Thứ Năm, 21/11/2024

Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Đảng và Nhà nước ta khẳng định rằng: Người làm báo là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nghĩa là phải tạo nên những thông tin có khả năng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, phải đối thoại với công chúng về những vấn đề kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa và đạo đức... Để thực hiện được những công việc đó đòi hỏi nhà báo không chỉ có kiến thức sâu rộng, giỏi nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có tâm trong sáng. Một nhà báo vì thiếu trách nhiệm đưa một thông tin không có thật hoặc bóp méo sự thật sẽ có tác hại đến hàng triệu người. So với yêu cầu, nhiệm vụ mới hiện nay, kiến thức, trình độ, năng lực của nhà báo đang là thách thức thì lương tâm, đạo đức cũng đang trở thành vấn đề đáng báo động trước sự chuyển động hằng ngày của mặt trái cơ chế thị trường, của toàn cầu hóa, của sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, nhất là truyền thông trên mạng xã hội.

Trong xu thế toàn cầu hóa, không gian mở và biên giới mềm như hiện nay, cùng với tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí nói riêng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí “đức không trong, tâm không sáng”, quên mất vị trí tiên phong của mình, họ cũng quên mất trách nhiệm khách quan, tôn trọng sự thật, tự cho phép mình “bẻ cong ngòi bút”... Họ trở thành người cầm bút thiếu lương tâm, trách nhiệm, vào hùa với thế lực xấu biến trắng thành đen, biến phải thành trái, làm đảo lộn sự thật, gây hoang mang dư luận và đặc biệt những bài viết không trung thực đã làm tấm bình phong che chắn bằng công luận hết sức hữu hiệu cho hàng loạt những hành vi sai trái, tội lỗi. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời, không bám sát tôn chỉ, mục đích; vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận...

Nguyên nhân chủ quan, sâu xa của tình trạng trên là: “do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương thức giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và những hậu quả gây ra”(1).

Trước thực trạng đáng báo động đó, năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017). Đây là những tiêu chí phổ quát nhất, cơ bản nhất, tương ứng với ý thức công dân, nền tảng đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam cũng xây dựng Chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ gồm chín nội dung. Những nội dung này nhấn mạnh việc giữ vững tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí, kiên quyết không để chệch hướng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong tuyên truyền các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phản ánh mọi mặt đời sống xã hội.

Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 5 của Quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác’”. Đây là một vấn đề đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Bởi lẽ, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của truyền thông xã hội và phổ biến là mạng xã hội Facebook, hàng triệu người được tự do cập nhật, phát tán thông tin đa chiều, toàn diện. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí ở nhiều góc độ. Đối với góc độ nghề nghiệp, nhiều cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Trước các hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo khi tham gia mạng xã hội và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, ngày 24/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã ký đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 với phạm vi áp dụng là các cấp Hội Nhà báo Việt Nam. Quy tắc bao gồm ba chương và bảy điều quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực cụ thể.

Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Quy tắc này cũng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí trong việc tổ chức quán triệt và thực hiện Quy tắc; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Dựa trên những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên của Đảng, học theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những quy định đạo đức nghề nghiệp, những chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội của Hội Nhà báo Việt Nam, có thể đề xuất những chuẩn mực đạo đức cơ bản đối với cán bộ, đảng viên của cơ quan báo chí cần được xây dựng như sau:

Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Người hoạt động báo chí là hoạt động chính trị - xã hội, nên nhiệm vụ của báo chí là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhà báo phải là chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận. Do đó, lập trường chính trị vững chắc là tiêu chuẩn và là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi người làm báo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn người làm báo: “Phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản”(2). “Tất cả những người làm báo... phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng” (3). “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng... Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta” (4). Người làm báo phải có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói và viết theo định hướng của Đảng; gương mẫu đi đầu và kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, phản động hay những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi nhà báo cách mạng cần có ý thức về một lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa; kiên quyết chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Thứ hai, có tác phong dân chủ, quần chúng, thân thiện, sâu sát thực tiên, cơ sở. Cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải biết cách lắng nghe: Nghe xa, nghe gần, nghe nhiều người, nghe nhiều phía; phải biết cách hỏi: Hỏi người bên cạnh, hỏi người xung quanh, hỏi nhân dân, hỏi cán bộ, hỏi nhiều chiều; phải đến tận nơi để tận mắt trông thấy “trăm nghe không bằng một thấy”; rồi phải đọc báo, xem sách trong và ngoài nước; chưa hết còn phải tích cực ghi chép, ghi tất cả những gì mình nghe và thấy. Trong mọi hoạt động, công tác của mình, người cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải có tác phong dân chủ, gần gũi, thân thiện với mọi người, thường xuyên cập nhật những vấn đề mới từ thực tiễn, sâu sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân.

