(TG) - Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.
Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản với những quan điểm, chủ trương, định hướng cụ thể để lãnh đạo đối với công tác trẻ em. Gần đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20/CT-TW ngày 5-11-2012 về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phải quán triệt và thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm về công tác trẻ em. Sau khi Chỉ thị 20/CT-TW được ban hành, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về công tác trẻ em ở Trung ương đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị thành các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã kịp thời tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20/CTTW. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực.
1. Một số kết quả quan trọng:
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động trong lĩnh vực trẻ em đã được thực hiện với nội dung và hình thức phong phú. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các kiến thức chuyên đề nâng cao nhận thức, vận động sự ủng hộ và tham gia của toàn xã hội; các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Phương thức tuyên truyền, giáo dục chủ yếu là trên các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức tư vấn trực tiếp và tư vấn cộng đồng; đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (ngày 7-12-2017, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã chính thức vận hành); qua các chương trình truyền hình, bản tin, phóng sự ngắn về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em đã được rà soát, sửa đổi và bổ sung theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đồng thời bảo đảm phù hợp và thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn; tập trung phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị lạm dụng sức lao động và một số vấn đề liên quan đến trẻ em gây bức xúc xã hội. Các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được các bộ, ngành và nhiều địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cũng như huy động các nguồn lực trong xã hội, góp phần quan trọng để trẻ em được chăm sóc sức khỏe và có cơ hội, điều kiện để phát triển cả về thể chất, tinh thần và xã hội. Nhiều chương trình, đề án, dự án về trẻ em đã được triển khai cho giai đoạn 2016-2020 như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Chương trình phòng, chống bạo lực đối với trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và các chương trình chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em…
2. Một số vấn đề còn hạn chế
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu chủ động, sâu sát, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ở cấp xã, phường. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa thường xuyên và rộng khắp, thiếu chiều sâu, chủ yếu tập trung vào những dịp cao điểm; chưa có tài liệu tuyên truyền về chính sách, pháp luật, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phù hợp cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là đối với gia đình và cộng đồng dân cư.
Một số quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có tính khả thi cao, chưa cụ thể và còn bất cập. Việc ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật cụ thể về một số nhóm trẻ em còn chậm. Việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn nhiều khó khăn và hạn chế.
Về chăm sóc sức khỏe trẻ em: gánh nặng bệnh tật và tử vong trẻ sơ sinh còn cao; tính bền vững của chương trình tiêm chủng cho trẻ em chưa được đảm bảo; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn cao; tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì đang tăng nhanh ở các thành phố lớn; cán bộ y tế chuyên ngành nhi khoa còn thiếu và yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn, nhất là tuyến cơ sở…
Về giáo dục trẻ em: chương trình học của học sinh còn nặng dạy về kiến thức mà thiếu dạy kỹ năng sống; cơ sở vật chất trường lớp, dụng cụ học tập, sân chơi cho học sinh còn thiếu, sự phân bổ giáo viên không đồng đều giữa các cấp học cũng như giữa các vùng, miền; chất lượng giáo dục mầm non vẫn còn khoảng cách khá xa giữa thành thị và nông thôn, miền núi; thiếu sự quan tâm, chăm sóc, tư vấn về sức khỏe tinh thần cho học sinh, đặc biệt là ở cấp THCS và THPT.
Về bảo vệ trẻ em: Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em còn chậm củng cố; đặc biệt ở cấp huyện, xã nên tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, tai nạn thương tích, bị lạm dụng sức lao động có xu hướng tăng thời gian gần đây; cấu trúc hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em thiếu tính đồng bộ, thống nhất, chưa có sự quản lý, giám sát chặt chẽ và còn khác biệt giữa các vùng, miền.
Về bảo đảm vui chơi, giải trí và thực hiện quyền tham gia của trẻ em: Điều kiện vật chất như sân chơi, bãi tập, khu vui chơi giải trí, mạng lưới thư viện, các thiết chế văn hóa, thể thao hầu như còn thiếu, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn; việc thực hiện quyền vui chơi, giải trí của trẻ em gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý thông tin trên mạng chưa hiệu quả; sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động xã hội còn hạn chế, quyền tham gia của trẻ em còn mang tính hình thức. Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp huyện, xã còn kiêm nhiệm, không ổn định; đội ngũ cộng tác viên thôn, bản chưa được quan tâm bố trí, hỗ trợ kinh phí, chưa được đào tạo, tập huấn thường xuyên để trang bị, bổ sung kiến thức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức và thiếu thường xuyên. Việc lồng ghép các chương trình, đề án về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em hiệu quả chưa cao. Công tác thu thập thông tin số liệu còn nhiều bất cập, còn thiếu sự tin cậy và tính đồng bộ giữa các bộ, ngành.
Cùng với những hạn chế, yếu kém trên, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở nước ta đang đứng trước nhiều thách thức như: tác động của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp, sức ép của kinh tế thị trường đến việc làm và thu nhập để bảo đảm đời sống của nhiều gia đình, tình trạng nghèo đói vẫn tồn tại, đô thị hóa với tốc độ cao…
3. Đề xuất, kiến nghị:
Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đưa các chỉ tiêu về trẻ em là một tiêu chí trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương.
Hai là, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em để bảo đảm phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em. Lồng ghép vấn đề nghèo trẻ em trong chính sách tiếp cận giảm nghèo đa chiều. Bổ sung, sửa đổi bộ tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, lồng ghép với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Lồng ghép thực hiện các chính sách trợ giúp thực hiện các quyền trẻ em nói chung, chính sách trợ giúp có điều kiện cho trẻ em theo nhóm xã hội, nhóm đối tượng đặc thù.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đa dạng các hình thức và tài liệu truyền thông cho các đối tượng khác nhau, quan tâm đến đối tượng là gia đình và cộng đồng. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em. Nâng cao năng lực truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho lực lượng truyền thông đại chúng.
Năm là, tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em bảo đảm hỗ trợ, can thiệp trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại. Rà soát, đánh giá hoạt động, quy hoạch các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và ngoài công lập; kiện toàn hoặc thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như trung tâm công tác xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh hoặc cấp huyện; phát triển các mô hình điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình về thực hiện quyền trẻ em.
TS. Vũ Thị Kim Anh
_____________________________________
* Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 5/2018