Thứ Bảy, 19/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 27/9/2017 16:27'(GMT+7)

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Trước hết từ giáo dục đảng viên

Trên thực tế, năng lực lãnh đạo của Đảng phụ thuộc căn bản vào đội ngũ đảng viên của Đảng. Suy cho cùng, năng lực lãnh đạo của Đảng chính là năng lực lãnh đạo của đảng viên. Bởi vì, “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”[1]. 

Nếu coi mỗi đảng viên là một “tế bào” của Đảng, thì trong “cơ thể” Đảng phải bao gồm những tế bào khỏe mạnh. Nếu trong cơ thể ấy luôn tồn tại một bộ phận không nhỏ các tế bào bị suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì tất yếu sức đề kháng của Đảng bị suy giảm và có thể là “nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng”.  

Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Trung ương, tính đến cuối tháng 1-2017, toàn Đảng có 4.769.325 đảng viên, (chiếm 5,02% dân số). Đội ngũ đảng viên ngày càng được trẻ hóa, được nâng cao về trình độ lý luận và học vấn. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, tỷ lệ đảng viên được kết nạp mới hằng năm đạt trên 4% (năm 2016 là 4,4%) so với tổng số đảng viên. Số đảng viên có trình độ lý luận từ sơ cấp trở lên là 59,2%; trình độ học vấn từ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học tăng cao (chiếm 54%) tổng số đảng viên[2]. Đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 85%, (năm 2016 đạt 88,05%). Số đảng viên được tặng các danh hiệu thi đua hàng năm đạt từ 85-95% trong tổng số cá nhân được nhận những danh hiệu thi đua yêu nước[3]. Những số liệu trên cho thấy, đảng viên của Đảng vẫn giữ gìn phẩm chất và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tăng cường sức sống, ảnh hưởng xã hội và uy tín của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được có ý nghĩa lịch sử, công tác đảng viên vẫn còn tồn tại kéo dài nhiều khuyết điểm; đồng thời, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Trong đó, có  tới 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, dẫn đến nhiều đảng viên bị thi hành kỷ luật, gây ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín năng lực lãnh đạo của Đảng. Trong một báo cáo gần đây của Ban Tổ chức Trung ương cho thấy, sai phạm của đảng viên vẫn ở mức cao, đáng báo động. Năm 2016, Đảng viên bị thi hành kỷ luật của Đảng, cơ quan, đoàn thể là: 18.836 trường hợp; vi phạm tư cách đảng viên: 1.904 trường hợp; bị cơ quan chi bộ đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ: 4.052 trường hợp; không chấp hành sự phân công, gây mất đoàn kết: 338 trường hợp. Số đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng bình quân mỗi năm trong nhiệm kỳ XI là: 1.827 trường hợp (năm 2016 là 1.696 trường hợp).

Trong các kết quả thanh tra hằng năm, phản ánh một thực tế là, số sai phạm do cán bộ các cấp gây nên, hầu hết đều thuộc về đảng viên, nhất là đảng viên có chức trách trong các vị trí được giao. Trong 2 năm (2015-2016), toàn ngành Thanh tra triển khai 13.259 cuộc thanh tra hành chính và 517.995 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm 232.802 tỷ đồng, 31.070 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 77.311 tỷ đồng và 13.265 ha đất, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý gần 100.000 tỷ đồng, 21.743 ha đất; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với gần 3.000 tập thể, cá nhân; ban hành 300.586 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 24.660 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 136 vụ, 160 đối tượng. Đặc biệt, các đối tượng có vai trò chính trong các vụ án tham nhũng bị khởi tố hình sự, gần như đều là đảng viên, và không chỉ là đảng viên ở các tập đoàn kinh tế mà còn là cán bộ cấp cao, giữ các vị trí quan trọng “trên điện các” của Đảng và Nhà nước, thậm chí có cả những người nắm giữ pháp luật nhưng “tay vẫn nhúng chàm”. Điều đó, đồng nghĩa với nhận định, tham nhũng chỉ có ở những người có chức, có quyền, mà trong số đó hầu hết là đảng viên.

Những vụ việc xảy ra có một không hai trong tiếng súng của “tham - sân - si” ở Yên Bái; những đại án trong hệ thống ngân hàng; ở các tập đoàn kinh tế; sự lũng đoạn, tha hóa của những cán bộ đầu ngành, cán bộ lãnh đạo ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước vừa qua, làm thất thoát “cơ man” tiền bạc và tài nguyên của đất nước là minh chứng cho điều đó. Bên cạnh những vụ đại án đã được “đặt tên” còn không biết bao nhiêu những vụ việc, có thể nói là nhiều vô kể đang làm nhức nhối trong lòng xã hội, là những loại “tham nhũng vặt” đang ẩn náu khá kín đáo trong các nhóm lợi ích - thân hữu chưa được chỉ ra. Đây cũng là những đe dọa không kém phần nghiêm trọng cho sự tồn vong của Đảng và chế độ.  

