Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng... để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Thực tiễn 88 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng Đảng về đạo đức luôn được coi là nhiệm vụ “then chốt”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(1). Có thể nói, đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu lên và đặt vấn đề “xây dựng Đảng về đạo đức” ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó đặc biệt nhấn mạnh gắn trực tiếp việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Là một tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu có diện tích tự nhiên 9.068 km2, với 265,165 km đường biên giới đất liền tiếp giáp với huyện Kim Bình thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); có số dân là 44 vạn người, gồm 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ và Si La; là khu vực xung yếu của Sông Đà, có vị trí địa chính trị, quân sự, chiến lược trọng yếu trong bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước; sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Lai Châu đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội phát triển, chính trị ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, mối quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và các tổ chức quốc tế luôn được giữ vững trên nguyên tắc hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Tuy nhiên, Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo và còn rất nhiều khó khăn, do địa hình tự nhiên phức tạp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết, lôi kéo đồng bào di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền “Nhà nước Mông”, tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định chính trị, xã hội.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong những năm qua Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tỉnh ủy xây dựng và ban hành 14 đề án, nghị quyết chuyên đề, kết luận, trong đó Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2016 - 2020”; Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”, xác định rõ việc chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, đặc biệt quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa XI, Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa XII; gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bổ sung nội dung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; kế hoạch thực hiện toàn khóa và hằng năm, gắn học tập với làm theo, xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, quy định về tiêu chuẩn rèn luyện đạo đức, lối sống trong cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với 2 nội dung trọng tâm, có tính đột phá là: Cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đề cao trách nhiệm nêu gương, đổi mới phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành; gương mẫu rèn luyện, giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống; Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đổi mới phong cách tận tụy với công việc, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại và có trách nhiệm cao với nhân dân.Phát huy vai trò, trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, tự phê bình và phê bình, ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Hằng năm tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn dễ nhớ, dễ thực hiện và được niêm yết công khai tại trụ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Đến nay, toàn tỉnh có 913 cơ quan, đơn vị xây dựng được chuẩn mực đạo đức, trong đó trên 700 cơ quan, đơn vị khái quát thành khẩu hiệu ngắn gọn; nổi bật như: ngành tuyên giáo xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp với 5 tiêu chí “Đối với Đảng; Đối với nhân dân; Đối với công việc; Đối với bản thân; Đối với đồng chí, đồng nghiệp; Đối với các thế lực thù địch”; lực lượng Biên phòng tỉnh “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”; lực lượng công an thực hiện tốt tiêu chí “Chủ động - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả”; ngành thuế “Công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới”; ngành y tế “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”... Việc xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cơ bản bảo đảm theo quy trình: tập thể lãnh đạo cơ quan xây dựng dự thảo, tổ chức hội nghị để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia góp ý; tổng hợp, bổ sung và quyết định ban hành. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai đến từng cán bộ, đảng viên, quần chúng xây dựng kế hoạch học tập và làm theo gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao và đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện; lấy kết quả thực hiện các nội dung đã đăng ký làm một trong các tiêu chí bình xét, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm.
Thông qua việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức, tinh thần thái độ trong thực hiện nhiệm vụ; ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong công tác của cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến tích cực, nhất là đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc theo hướng gần dân, sát cơ sở, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những kiến nghị, phản ánh bức xúc của nhân dân như: khai thác khoáng sản trái phép, tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng ở các địa phương có công trình thủy điện; vấn đề di cư tự do, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật,... Việc nâng cao ý thức, trách, nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn; tăng cường sự minh bạch trong công tác lãnh đạo, quản lý; chấn chỉnh phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý... qua đó góp phần ổn định tư tưởng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GRDP cao, đạt 22,88%, tăng trên 7% so với kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đều đạt khá so với kế hoạch; đặc biệt thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.828 tỷ đồng (tăng 87% so với cùng kỳ); văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế được nâng lên; các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin - truyền thông đều phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đời sống của nhân dân, an sinh xã hội bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững...
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, một số cấp ủy cơ sở còn lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng chuẩn mực đạo đức. Nội dung chuẩn mực đạo đức của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, dàn trải, khó nhớ, có nội dung chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; chưa quan tâm đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự nghiêm túc, chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn mực chung của ngành, còn ngại rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu. Còn hiện tượng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng.
Nguyên nhân là do một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuẩn mực đạo đức còn thiếu đồng bộ, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng các giá trị chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lai Châu, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Trung ương, của tỉnh, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.
Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và thực sự phát huy hiệu quả.
Ba là, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo việc bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch.
Bốn là, việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, bổ sung chuẩn mực đạo đức cần cụ thể, khoa học hơn, theo đúng quy trình. Lãnh đạo cấp trên trực tiếp xem xét, góp ý giúp đơn vị hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ bảo đảm khi ban hành đáp ứng yêu cầu chung và sát với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Năm là, cần cụ thể hóa những giá trị đạo đức về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung thực, trách nhiệm,... thành những chuẩn mực cụ thể trong thi hành công vụ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức trau dồi đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong thực thi công vụ./.
---------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội , 2016, tr. 202
Giàng Páo Mỷ
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu
Nguồn: TCCS