Thứ ba, mẫn cán, tận tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; chủ động, sáng tạo, ra sức phấn đấu vì sự nghiệp phát triển của nền báo chí nước nhà; không lợi dụng nghề nghiệp để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; chống mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các hình thức gây phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, lãng phí, phô trương hình thức. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn nhà báo, trước khi viết cần trả lời câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Người luôn nhắc nhở: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”... Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết... Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận... Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần” (5) ... “Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy”(6), “người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”(7). “Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa, vô ích bỏ đi”(8). Người làm báo cách mạng luôn phải tận tâm, mẫn cán với công việc, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực học hỏi đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, có trách nhiệm xã hội trong việc truyền phát thông tin. Trong mọi trường hợp, nhà báo chỉ đưa những thông tin phù hợp, tránh khẳng định hoặc đưa ra những thông tin không cụ thể, thiếu cơ sở và thiếu kiểm chứng. Không được đăng hoặc công bố bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân, đất nước, xúc phạm đạo đức xã hội trên báo chí, mạng xã hội, hay các phương tiện truyền thông khác. Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” (9). “ Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”(10). Nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều phải có động cơ trong sáng, khách quan; không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người làm báo phải phản ánh đúng những ý kiến xây dựng của nhân dân; nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đối với công cuộc xây dựng đất nước; người làm báo phải chống nạn tham ô, tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Người làm báo phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng của nhân dân ta. Người làm báo cách mạng không những phải làm tròn trách nhiệm nghĩa vụ của một người chiến sĩ cách mạng mà phải gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.

Đại diện các cơ quan báo chí ký cam kết thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.

Đại diện các cơ quan báo chí ký cam kết thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí sáng 21/6/2022, tại Hà Nội.

Thứ năm, bảo vệ giá trị và tính liêm chính của nghề báo. Trong quá trình thực hiện công việc, điều trước tiên cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải nghĩ đến là lợi ích của nhân dân, đất nước và danh dự của nghề báo. Chỉ chấp nhận những công việc phù hợp với phẩm giá nghề nghiệp của mình và cam kết đấu tranh bảo vệ những giá trị cao cả của nghề báo. Cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí có phận sự thấu hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và nghề báo, phải luôn tuân thủ pháp luật, có quyền từ chối các yêu cầu, nhiệm vụ, lợi ích trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức nghề nghiệp và mâu thuẫn với niềm tin của chính mình. Nhận hối lộ, tham nhũng, tống tiền là những hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sự tự tôn, độc lập, công bằng, tính liêm chính của nghề nghiệp và danh dự của nghề báo. Nhà báo cách mạng cần phải có phẩm chất trung thực và cương trực, khiêm tốn và tận tụy, trách nhiệm với công việc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng. Không để tính tham, lòng tham, những cám dỗ vật chất tầm thường bủa vây, nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay mà đánh mất phẩm giá, nhân cách, danh dự và lòng tự trọng của một nhà báo chân chính. Không vượt qua được những điều đó, không vượt qua được chính bản thân mình, “dễ bẻ cong ngòi bút”, chẳng những không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà trái lại sẽ bạc nhược, nhụt chí, đồng lõa với cái xấu, cái ác, cái xảo trá, làm hoen ố thanh danh, danh dự nhà báo và báo chí cách mạng, không còn là tiếng nói trung thực, dũng cảm bảo vệ sự thật, công lý và nhân dân mà tự mình tha hóa, chống lại nhân dân với những động cơ và hành vi tội lỗi.

