Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 28/12/2011 19:56'(GMT+7)

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo chuyên nghiệp hơn

Thí sinh đạt giải tại Hội thi Báo cáo viên giỏi tuyên truyền NQ Đại hội Đảng XI do Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Tuyên Quang tổ chức tháng 9/2011.

Thí sinh đạt giải tại Hội thi Báo cáo viên giỏi tuyên truyền NQ Đại hội Đảng XI do Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Tuyên Quang tổ chức tháng 9/2011.

Chúng ta coi công tác tuyên giáo là một nghề. Đã là một nghề thì yêu cầu đặt ra đối với những cán bộ chuyên trách làm công tác này phải có trình độ, phẩm chất của nghề nghiệp. Và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải là một đội ngũ chuyên nghiệp, yêu nghề, lấy hoạt động công tác tuyên giáo làm nghề của mình qua đó để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo.

Thực tế hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, hầu hết chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ tuyên giáo. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ làm công tác tuyên giáo sau khi đã được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo và công tác được một thời gian, có kinh nghiệm thì lại điều chuyển công tác khác, trong khi đội ngũ thay thế lại chưa được đào tạo kịp thời, do vậy ảnh hưởng nhiều tới chất lượng công tác. Công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác tuyên giáo còn nhiều tồn tại, bất cập, nên chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.

Hiện nay Đảng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước mà trước mắt là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, tình hình đó đặt ra cho công tác tuyên giáo nói chung và cán bộ làm công tác này nói riêng những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, đòi hỏi đặt ra đối với năng lực, phẩm chất của người cán bộ tuyên giáo phải đảm bảo được các tiêu chí sau:

Một là, có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống lành mạnh, gương mẫu, luôn thống nhất giữa lời nói với việc làm. Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không hoang mang, không dao động trước sự tấn công chống phá của các thế lực thù địch và luôn vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới.

Hai là, phải có trình độ lý luận, tư tưởng và tri thức khoa học. Cán bộ tuyên giáo phải được đào tạo cơ bản và có trình độ về lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin; nắm vững di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và hiểu biết những quan điểm, tư tưởng của Đảng ta về công tác tuyên giáo. Có sự hiểu biết nhất định về các hệ tư tưởng, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm, tư tưởng, luận điệu sai trái đi ngược lại với lợi ích của Đảng, của dân tộc và hệ tư tưởng vô sản; có kiến thức văn hóa rộng, hiểu biết các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Ba là, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có năng lực nói và viết; có phong cách làm việc dân chủ và khả năng đối thoại với các đối tượng khác nhau; có khả năng giao tiếp, ứng xử và lôi cuốn quần chúng tham gia vào các quá trình tư tưởng; có khả năng nắm bắt dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực; có khả năng sử dụng các phương tiện công tác tư tưởng, nhất là các các phương tiện truyền thông đại chúng để tiến hành giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân…

Để xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo thực sự chuyên nghiệp ở tất cả các cấp, đáp ứng các yêu cầu trên đó là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, của cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ, cơ quan tuyên giáo các cấp cũng như bản thân mỗi cán bộ tuyên giáo.

Thứ nhất, cấp ủy các cấp trên cơ sở nhận thức đúng đắn về tính chất, chức năng, đặc điểm nghề nghiệp, những yêu cầu về phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, từ đó có hướng quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo cho đúng đắn. Bên cạnh đó cần có những chính sách phù hợp để họ yên tâm với nghề của mình.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo thực sự có năng lực, phẩm chất cần thiết. Khi xây dựng, tuyển chọn đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải thực hiện phương châm “thà ít mà tốt”, chú ý lựa chọn những người có nhiệt tình cách mạng, có niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp cách mạng, có bản lĩnh chính trị “vững như bàn thạch”, một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng thời phải chọn những người có năng khiếu viết được, nói được, có ngoại hình cân đối, không có dị tật, đồng thời có nghệ thuật diễn cảm tốt. Lênin nói: “Tài nghệ của người tuyên truyền và một người cổ động là ở chỗ ảnh hưởng một cách tốt nhất đến một chính giả nhất định, làm cho chân lý nào đó đối với họ trở nên có sức thuyết phục mạnh nhất, dễ hiểu nhất, để lại ấn tượng rõ ràng, sâu sắc nhất.”(1)

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo nhất thiết phải được đào tạo bài bản về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về nghiệp vụ công tác tuyên giáo. Thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; được cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin trong và ngoài nước; được bồi dưỡng những kiến thức, kĩ năng cần thiết về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tuyên giáo. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải thực sự chuyên nghiệp trong việc nắm bắt, xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội, nắm chức và vận dụng tốt các phương pháp công tác tư tưởng, có kĩ năng tuyên truyền miệng, khả năng hùng biện tốt, sử dụng thành thạo các phương tiện công tác tư tưởng…

Bên cạnh việc đào tạo tại các nhà trường, đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách phải thường xuyên tự học tập, rèn luyên, tu dưỡng, có tinh thần cầu thị, ý chí phấn đấu để nâng cao kiến thức mọi mặt nhất là kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, hình thành các kĩ năng, phong cách của người cán bộ tuyên giáo. Đồng thời phải hình thành các phẩm chất, phong cách cần thiết của cán bộ tuyên giáo, và phải thực sự yêu nghề, say mê, nhiệt tình với nghề của mình.

Thứ ba, các cấp, các ngành cần tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tuyên giáo thường xuyên đi thực tế, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận cơ sở, sâu sát với cuộc sống nhân dân; qua đó nắm bắt tâm trạng, tư tưởng nhân dân; phát hiện kịp thời và tham mưu cho các cấp uỷ Đảng giải quyết tốt những vấn đề tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Thứ tư, hàng năm cần tổ chức tốt hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi các cấp, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ để cán bộ tuyên giáo các cấp nâng cao tay nghề. Đồng thời qua đó mà kiểm tra, sàng lọc đội ngũ cán bộ tuyên giáo, đồng thời phát hiện những cán bộ có tố chất làm công tác này để có hướng đào tạo, sử dụng nguồn lực này.

Thứ năm, xây dựng, phát triển các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo cho cán bộ tuyên giáo các cấp. Hiện nay cả nước mới có Khoa Tuyên truyền thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi duy nhất đào tạo cán bộ tuyên giáo một cách bài bản. Vì thế trước mắt cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa các loại hình và đối tượng đào tạo; đặc biệt cần có cơ chế để cho tất cả các học viên sau khi tốt nghiệp được về công tác ở Ban Tuyên giáo các cấp theo đúng chuyên ngành được đào tạo, không thể để lãng phí nguồn lực quý giá này. Đồng thời, Ban Tuyên giáo các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức, các trường chính trị mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, đồng thời tạo nguồn quy hoạch đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách.

Công tác tuyên giáo là một nghề đặc thù, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật do vậy điều quan trọng, cấp thiết hiện nay là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, kiến thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phong cách phù hợp, thực sự chuyên nghiệp đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên giáo trong thời kỳ mới./.

PHẠM VĂN PHONG
Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị -Trường Đại học Chính trị

_________________________________

(1) V.I. Lênin, toàn tập, tập 21, Nxb. Tiến bộ, M.1980, tr.28.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất