Có thể nói chưa bao giờ công tác lý luận lại cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt như hiện nay. Đó là vì thực tiễn cách mạng, sự phát triển xã hội nước ta cũng như các quá trình thế giới đang đặt ra cho lý luận hàng loạt vấn đề phức tạp, bức xúc và gay cấn.
Năm, mười năm tới đây sẽ là thời kỳ có ý nghĩa bước ngoặt trên con đường tiến lên của đất nước. Bên cạnh những thuận lợi, Đảng ta, nhân dân ta sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Để làm tròn sứ mệnh lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình ngang tầm với những đòi hỏi mới, Đảng cần tự đổi mới và tự chỉnh đốn, trước hết phải nâng cao trí tuệ, tính tiền phong về lý luận, bởi “chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”(1).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: vấn đề quan trọng trước hết là phải tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao trí tuệ của Đảng lên một bước phát triển mới. Hơn lúc nào hết, muốn lãnh đạo công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi, Đảng ta phải nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực tổ chức thực tiễn, từ việc phát hiện và nắm vững quy luật vận động của đời sống xã hội ta, của bản thân Đảng, cho đến hiểu biết về thế giới, về thời đại.
Đảng làm giàu trí tuệ của mình bằng cách không ngừng nâng cao trình độ lý luận, nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn sinh động. Phát triển công tác lý luận của Đảng bằng cách tổng kết thực tiễn, tổng kết những cái mới đang hằng ngày, hằng giờ nảy sinh trong đời sống đất nước và trên thế giới, tiếp thụ những thành quả trí tuệ của loài người, đó là phương hướng cơ bản để làm giàu trí tuệ của Đảng, để hoàn chỉnh và phát triển đường lối của Đảng.
I - THÀNH TỰU VÀ TỒN TẠI
Từ cuối những năm bảy mươi đầu những năm tám mươi (thế kỷ XX), đặc biệt từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng đến nay, đã có những tiến bộ rất đáng kể trên lĩnh vực công tác lý luận. Đó là những bước tiến theo hướng đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, khắc phục chủ nghĩa giáo điều, bệnh chủ quan duy ý chí, gắn bó lý luận với thực tiễn đất nước, đặc điểm dân tộc và với những đặc điểm của thế giới trong giai đoạn hiện nay.
Chuyển động đầu tiên trong đổi mới tư duy lý luận được đánh dấu bằng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (năm 1979), một nghị quyết được mọi người nhớ rõ và thường nhắc đến với cái tên nôm na mà đúng thực chất: “Nghị quyết làm cho sản xuất bung ra”. Nghị quyết Đại hội V của Đảng (tháng 3-1982) ghi thêm một bước tiến mới về tư duy lý luận, nhất là trên vấn đề cơ cấu kinh tế, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Với Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) thì bước ngoặt căn bản đã được thực hiện. Đại hội VI đi vào lịch sử là “Đại hội đổi mới” - đổi mới toàn diện đời sống và hoạt động xã hội với bước đi thích hợp, lấy đổi mới tư duy lý luận làm tiền đề, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế.
Đi nhanh vào cuộc sống, tư duy mới của Đại hội VI chẳng những được thực tiễn chứng minh hoàn toàn đúng, mà còn được cụ thể hoá, phát triển, làm sâu sắc và nâng cao thêm bằng những kinh nghiệm mới, trên cơ sở đó hình thành những đường nét lớn xác định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và điều này được phản ánh tập trung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000 được thông qua tại Đại hội VII của Đảng. Đương nhiên-Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VII chỉ rõ- những gì mà nhận thức của chúng ta đạt tới hôm nay sẽ còn được bổ sung, phát triển cùng với sự phát triển sau này của thực tiễn và của tư duy lý luận. Tuy vậy, không nghi ngờ gì nữa, những nhận thức đã đạt tới cho đến Đại hội VII đánh dấu một nấc thang quan trọng trên chặng đường dài tìm tòi, thể nghiệm và sáng tạo lý luận của Đảng ta. Trong nỗ lực trí tuệ chung của toàn Đảng, có phần đóng góp xứng đáng của đội ngũ cán bộ lý luận và khoa học xã hội.