Thứ sáu, cầu thị, sáng tạo, học tập suốt đời. Hoạt động báo chí là một hoạt động đặc biệt, đòi hỏi phải có tầm cao trí tuệ, có hiểu biết sâu rộng, kinh nghiệm cuộc sống phong phú và nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xứng đáng là “người tiên phong trên mặt trận báo chí”(11), cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải luôn cố gắng học hỏi, cầu tiến bộ. Ngày 21/7/1956, nói chuyện tại Lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Báo chí Tuyên truyền hiện nay), Người dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(12). Nhà báo là người tuyên truyền, giáo dục tập thể, là người giáo dục người khác nên mình cũng cần thường xuyên được giáo dục, trong đó giáo dục đạo đức là gốc rễ, nền tảng. C. Mác cho rằng “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”(13). Do đó, việc trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ là công việc đòi hỏi phải học tập suốt đời đối với mỗi nhà báo cách mạng.

Thứ tám, tôn trọng bản quyền, không đạo văn. Đạo văn là hành vi ăn cắp, chiếm hữu một cách sai trái, thậm chí công bố suy nghĩ, ý tưởng hay cách diễn đạt của người khác và xem đó là của mình tạo ra. Đó là hành động mượn, lấy ý tưởng của người khác nhưng không trích nguồn mà sử dụng chúng như là sáng tạo, ý tưởng của mình. Đạo văn dù là cố ý hay vô tình đều được xem là hành vi thiếu trung thực về mặt học thuật và vi phạm về mặt đạo đức, pháp luật. Đạo văn (bao gồm cả việc sử dụng từ ngữ hay ý tưởng của người khác mà không thừa nhận và không được sự đồng ý của tác giả) là một hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo. Cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí cần tôn trọng và kiên trì bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, không ăn cắp, chiếm đoạt thông tin, ý tưởng, tác phẩm của người khác hoặc trả tiền cho thông tin bị đánh cắp dưới mọi hình thức; khi sử dụng nội dung hoặc đoạn trích, nhà báo phải xin phép và luôn nêu tên tác giả.

Thứ chín, đoàn kết, tôn trọng, lắng nghe đồng nghiệp. Đoàn kết, tôn trọng và lắng nghe giữa cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện chuẩn mực nghề nghiệp và hình ảnh chung của nhà báo. Cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí có nghĩa vụ tôn trọng cá tính của đồng nghiệp, hợp tác với đồng nghiệp, tránh mọi hành động xung đột, tố cáo không trong sáng hoặc đưa ra những cáo buộc vô căn cứ ở nơi công cộng cũng như nơi làm việc. Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp là bình đẳng, không chấp nhận những hành vi lợi dụng đồng nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, chiếm đoạt tác phẩm hoặc ý tưởng của người khác; không được tranh giành vị trí của đồng nghiệp một cách không trong sáng hoặc làm cho đồng nghiệp đó bị sa thải bằng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...””(14). Người chỉ rõ: “Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén”(15) của nhà báo. Một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, nhận được sự tin cậy của công chúng, nhân dân luôn là mục tiêu hướng tới của những người làm báo, của các cơ quan báo chí. Nếu lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm, thì mỗi người làm báo cũng cần tự giác xác định rõ việc thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Bởi lẽ, không một quy định pháp luật, hay chuẩn mực đạo đức nào có thể điều chỉnh được tất cả mọi hành vi trong xã hội. Hiệu quả của công việc và uy tín, danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ, năng lực, đạo đức và sự đam mê nghề nghiệp của người làm báo. Việc luôn tự rèn luyện, tu dưỡng là đặc biệt quan trọng, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí có đủ bản lĩnh, tự tin vượt qua mọi thử thách, cám dỗ của đời sống xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ uy tín danh dự của nghề báo, hoàn thành xuất sắc trọng trách của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó./.

PGS.TS. Mai Đức Ngọc
Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền 

 ----------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017, tr.24-25.

(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.167, 166.

(4) (14) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.463-464, 466, 466.

(5) (6) (7) (8) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.346, 342, 340, 342, 342.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.206.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.103.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.377.

(13) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.3, tr.10.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất