Từ năm 2015, Đà Nẵng đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm sắp xếp lại bộ máy các cơ quan, đơn vị của thành phố. Về tổ chức bộ máy hành chính, UBND thành phố đã rà soát lại bộ máy tất cả các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, để xây dựng và thực hiện việc sắp xếp, quy định lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 của Chính phủ. Trong quá trình quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị, Đà Nẵng thành lập hàng chục ban quản lý dự án, chức năng tương đương như sở chuyên môn. Sau nhiều lần sáp nhập, giải thể, nay chỉ còn sáu ban quản lý dự án, giảm ba đơn vị so với năm 2016. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện cũng giảm năm đơn vị.
UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Nội vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án Sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý giai đoạn 2017-2020. Trong đó, đến năm 2020 tiếp tục giảm thêm 16 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm do sáp nhập, hợp nhất, giải thể 14 đơn vị; chuyển sang công ty cổ phần hai đơn vị; bảy đơn vị khác phải hoàn thành mục tiêu tự chủ chi thường xuyên; giảm ít nhất 2.000 biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ của các đơn vị, ước khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Đầu năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng tổ chức lại hệ thống tám trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp -hướng nghiệp và dạy nghề; sáp nhập thành ba trung tâm giáo dục thường xuyên. Qua hơn 10 tháng hoạt động, các trung tâm phát huy hiệu quả; tinh thần cán bộ, giáo viên phấn khởi, thu nhập cải thiện. Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên số 1 Trương Xuân Vịnh cho biết, hiện Trung tâm đã tự chủ 30% kinh phí hoạt động và hướng đến mục tiêu tự chủ hoàn toàn. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định, việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên góp phần giảm hơn một nửa cán bộ quản lý, lãnh đạo, nhân viên gián tiếp, tăng số lượng giáo viên đứng lớp, bảo đảm chất lượng trong đào tạo. Cơ sở vật chất của các trung tâm không sử dụng được điều chuyển cho các cơ sở mầm non, tiểu học. Cán bộ, giáo viên dôi dư được điều chuyển sang các trường phổ thông, mầm non có nhu cầu. Tám cán bộ, giáo viên có đơn xin tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ công tác và được giải quyết các chế độ thỏa đáng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến, ngành y là lĩnh vực chiếm số đông người làm việc hưởng lương ngân sách.Trong năm 2017, năm đơn vị đầu tiên của ngành y tế Đà Nẵng thực hiện tự chủ về chi thường xuyên từ nguồn thu các dịch vụ y tế theo quy định. Nhờ đó, ngân sách nhà nước giảm chi trả lương cho 1.956 lao động. Sở Y tế Đà Nẵng đang tiếp tục triển khai loại hình tự chủ loại 2 theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP đối với các cơ sở khám chữa bệnh theo lộ trình; dự kiến đến năm 2021 cơ bản hoàn thành đối với các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, quận, huyện và một số bệnh viện chuyên khoa.
Sở Y tế triển khai Đề án Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở hợp nhất sáu đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và đặc thù (Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế), nhằm bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhất là bộ phận trung gian như bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn...
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết, về tinh giản biên chế và hợp đồng lao động, ở khối hành chính số lượng giảm qua từng năm; cụ thể, năm 2015 giảm 53 người, năm 2016 giảm 82 người, 10 tháng đầu 2017 giảm 89 người. Ở khối sự nghiệp công lập, năm 2017 giảm 2.169 người so với 2016; năm 2018 sẽ tiếp tục giảm thêm 1.180 người hưởng lương từ ngân sách. Sau gần ba năm triển khai tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Đà Nẵng đã giải quyết 244 trường hợp và không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Thành phố đã xây dựng phần mềm vị trí việc làm và cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu mô tả vị trí việc làm từng cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động một cách chặt chẽ, đúng quy định, không dôi dư.
Một trong những điểm sáng trong tinh gọn bộ máy mà Đà Nẵng thực hiện trong năm 2017 là sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố. Sau khi sắp xếp, toàn thành phố có 2.784 tổ dân phố, giảm 2.965 tổ dân phố (51,6%) so với năm 2016. Chỉ tính riêng chi phụ cấp và hỗ trợ hoạt động, đã giảm được hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Ông Dương Minh Châu, người dân phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chia sẻ: Việc sáp nhập, sắp xếp lại tổ dân phố là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Không chỉ là giảm Tổ trưởng, mà kèm theo là giảm cả các đầu mối ở cấp tổ dân phố như tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho người dân rất nhiều.
Để tinh gọn bộ máy hành chính, hiện nay thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục hoàn thiện mô hình một cửa và một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ hành chính công qua ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều hình thức, tiện ích và kênh thông tin ra đời nhằm hỗ trợ người dân, tổ chức tiếp cận văn bản pháp luật, quy định và thủ tục hành chính.
Là một trong những địa phương đầu tiên nghiên cứu, xây dựng Đề án Sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý giai đoạn 2017-2020 với các giải pháp cụ thể, khoa học, thành công bước đầu và những kinh nghiệm của Đà Nẵng trong những năm qua là cơ sở để thành phố tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững hơn theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5, Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII của Đảng và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Nhân dân