Ảnh minh họa (Nguồn: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Ở Việt Nam, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở đào tạo triển khai xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xác định việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và khoa học Mác - Lênin.
1. Sự cần thiết xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Chuẩn đầu ra (CĐR) của chương trình đào tạo, bồi dưỡng hay bậc học là những yêu cầu cụ thể về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học cần đạt được sau khóa học. Nói cách khác, đây là việc cụ thể hóa mục tiêu giáo dục - đào tạo. Vì vậy, CĐR nếu không xác định rõ ràng, chính xác sẽ làm cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng lệch hướng, mất cân đối và xa rời mục tiêu chương trình. Tập hợp các môn học (theo nghĩa hẹp là chương trình đào tạo) được lựa chọn, phương thức thi, kiểm tra, đánh giá sẽ thể hiện CĐR. Chỉ nên xây dựng chương trình đào tạo khi đã có CĐR. Từ việc xác định, xây dựng CĐR dựa trên nhu cầu của xã hội, cơ sở đào tạo phải xem xét đến các yếu tố về nguồn nhân lực (đội ngũ giảng viên, nhân viên hỗ trợ đào tạo, nhân viên kỹ thuật...), tài lực, vật lực (nguồn tài chính, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy) nhằm đạt được CĐR như dự kiến.
Ở Việt Nam, tất cả các chuyên ngành đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, học viện, nhà trường phải công bố CĐR trên website của nhà trường. Việc này được các trường đại học, học viện thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, một số trường đại học, học viện, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa thực hiện.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp cho hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Học viện còn đào tạo một số chuyên ngành đại học và sau đại học, theo quy chế đào tạo do Bộ Giáo duc và Đào tạo ban hành. Vì vậy, việc xây dựng CĐR cho các chương trình đào tạo của Học viện nhằm bắt kịp xu hướng phát triển giáo dục đào tạo ở Việt Nam và trên thế giới là yêu cầu cấp thiết. Cụ thể là:
Một là, chuẩn đầu ra là căn cứ để rà soát và điều chỉnh chương trình đào tạo
Việc đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo theo hướng tiếp cận CĐR đòi hỏi tất cả các khâu và các quá trình đào tạo phải phối hợp nhịp nhàng và hướng đến đáp ứng CĐR. Do vậy, khi cơ sở đào tạo công bố CĐR cho một chương trình đào tạo thì toàn bộ nội dung của chương trình phải phù hợp và đạt được CĐR đã công bố. Việc xây dựng CĐR, vì vậy sẽ là căn cứ để xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo.
Hiện nay, Học viện đã và đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình, phương pháp, không ngừngnâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, cần phải đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa. Việc xây dựng CĐR cho các môn học (học phần), các hệ lớp là căn cứ để đổi mới nội dung chương trình đào tạo. Nội dung nào đáp ứng được CĐR sẽ giữ lại hoặc bổ sung, không đáp ứng được thì lược bỏ. Qua đósẽ khắc phục được tình trạng các Viện chuyên ngànhđưa thêm nhiều nội dung không thực sự cần thiếtvào chương trình giảng dạy, làm cho chương trình nặng nề.
Hai là, chuẩn đầu ra là căn cứ để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo
CĐR là căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo mới hay rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo đang triển khai. Đồng thời,đây cũng là căn cứ để tiến hành đổi mới công tác tổ chức, quản lý hoạt động dạy học. Khi đã có CĐR và một chương trình đào tạo tương ứng với CĐR thì toàn bộ các hoạt động khác cũng phải tương thích và hướng đến CĐR đó.
