Thứ Bảy, 23/6/2018 10:23'(GMT+7)
Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế:
Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo
(TG) - Là 1 trong 8 trường đại học thành viên của Đại học Huế, với truyền thống hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường ĐHYD đã có bước phát triển vững mạnh và ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực về y dược ở trình độ đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao và khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đảng bộ Trường là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Đại học Huế, với 50 tổ chức cơ sở đảng và hơn 800 đảng viên. Trường ĐHYD đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế…
Trước công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, lãnh đạo nhà trường đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và có vai trò quyết định sự phát triển của Trường. Do đó, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường đã nêu cao quyết tâm, thống nhất về tư tưởng và hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW gắn với Nghị quyết CTHĐ số 21-NQ/TU của Tỉnh uỷ.Đảng uỷ Trường đã ban hành nghị quyết cụ thể triển khai thực hiện và được cụ thể hoá trong kế hoạch công tác hàng năm và nhiệm kỳ; đồng thời xây dựng các chương trình, đề án phát triển chuyên sâu của Trường. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Trường ĐHYD đã đạt được những thành quả khá toàn diện.
Trước hết,để thực hiện tốt nội dung “Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng”, “người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục”, không chỉ truyền thụ tri thức, ĐHYD rất chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho người học. Trường đưa nội dung về giáo dục y đức, nhân cách của người hành nghề y vào chương trình giảng dạy. Ngoài ra, thông qua đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, như: phong trào “Sinh viên năm tốt”, “Sinh viên với mùa thi nghiêm túc, chất lượng”, “Tiếp sức người bệnh” cho đồng bào vùng khó khăn, miền núi, vùng biên giới Việt – Lào (ở huyện A Lưới Việt Nam và ở hai tỉnh giáp biên của Lào),… đã góp phần bồi đắp cho sinh viên ý thức trách nhiệm đối với nghề nghiệp, niềm tự hào về truyền thống ngành y, đấu tranh chống lại lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, góp phần định hướng giá trị Chân - Thiện - Mỹ cho sinh viên. Công tác phát triển Đảng trong sinh viên, học viên đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Trong tổng số hơn 800 đảng viên của Đảng bộ trường, có hơn 500 đảng viên là sinh viên, học viên.
Thứ hai, nhằm “phát triển phẩm chất và năng lực tư học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học” theo quan điểm của Nghị quyết 29-NQ/TW, nhà trường đã tập trung đổi mới chương trình đào tạo của khối ngành Khoa học sức khoẻ, trong đó tập trung chủ yếu vào ngành Y Đa khoa và ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt. Tiếp đó, để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo ngang tầm quốc tế, ngày 25/4/2016,Đảng uỷ Trường đã ban hành Nghị quyết số 40-QĐ/ĐU“về việc thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe”,xây dựng Đề án “Đổi mới đào tạo khối ngành sức khỏe dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp”.Trong khuôn khổ Dự án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cải cách y tế (Dự án HPET)[1], đồng thời tăng cường hợp tác với Đại học Y khoa Harvard (Hoa Kỳ),Liên đoàn Giáo dục Nha khoa Đông Nam Á,Trường xây dựngchương trình đào tạo mới của hai ngành Y Đa khoa và Bác Răng Hàm Mặt theo hướng tích hợp, dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp, sinh viên sau khi tốt nghiệp đảm bảo các tiêu chí về tri thức, năng lực, hành nghề theo các tiêu chuẩn của quốc tế. Việc đổi mới thành công chương trình đào tạo của khối ngành Khoa học sức khoẻ sẽ tạo nền tảng, kinh nghiệm và động lực quan trọng để từ đó, đổi mới chương trình đào tạo các ngành học khác.
Đối với các ngành học khác, Trường ĐHYD tiến hành đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Với việc hoàn thành xây dựng đề cương 8 khoá học E-Learning; triển khai giảng dạy một số học phần đại học theo chương trình đào tạo trực tuyến E-Learning, Trường đã từng bước thay đổi phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học hiện đại.
Thứ ba, song song với việc đổi mới phương pháp dạy học, Trường từng bước tiến hành đổi mới hình thức, phương thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, bảo vệ luận văn, luận án, thi tốt nghiệp theo đúng các quy chế, quy định về đào tạo đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc, có chất lượng. Đã tiến hành đánh giá chương trình đào tạo đại học theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA[2]…
Tỷ lệ tuyển sinh đầu vào trung bình hàng năm của Trường đều đạt trên 100%. Năm học 2017 – 2018 đạt 104%. Hầu hết sinh viên ĐHYD ngay sau khi tốt nghiệp đều có việc làm (tỷ lệ hàng năm đạt trên 95%).
