Theo TS. Trần Ngọc Cường, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam có hơn 10 triệu ha đất ngập nước được chia thành 2 nhóm chính gồm đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Đặc biệt, các vùng đất ngập nước tại Việt Nam có tính đa dạng sinh học rất cao, nên cần được tăng cường quản lý nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Đất ngập nước ven biển Việt Nam với chiều dài bờ biển hơn 3.000 km, là nơi phân bố của rất nhiều sân chim với các loài chim di cư. Rừng ngập mặn, các thảm cỏ biển và các rạn san hô của Việt Nam gần những khu có giá trị đa dạng sinh học cao nhất ở vùng biển Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương, giao lưu với nhiều vùng biển quan trọng xung quanh biển Đông. Rạn san hô là sinh cảnh có tính đa dạng sinh học cao nhất, đã có hơn 300 loài san hô cứng được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam . Các hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển và rạn san hô là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật.
Đất ngập nước vùng cửa sông là nơi có sự đa dạng về loài, nơi phân bố của rừng ngập mặn, đầm lầy nước mặn, cỏ biển và tảo. Đất ngập nước vùng đầm phá là nơi cư trú của nhiều loài cá, nơi dừng chân của nhiều loài chim di cư. Các vùng đầm phá ven biển miền Trung còn mang nét độc đáo về sinh cảnh tự nhiên và chứa đựng giá trị đa dạng sinh học rất lớn của hệ sinh thái thủy sinh. Các vùng đất ngập nước nội địa như Đồng Tháp Mười, U Minh và hệ thống các sông, suối, hồ là những nơi chứa đựng nhiều loài động, thực vật đặc hữu hoặc các loài có tầm quan trọng về đa dạng sinh học toàn cầu. Do đó, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách về sử dụng hợp lý đất ngập nước./.
Lưu Thanh Tuấn