CĐR còn là cơ sở để xem xét, điều chỉnh theo mục tiêu đào tạo; khắc phục những hạn chế trong hoạt độngdạy - học, cũng như trong quản lý đào tạo. Thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín của Học viện. CĐR cũng là cơ sở để đổi mới phương pháp dạy học; lựa chọn phương pháp đánh giá, kiểm tra cho học viên; là cơ sở để thúc đẩy các giảng viên, cán bộ quản lý và học viên đổi mới phương pháp dạy-học, phương pháp quản lý, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện nay, Học viện đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, trong đó có việc ứng dụng phương pháp dạy học tích cực; hình thức thi, kiểm tra đánh giá. Do vậy, xây dựng được CĐR cho các chương trình đào tạo sẽ là bước khởi đầu cho việc đổi mới hoạt động đào tạo của Học viện.
Ba là, xây dựng chuẩn đầu ra thể hiện sự cam kết trách nhiệm của Học viện đối với Đảng, Nhà nước và xã hội trong công tác đào tạo, bồi dưỡngđội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
CĐR được xây dựng, công khai như sựcam kết về chất lượng, năng lực và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của Học viện. Đây cũng là cơ sở để người học, các cơ quan cử người đi học nắm bắt và giám sát hoạt động đào tạo, bồi dưỡngcủa Học viện. Nhờ đó, người dạy, người học sẽ nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; người quản lý đổi mới công tác quản lý đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá. Đồng thời, xác định rõ nghĩa vụ và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong các hoạt động giảng dạy, phục vụ và quản lý nhằm giúp người học vươn lên trong học tập và tự học để đạt CĐR. Việc công bố CĐR sẽ giúp người học biết được các kiến thức chuyên môn được trang bị, chuẩn năng lực nghề nghiệp, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề sau khóa học. Đây cũng là cơ sở để tăng cường hợp tác, gắn kết giữa Học viện và cơ quan cử người đi học trong đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
2. Nguyên tắc và quy trình xây dựng chuẩn đầu ra
Nguyên tắc xây dựng chuẩn đầu ra
Chuẩn đầu ra được chia làm 2 cấp độ là: cấp chương trình, ngành đào tạo và cấp môn học. Với mỗi cấp độ của CĐR có những nguyên tắc chung và nguyên tắc cụ thể khi xây dựng. Thông thường, nguyên tắc chung được áp dụng khi xây dựng CĐR cho chương trình đào tạo, ngành đào tạo. Nguyên tắc cụ thể được áp dụng khi xây dựng CĐR cấp môn học, chuyên đề, bài giảng.
Nguyên tắc chung:
- CĐR chi tiết hóa và cụ thể hóa các nội dung quy định về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức của nguồn nhân lực được đào tạo từ mục tiêu của các chương trình đào tạo.
- CĐR được nêu rõ trong Chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2196/BGDĐT-GDĐH ngày 22-4-2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiếp tục đổi mới quản trị đại học về đào tạo dựa vào cách tiếp cận theo sản phẩm đầu ra; Quy chế đánh giá chất lượng đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
- Bám sát chức năng, nhiệm vụ của Học viện được quy định trong Quyết định số 224-QĐ/TW ngày 6-1-2014 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nghị định số 48/2014/NĐ-CP ngày 19-5-2014 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; điều kiện về vật chất, đội ngũ giảng viên và nhu cầu của học viên để xây dựng CĐR;
- CĐR của mỗi môn học, chuyên đề cần bổ sung, hỗ trợ nhau để đạt được CĐR chung của chương trình đào tạo;
- Thực hiện đúng quy trình trong xây dựng CĐR;
- CĐR nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược đào tạo - bồi dưỡng của Học viện;
- Xác định thời gian hoàn thành CĐR thực hiện...
