(TCTG)-Lượng hóa kết quả cải cách hành chính là mục tiêu hướng đến của Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính do Bộ Nội vụ xây dựng. Hội thảo về Bộ chỉ số này đã được Bộ Nội vụ phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 19/7, tại Hải Phòng, với sự tham gia của đại diện các bộ và Sở Nội vụ 20 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 đã đạt được kết quả trên các mặt nhưng vẫn còn những điểm chưa thực sự đạt mục tiêu của cải cách, chưa lượng hóa được các nội dung đã đạt được, làm căn cứ so sánh để thúc đẩy quá trình CCHC. Chuẩn bị cho Chương trình cải cách hành chính 10 năm tới (2011 – 2020), việc có bộ công cụ đánh giá một cách tương đối chính xác về kết quả CCHC của các bộ, ngành, địa phương là điều cần thiết. Bộ chỉ số này sẽ được ban hành và áp dụng thí điểm cuối năm 2011, tại 6 tỉnh, 4 bộ, tùy theo tình hình thực tế có thể mở rộng số đơn vị thí điểm. Trong quá trình triển khai sẽ có bổ sung, thay đổi cho phù hợp.
Bộ chỉ số được kỳ vọng là một công cụ thích hợp để theo dõi, đánh giá chất lượng của quá trình thực hiện CCHC, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ trong sạch, minh bạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội theo dự thảo chương trình CCHC giai đoạn 2011 – 2020. Bộ chỉ số được áp dụng để đánh giá CCHC tại cấp bộ có 37 tiêu chí và cấp tỉnh có 41 tiêu chí, với thang điểm 100.
Có 6 lĩnh vực, tiêu chí chung được áp dụng cho cả cấp bộ và cấp tỉnh gồm: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới cơ chế quản lý đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, đối với cấp tỉnh, có hai lĩnh vực 2 lĩnh vực riêng gồm xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông với 8 tiêu chí cụ thể, thang điểm 20. Đối với cấp bộ, có thêm hai lĩnh vực là xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách quản lý đối với ngành, lĩnh vực; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực có 8 yếu tố đánh giá với thang điểm 24.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng việc ra đời một bộ chỉ số là thiết thực. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ những bất hợp lý trong việc thiết kế, chấm điểm từng tiêu chí, yếu tố như thang điểm đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ của bộ phận một cửa, về cung cấp một số dịch vụ công cơ bản còn thấp. Một số ý kiến đề nghị xếp lại thứ tự các lĩnh vực, tăng cường kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất giữa các bộ ngành, địa phương để kết quả đánh giá khách quan hơn, tránh tình trạng tự khen, tự chấm điểm cho cơ quan, đơn vị cao lên… Có ý kiến băn khoăn về cách tiến hành lấy ý kiến người dân, tỷ lệ tự đánh giá còn cao so với đánh giá từ bên ngoài, nên mở rộng đối tượng tham gia đánh giá, phân vùng miền đối với các địa phương có cùng một mặt bằng đánh giá.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Đinh Duy Hòa cho rằng nếu chia bộ chỉ số đánh giá theo từng khu vực, vùng miền sẽ không hợp lý, do vậy, sẽ cố gắng đưa ra các chỉ số thành phần đo lường không tạo lợi thế cho các địa phương có lợi thế phát triển, tạo sự tương đối công bằng khách quan trong việc đánh giá các chỉ số này. Sau hội thảo này,Bộ Nội vụ sẽ cân nhắc điều chỉnh Bộ chỉ số theo hướng tăng phần đánh giá của bên ngoài, sao cho phần tự đánh giá chiếm từ 60% – 70%, phần đánh giá của các tổ chức xã hội, người dân, doanh nghiệp chiếm 30% - 40%./.
TTXVN