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên đã được Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Trong thời gian dài, các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đoàn thể đã buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đảng viên thiếu được tu dưỡng, rèn luyện, nên lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Khi có chức, có quyền thì dễ bị tha hóa, nhất là trong điều kiện cơ chế, chính sách, pháp luật còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ và có nhiều sơ hở chưa đủ răn đe, trừng phạt. Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến một bộ phận đảng viên biến chất, ra sức vơ vét, làm giàu bất chính từ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của nhân dân. Những cán bộ như vậy thường chỉ tìm cách xa dân hoặc mỵ dân. Hệ lụy là, không chỉ đất nước bị khánh kiệt của cải, tài nguyên mà trực tiếp, hoặc gián tiếp họ đã làm triệt tiêu động lực cống hiến của các đảng viên cần kiệm liêm chính.

Vì vậy, việc giáo dục lại tinh thần đảng viên, khôi phục tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên là nền tảng quan trọng nhất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, cần chú trọng một số phương diện sau:

Thứ nhất, giáo dục lại tinh thần cộng sản và ý chí cách mạng, trên cơ sở giúp cho mọi đảng viên nắm vững lý luận khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm đổi mới, sáng tạo của Đảng. Mới, nghe, có vẻ như giáo điều, nhưng trên thực tế, đây là điều cốt yếu không thể thiếu, không thể làm hời  hợt, “buông lỏng” như lâu nay. Để nâng cao năng lực, phẩm chất đảng viên và năng lực lãnh đạo của Đảng, dứt khoát công tác này phải được chú trọng và chú trọng thật sự không chỉ bằng những lời “hô hào”. Bởi vì, đảng viên không có lý tưởng cộng sản, không có lý luận cách mạng thì trở nên giáo điều, mù quáng, và sớm muộn cũng rơi vào chủ nghĩa cá nhân, rơi vào sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những căn bệnh ấy là “một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”[4].

Thực tiễn cho thấy, khi nào và ở đâu đảng viên được giáo dục tốt, thì ở đó có chi bộ tốt, và công tác lãnh đạo của Đảng mới thuận lợi. Điều kiện lịch sử mới cần phải đặt ra những yêu cầu mới trong công tác giáo dục đảng viên, nhất là về giáo dục lý luận chính trị. Theo đó, nội dung và phương thức giáo dục phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và với từng đối tượng, từng khu vực, làm cho đảng viên tự giác học tập, phấn đấu trở thành những phần tử tiên tiến, toàn tâm toàn ý mưu cầu lợi ích cho dân, lãnh đạo quần chúng nhân dân đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên có phẩm chất và bản lĩnh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Thứ hai, giáo dục tinh thần đảng viên trong học tập, lao động sáng tạo, xứng đáng là một người trong những người đại biểu tiên tiến của dân tộc. Trong thi kỳ chiến tranh cách mạng, vai trò tiên phong gương mẫu của ngưi đảng viên chủ yếu được thực hiện ở chỗ không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Trong điều kiện hiện nay, khi khoa học, kỹ thuật và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất số một, tài nguyên con người đã trở thành tài nguyên số một cho phát triển, đòi hỏi trong hàng ngũ của Đảng phải có nhiều những người tài giỏi. Nếu đảng viên chỉ có ý chí cách mạng là chưa đủ mà còn phải có đầu óc sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, mới có thể xây dựng Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Vì vậy, Đảng phải thu hút được nhiều nhân tài xuất sắc vào trong tổ chức các cấp của Đảng. Chỉ khi nào, Đảng có được đội ngũ đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” thì mới có thể củng cố được nền tảng giai cấp, mở rộng được nền tảng quần chúng, nâng cao được năng lực lãnh đạo và thúc đẩy sự nghiệp phát triển toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển con người một cách đích thực.

Hiện nay, trong đội ngũ đảng viên của Đảng, phần đông đã được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản cả lý luận và chuyên môn. Tuy nhiên, trên thực tế, đảng viên của Đảng, kể cả những người có bằng cấp cao vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là những yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, không ít đảng viên chỉ quan tâm đến những động lực bên ngoài (chạy theo trào lưu bằng cấp, chức vụ, tiền bạc...) hơn là những động lực thực chất bên trong (tinh thần, thái độ, đạo đức), đã làm đảo lộn thang bậc giá trị của người đảng viên cộng sản (ví như, đề cao ý thức làm giàu, trong khi đáng lẽ ra phải đề cao tinh thần say mê học tập, chuyên tâm lao động, trách nhiệm nghề nghiệp...). Hệ quả không tránh khỏi là, trong Đảng luôn tồn tại không ít người chỉ làm việc có trách nhiệm khi có lợi ích cá nhân, hoặc khi sắp được đề bạt thăng tiến; hoặc chỉ biết “ngoan ngoãn” chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm. Và, do đó trong Đảng không có nhiều những tấm gương giỏi để quần chúng noi theo.  