Nguyên tắc cụ thể:
- Bắt đầu mỗi CĐR với một động từ hành động, tiếp theo là các đối tượng của động từ, theo sau là một cụm từ cung cấp cho các ngữ cảnh;
- Chỉ sử dụng một động từ với mỗi CĐR;
- Tránh những từ mơ hồ như: biết, hiểu, học hỏi, làm quen với, được tiếp xúc với, được làm quen với, nhận thức được...;
- Tránh câu phức tạp (nếu cần thiết sử dụng hơn một câu để bảo đảm sự rõ ràng);
- CĐR của các môn học liên quan đến kết quả chung của chương trình;
- CĐR phải được quan sát và đo lường được;
- Các kết quả thu được có khả năng được đánh giá;
- Cần quan tâm đến việc những kết quả này sẽ được đánh giá như thế nào;
- Trước khi hoàn thiện CĐR, tham khảo các đồng nghiệp và cựu sinh viên nếu CĐR có ý nghĩa với họ.
3. Một số nội dung cần quan tâm
Quá trình xây dựng CĐR hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần quan tâm một số vấn đề sau:
Kết quả khảo sát nhu cầu của học viên cao cấp lý luận chính trị;
Kết quả khảo sát ý kiến của giảng viên, cán bộ quản lý tham gia giảng dạy, quản lý đào tạo các lớp Cao cấp lý luận chính trị;
Các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ thực hiện.
4. Kết luận và kiến nghị
Xây dựng CĐR cho một chương trình đào tạo có vai trò quan trọng để đánh giá chất lượng chương trình của cơ sở đào tạo. Mặt khác, xác định được CĐR của một chương trình đào tạo hay môn học, chuyên đề còn làm cơ sở cho việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung giáo trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy và thực hành cho người học.
Việc xây dựng CĐR cho chương trình đào tạo không chỉ là yêu cầu tất yếu hiện nay mà còn thể hiện năng lực giảng dạy và bám sát nhu cầu thực tiễn xã hội về chất lượng nguồn nhân lực. Học viện có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Do vậy, xây dựng CĐR cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Học viện không chỉ để khẳng định vị trí, vai trò và năng lực đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho đất nước mà còn là động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức Học viện không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo.
Một số kiến nghị
Với các viện chuyên ngành:
Xây dựng CĐR cho các môn học của các viện đang đảm nhiệm giảng dạy;
Rà soát, điều chỉnh nội dung môn học cho phù hợp với CĐR đã xây dựng để môn học truyền tải được CĐR đến người học;
Đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá môn học phù hợp với nội dung môn học đã cập nhật;
Loại bỏ các môn học đang đảm nhiệm nhưng không giúp đạt được CĐR đã xây dựng cho chương trình đào tạo.
Với lãnh đạo Học viện:
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CĐR cho các chương trình đào tạo của Học viện;
Chỉ đạo xây dựng lại chương trình đào tạo theo CĐR đã được đề xuất và chuẩn hóa;
Chỉ đạo thử nghiệm áp dụng chương trình đào tạo đã được điều chỉnh hoặc xây dựng lại theo CĐR cho năm học mới 2018 - 2019 tại một số lớp trong Học viện;
Với đơn vị cử cán bộ đi học:
Theo dõi sự tiến bộ, phát triển của học viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo được xây dựng theo CĐR;
Tạo điều kiện, hỗ trợ khi Học viện khảo sát thực tế, đánh giá học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tiếp cận CĐR.
____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn xây dựng và công bố Chuẩn đầu ra, Hướng dẫn số 2196 /BGDĐT-GDĐH ngày 22-4-2010.
2. Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh: Kỷ yếu hội thảo xây dựng Chuẩn đầu ra và triển khai chương trình đào tạo theo mô hình CDIO, 2010.
3. Hồ Trọng Hoài: Đề tài khoa học cấp cơ sở: “Vấn đề xây dựng chuẩn đầu ra cho các hệ đào tạo - Kinh nghiệm của một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam và vận dụng vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, 2016.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Tài liệu lớp tập huấn xây dựng chuẩn đầu ra, 2016.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Báo cáo tổng kết năm học 2014 - 2015 và phương hướng năm học 2015 - 2016.
6. http://www.library.illinois.edu.
7. http://www.uwo.ca.
PGS, TS Hồ Trọng Hoài - TS Trần Thị Tú Anh