Một số địa phương không ban hành kế hoạch, không xây dựng được tiêu chí, giải pháp, thời hạn thực hiện cho từng nhiệm vụ cụ thể theo Đề án giám định tư pháp.
Chiều 20/8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Đề án giám định tư pháp tổ chức phiên họp lần thứ hai. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Đến nay đã có 38 tỉnh, thành phố ban hành kế hoach tổng thể, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng, giải quyết được một số “điểm nghẽn” trong hoạt động giám định tư pháp.
Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến cơ sở vật chất cũng như biên chế nhân sự cho các tổ chức giám định. Số giám định viên, người làm giám định tư pháp đã có bước phát triển nhanh trong 2 năm qua, tăng thêm 940 người so với trước khi có Đề án, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu giám định tư pháp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số địa phương không ban hành kế hoạch, không xây dựng được tiêu chí, giải pháp, thời hạn thực hiện cho từng nhiệm vụ cụ thể. Tình trạng nợ đọng phí giám định, chi bồi dường giám định vẫn còn phổ biến; các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện việc khảo sát, thống kê, đánh giá về nhu cầu giám định như đã phân công trong kế hoạch.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của Đề án, có giải pháp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành nhân dân về vị trí vai trò của giám định tư pháp. Tập trung thực hiện ngay quy chuẩn giám định tư pháp, đồng thời chú trọng việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên.
“Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn pháp lý cho đội ngũ giám định viên, phù hợp với từng lĩnh vực, nhiệm vụ. Tất cả các bộ có giám định viên đều phải bồi dưỡng kiến thức, từ nhận thức pháp lý đến cách làm, nhất là các bộ Tài Chính, Ngân hàng, y tế…” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.
(Theo: VOV)