Thứ ba, giáo dục đảng viên phát huy tối đa vai trò tiên phong, gương mẫu, tinh thần tự tôn pháp luật, tự giác chấp hành kỷ luật Đảng trong mọi hoàn cảnh, mọi nhiệm vụ được giao. Đảng ta là đảng cầm quyền, vì vậy, Đảng phải bao gồm những đảng viên gương mẫu, có tinh thần tự giác cao, thể hiện rõ tính tiên tiến và tính trong sáng của người đảng viên. V.I. Lênin từng nhấn mạnh: Đảng Cộng sản kết nạp đảng viên mới không phải giúp họ có công cụ mưu lợi cá nhân, mà đòi hỏi họ phải gương mẫu, dẫn đầu trong cách mạng. Những đảng viên theo đuổi hư danh dù có cho không chúng ta cũng không nhận. Trong thực tế cuộc sống, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên cộng sản có tác dụng rất lớn. Đảng muốn cầm quyền vững chắc thì phải dựa vào sức mạnh nơi bản thân đảng viên, dựa vào tính tự giác và tinh thần gương mẫu của người đảng viên. Chỉ khi nào mỗi đảng viên đều là một tấm gương sáng “chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào” để quần chúng noi theo thì lúc đó sức mạnh và uy tín của Đảng mới thực sự được củng cố và nâng cao.

Căn cứ vào sự biến đổi của thực tiễn, và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, các tổ chức Đảng phải không ngừng bổ sung những nội hàm mới về vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Chú trọng kết hợp hài hòa các lợi ích của đảng viên với tập thể và sự cống hiến cho đất nước, nhằm phát huy cao nhất phẩm chất của người đảng viên, nhanh chóng khắc phục những sa sút của một bộ phận không nhỏ đảng viên như hiện nay.

Thứ tư, giáo dục tinh thần dân chủ, nâng cao trách nhiệm phê bình và tự phê bình của đảng viên đảm bảo như một quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình “như ta cần không khí”. Nếu không tự phê bình và phê bình “cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm”[5]. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình là một công việc không dễ dàng. Hơn thế, còn là công việc có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì, nó luôn đòi hỏi mỗi đảng viên phải nhận thức đúng đắn, phải tự phân tích mổ sẻ ngay từ chính bản thân mình; đồng thời, phải khách quan, công tâm trong nhận xét đánh giá người khác. Nếu không được giáo dục, không được thấm nhuần tốt tinh thần cách mạng, người đảng viên sẽ khó thấy được vai trò “mấu chốt” của tự phê và phê bình như một vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 từ khóa XI, XII đến nay, việc tự phê bình và phê bình, tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, khuyết điểm, làm cho tình hình còn có những vấn đề diễn biến khó lường hơn. Tự phê bình và phê bình ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự được tiến hành một cách công tâm, khoa học, dẫn đến các biểu hiện xuê xoa, hình thức, “dĩ hòa vi quý”. Hệ quả là, có hàng loạt cán bộ đảng viên bị trượt dài trong các sai lầm của tham vọng, đến mức phải bị thi hành kỷ luật, bị truy tố, truy nã, bị xét xử với cả những tội danh cao như tù trung thân, án tử hình; có nơi lại lợi dụng phê bình, dân chủ để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau, gây mất đoàn kết nội bộ với những động cơ không trong sáng, đi ngược lại với tinh thần dân chủ của Đảng cách mạng, của người đảng viên chân chính.

Nếu đảng viên được giáo dục lại theo tinh thần những nội dung căn bản nêu trên, chúng ta sẽ thực hiện có kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; nâng cao lòng tự trọng của đảng viên, tạo nên sức đề kháng phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mỗi đảng viên trong nội bộ Đảng. Đây là nền tảng quan trọng, góp phần quyết định xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Mong rằng, mỗi cấp ủy Đảng cần có những giải pháp “đột phá”, đồng bộ và thực chất hơn trong yêu cầu giáo dục lại đảng viên, nâng cao tính chiến đấu, tính tiên phong của Đảng./.

Phương Vinh 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 7, tr.235-236.
[2] Trong tổng số 2.838.764 đảng viên có trình độ lý luận từ sơ cấp trở lên: Cử nhân, cao cấp : 225.246, chiếm 13,66%; trung cấp: 997.194, chiếm 20,90%; sơ cấp: 1.586.324, chiếm 33,26%. Trong số 2,51 triệu đảng viên có học vấn, đảng viên có trình độ tiến sĩ là 15.731 người, chiếm 0,36%; thạc sĩ là 82.414, chiếm 1,92%; đại học là 1.213.483, chiếm 28,37%; cao đẳng là 394.179, chiếm 9,21%; trung học chuyên nghiệp là 800.671, chiếm 18,72%. Nguồn: Ban Tổ chức Trung ương.
[3] Trong 10 năm (2006-2016) Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 114 Huân chương (HC) Sao vàng, 328 HC Hồ Chí Minh, 8.820 HC Độc lập, 645 HC Quân công, 56.712 HC Lao động, 625 HC Đại đoàn kết dân tộc, 302 Anh hùng Lao động, 142 Anh hùng LLVTND (thành tích trong thời kỳ đổi mới), 200 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 374 Giải thưởng Nhà nước và gần 10.000 danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú), trong đó đảng viên chiếm phần lớn. Nguồn: Báo cáo của Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương.
[4] Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.5, tr. 273.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất