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người mà còn góp phần đảm
bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Nhấn mạnh chủ đề của Diễn đàn tăng trưởng châu Á là “Đổi mới để tạo
ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
khẳng định, muốn hội nhập sâu rộng hơn, ngành Nông nghiệp cần phải
chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư
nhân, sử dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghệ 4.0 để
chuyển đổi ngành nông nghiệp, trở nên hiện đại, hiệu quả, bao trùm và
bền vững hơn.
Theo Phó Thủ tướng, hợp tác trong nông nghiệp cũng là một trong
những nội dung quan trọng nhất của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
nhằm gia tăng sức mạnh và năng lực thâm nhập thị trường của
sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông
nghiệp, tăng cường sự tham gia và hưởng lợi của hộ nông dân.
Trong đó, các biện pháp thực hiện bao gồm đẩy mạnh hợp tác
chiến lược trong nông nghiệp trong ASEAN thông qua hợp tác song
phương, đa phương và khu vực; thiết lập các liên kết tiềm
năng trong nông nghiệp ASEAN và thúc đẩy đầu tư trực tiếp và
quan hệ đối tác chiến lược trong hợp tác nông nghiệp ASEAN
giữa nhà sản xuất, khách hàng và doanh nghiệp thương mại.
Sáng kiến Tăng trưởng châu Á là sự kết nối và tạo dựng đối tác nhiều
bên để hỗ trợ các nước trong khu vực ASEAN thực hiện mục tiêu đề ra
trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của Diễn đàn kinh tế thế
giới là nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải
carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ cho đến năm
2030.
Mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của
các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt
là thông qua mô hình đối tác công - tư (PPP).
“Việt Nam coi PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào
ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào
chế biến sâu. Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã
được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách”, Phó Thủ tướng nhấn
mạnh.
Trong Kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của
Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho
phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng
nông thôn thịnh vượng. Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ
là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông
thôn bền vững của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong giai đoạn phát triển hiện
nay, bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, vai trò chủ thể của nông
dân, cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân
năng động nhất trong chuỗi giá trị, đóng vai trò tổ chức sản xuất, chế
biến, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, doanh nghiệp có điều kiện, tiềm lực
để ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất
và chế biến nông sản, trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghệ
4.0 để xây dựng một ngành nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh
và giá trị gia tăng cao, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về xã hội và
môi trường trong toàn chuỗi giá trị nông nghiệp.
Phó Thủ tướng tin tưởng các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nhân
tham dự Diễn đàn sẽ cùng nhau chia sẻ cách thức đổi mới trong sản xuất,
đầu tư và kinh doanh nông nghiệp, ứng dụng thành quả của khoa học công
nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông
minh để phát huy lợi thế của nông nghiệp trong vùng, cải thiện đời sống
của người nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong
bối cảnh biến đổi khí hậu.
TTXVN