Thứ tư, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, viên chức vững mạnh, có năng lực, tâm huyết với nghề. Trường có 469 cán bộ giảng dạy, trong đó 14% có trình độ giáo sư, phó giáo sư; 26% trình độ tiến sĩ; hơn 75% có trình độ thạc sĩ; 2 Nhà giáo nhân dân, 15 Nhà giáo ưu tú, 1 Thầy thuốc nhân dân, 33 Thầy thuốc ưu tú… Trong nhiều năm liền, cán bộ của Trường vinh dự có tên trong danh sách bình chọn “Thầy thuốc trẻ Việt Nam”, “Tài năng trẻ Việt Nam”, 37 cán bộ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo, 2 cán bộ được trao tặng giải thưởng quốc tế về nghiên cứu khoa học, 2 cán bộ được phong hàm phó giáo sư tại nước ngoài. Năm 2017, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài – giảng viên của Trường là một trong hai gương mặt nữ của Việt Nam nhận được giải thưởng L’Oreal – UNESCO – Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học về lĩnh vực y dược học.
Thứ năm,nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế là một thế mạnh của ĐHYD hiện nay. Chỉ trong 10 năm gần đây, cán bộ, viên chức Trường ĐHYD đã thực hiện trên 1.500 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp với số lượng đề tài cấp bộ, cấp tỉnh tăng.
Trong năm học 2017-2018, đã có 418 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí trong nước và nước ngoài, đặc biệt đã có 52 bài báo của cán bộ, viên chức của Trường công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong danh mục ISI/Scopus và các tạp chí quốc tế khác, với chỉ số Impact Factor cao nhất đạt 9,615. Năm 2017, cán bộ của Trường đã xuất sắc nhận giải nhất Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt năm 2017” với cụm công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số”. ĐHYD đã làm việc và có quan hệ hợp tác với gần 100 viện, bệnh viện, trường đại học, tổ chức chính phủ và phi chính phủ của hơn 20 quốc gia. Trong đó, có các đối tác chiến lược là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Italia. Tổ chức ký kết hơn 25 biên bản hợp tác với các trường đại học, tổ chức trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, khoa học, trao đổi cán bộ và sinh viên.
Thứ sáu, Trường ĐHYD được đánh giá là một trong những trường đại học có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Với tổng diện tích đất là 110.584.800 m2, nhiều hạng mục công trình được xây dựng, như: Hệ thống giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, thực hành …. Bệnh viện Trường ĐHYD được thành lập từ năm 2002, là cơ sở thực hành cho cán bộ, học viên, sinh viên. Đây là một quyết định đúng đắn, đã tạo ra mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh, phát huy được năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm của Trường ĐHYD.Thực tế đã chứng minh trong quá trình hoạt động, Bệnh viện Trường ĐHYD Huế ngày càng phát triển vững chắc, khẳng định được vai trò trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế. Bệnh viện Trường ĐHYD là bệnh viện đa khoa hạng I với hơn 700 gường bệnh;có 8 phòng chức năng, 21 khoa, 16 đơn vị và trung tâm; và là đơn vị sự nghiệp công lập hoàn toàn tự chủ về tài chính. Bệnh viện Trường ĐHYD cơ sở y tế có những bước đi tiên phong và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong triển khai các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến (nổi bật trong các lĩnh vực tim mạch, ghép tạng, điều trị ung thư, chẩn đoán hình ảnh, nội soi can thiệp, ngoại sản, hồi sức cấp cứu...).Bình quân hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh cho trên 250.000 lượt người, trong đó phẫu thuật trên 10.000 người, điều trị gần 25.000 người… Cùng với Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường ĐHTD Huế góp phần quan trọng để Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước.
Trong thời gian tới, Trường ĐHYD Huế xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đểtiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW. Đó là: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu trong lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới công tác đào tạo; (2)Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô và các loại hình đào tạo trên cơ sở đảm bảo chất lượng và các điều kiện dạy và học, đào tạo theo chương trình tiên tiến, đào tạo có yếu tố nước ngoài và liên kết đào tạo quốc tế; (3) Đẩy mạnh cải cách toàn diện các chương trình đào tạo Khoa học sức khỏe theo hướng giảng dạy tích hợp dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập với tiêu chuẩn của quốc tế; (4) Tiếp tục phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, viên chức nhà trường nhằm thực hiện có hiệu quả quá trình đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực; (5)Tăng cường và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; (6)Đổi mới cơ chế tài chính, phấn đấu đến năm 2020 là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% về tài chính.
Trên cơ sở xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng, quá trình tiến hành phải bài bản, khoa học, phù hợp xu thế phát triển và đòi hỏi của thực tiễn; bằng tinh thần đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, Đảng ủy, Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức của Trường đã tích cực phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, mạnh dạn tiến hành công cuộc đổi mới và thu được những kết quả bước đầu đáng tự hào, tạo nền tảng vững chắc để Trường tiếp tục phát triển theo hướng Đại học Khoa học Sức khỏe, vừa là cơ sở đào tạo, nghiên cứu toàn diện, có uy tín; vừa là cơ sởchuyên sâu, chất lượng cao trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dâncủa khu vực và cả nước.
[1] Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng số vốn 3,5 triệu USD
[2] Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Mạng lưới các Trường Đại học Đông Nam Á
Bích Ngọc, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế