(TG) - Về quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại, cần kiểm soát đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dự thảo luật đã bổ sung các quy định quản lý các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau, bảo đảm phù hợp với từng danh mục hóa chất, an toàn trong hóa chất, sử dụng an toàn, bảo vệ môi trường.
Chiều 23/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Cho ý kiến về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hoá) đề nghị nên nghiên cứu bổ sung một điều khoản trong Luật Hóa chất cho phép doanh nghiệp tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất vào các văn bản khác như thiết kế phòng cháy chữa cháy, phương án chữa cháy hoặc trong phần về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó, cho phép tích hợp hoạt động huấn luyện về an toàn hóa chất trong các hoạt động huấn luyện an toàn khác.
Bởi theo đại biểu, hiện nay có rất nhiều quy định của pháp luật liên quan đến nghĩa vụ lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố và huấn luyện người lao động theo từng lĩnh vực mà doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, như: Luật An toàn, vệ sinh lao động yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch, an toàn, vệ sinh lao động (Điều 75), kế hoạch ứng cứu khẩn cấp (Điều 77) và phải huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Điều 14); Luật Phòng cháy chữa cháy quy định doanh nghiệp phải có thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Điều 15), có phương án chữa cháy được cơ quan nhà nước phê duyệt (Điều 31) và người lao động phải được huấn luyện về phòng cháy chữa cháy (Điều 22, Điều 46)...
Cho ý kiến về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng việc quy định các bộ, cơ quan ngang bộ công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình có thể sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không khả thi vì khó thực hiện trong thực tế do đặc thù của các ngành khác nhau. Từ đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu có quy định về cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin của Bộ Công Thương với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời xác định rõ nội dung quản lý hóa chất trong sản phẩm chứa hóa chất thuộc chức năng của các bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Còn đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc quy định hóa chất bao gồm cả phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vitamin, khoáng chất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người sử dụng. Theo đại biểu, nếu các loại này được xác định là hóa chất, sẽ đồng thời chịu sự điều chỉnh của 2 luật: Luật An toàn thực phẩm và Luật Hóa chất (sửa đổi), dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý. Để khắc phục, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình trước Quốc hội.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất. Cùng với đó, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Theo Bộ trưởng, luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm giảm bớt nguồn lực quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại, cần kiểm soát đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, dự thảo luật đã bổ sung các quy định quản lý các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau, bảo đảm phù hợp với từng danh mục hóa chất, an toàn trong hóa chất, sử dụng an toàn, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, bổ sung biện pháp tiền kiểm đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, thay vì việc doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo hóa chất tự động như hiện nay. Đồng thời, đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao mức răn đe.
Về phát triển công nghiệp hóa chất, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, cần thiết phải xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ và khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất. Trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, làm rõ về mối quan hệ giữa chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với hệ thống Quy hoạch quốc gia./.
Ngân Hà