Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết: từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em với mục tiêu hạn chế tai nạn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như giao thông vận tải, lao động sản xuất, sinh hoạt trong gia đình, nhà trường, nơi công cộng.
Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tổ chức hội thảo "Xây dựng chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015". Tham dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết: từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em với mục tiêu hạn chế tai nạn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như giao thông vận tải, lao động sản xuất, sinh hoạt trong gia đình, nhà trường, nơi công cộng. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư trong thời gian qua còn hạn chế, hoạt động truyền thông chưa sâu rộng nên tình trạng tai nạn thương tích của trẻ em ở nước ta vẫn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em. Trong vòng 6 năm (2005-2010), ở nước ta trung bình mỗi năm có khoảng 7.341 trẻ em trong độ tuổi 0-19 bị tử vong do tai nạn thương tích và tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích ở mức 26,7/100.000 vào năm 2010. Vì vậy, xây dựng chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo cho các em quyền được sinh tồn và phát triển trong môi trường an toàn.
Dự thảo chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015 hướng tới mục tiêu giảm được 20% số vụ tai nạn thương tích trẻ em và giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 25/100.000; ít nhất 30% các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí "Ngôi nhà an toàn"; 25% trường học đạt tiêu chuẩn "Trường học an toàn" và 25% xã đạt tiêu chuẩn "Cộng đồng an toàn". Đồng thời, thực hiện xã hội hóa công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, tạo sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và của toàn dân. Năng lực triển khai thực hiện các chương trình, năng lực thu thập thông tin, giám sát đánh giá và kỹ năng thực hành phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em của đội ngũ cán bộ cũng cần được nâng cao.
Bộ LĐTB&XH đã lấy ý kiến góp ý của các đại biểu về dự thảo chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015. Đa số đại biểu cho rằng, bản dự thảo đã đưa ra được các kế hoạch tổng hợp, bao phủ khá đầy đủ nguyên nhân tai nạn thương tích ở trẻ em, các giải pháp đưa ra tương đối đồng bộ. Song, Bộ cần cân nhắc khả năng thực thi các mục tiêu của chương trình để xây dựng chương trình cho phù hợp. Trong việc xây dựng các mô hình an toàn cho trẻ em, Bộ cần lựa chọn sử dụng các tài liệu, mô hình hiệu quả và bền vững để rút ngắn thời gian thử nghiệm và nhanh chóng áp dụng các mô hình này trên diện rộng./.
Theo TTXVN