Được cổ vũ và chỉ đạo bởi tư duy mới của Đại hội VI, nhiều cán bộ lý luận và khoa học xã hội hăng hái thâm nhập cuộc sống, đi vào những vấn đề nhận thức và thực tiễn gai góc, tham gia tích cực quá trình đổi mới tư duy, luận chứng khoa học cho đường lối đổi mới, kết hợp ngày càng chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo thực tiễn trong việc chuẩn bị và đề ra các chính sách. Đời sống tư tưởng-lý luận ở nước ta từ đó rõ ràng có bước khởi sắc. Các luận văn khoa học, các bài báo, các công trình nghiên cứu lý luận xuất hiện ngày càng nhiều. Các hội thảo khoa học được mở ra liên tục. Đã bước đầu có được bầu không khí dân chủ, tự do tìm tòi, sáng tạo, thảo luận, tranh luận trong khoa học. Trên các diễn đàn và ấn phẩm khoa học xuất hiện nhiều ý kiến phong phú, đa dạng, thể hiện những cố gắng tìm tòi, đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận các vấn đề lý luận và thực tiễn, khắc phục và loại bỏ dần chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh viện, bệnh hời hợt và lối suy nghĩ giản đơn, một chiều.
Tuy nhiên, tất cả những tiến bộ trên mới chỉ là bước đầu, còn hết sức khiêm tốn. Hiện trạng lý luận còn bề bộn, ngổn ngang. Rõ ràng, số câu hỏi đặt ra đang nhiều hơn câu trả lời. Những gì đạt được còn rất ít so với những gì cần phải đạt. Lý luận chưa ra khỏi tình trạng lạc hậu, chậm trễ so với thực tiễn.
Điều dễ thấy là số lượng tạp chí lý luận, số công trình nghiên cứu của cá nhân và các tập thể khoa học không ít lắm, song rất ít công trình có trọng lượng khoa học lớn, gây được tiếng vang. Rất ít công trình dài hơi, nghiên cứu mỗi vấn đề thật đến nơi đến chốn. Những công trình ta tự viết xem ra ít hơn nhiều so với tác phẩm dịch. Điều đó nói lên trình độ khoa học của chúng ta còn hạn chế, các nhà khoa học có tầm cỡ rất ít, tiềm lực lý luận của chúng ta nói chung còn mỏng. Mỏng đến nỗi có vấn đề khi người này nói thì người khác hầu như không thể nói gì hơn; có trường hợp cần đấu tranh, phê phán thì chỉ được mấy bài là “hết vốn”. Trên nhiều vấn đề, sự phê phán cái cũ đã quá đủ song những đề xuất và kiến giải mới lại quá ít. Có tình hình trước đây anh em thường trách Đảng không sử dụng đội ngũ cán bộ lý luận vào quá trình chuẩn bị các chính sách; nhưng gần đây lời phê bình đó không còn mấy, bởi lẽ mấy năm nay đơn đặt hàng xã hội được Đảng và các cơ quan thực tiễn gửi rất nhiều đến các cơ quan khoa học và các nhà khoa học, song rất tiếc, sự đáp ứng của chúng ta xem ra khá chật vật. Đó là một bằng chứng về sự bất cập của đội ngũ lý luận, không thể nói khác.
Về tổng kết thực tiễn, chúng ta mới làm được quá ít. Chưa có sự quan tâm đúng mức từ phía các cấp uỷ đảng và lãnh đạo các ngành thực tiễn cũng như từ phía các cơ quan lý luận. Những việc có làm thì trình độ phân tích, tổng hợp và khái quát chưa cao, chưa đạt mức có thể từ tổng kết đưa ra được những dự báo cần thiết về các quá trình phát triển và đề xuất các giải pháp xác đáng.
Về đấu tranh trên mặt trận tư tưởng-lý luận, nhiều cơ quan khoa học và tập thể khoa học chưa đặt đúng tầm quan trọng của vấn đề, còn ngại đấu tranh, dung hoà, tránh né. Cũng đã tiến hành được vài đợt đấu tranh rất đáng hoan nghênh, song ở một số bài cần nâng cao hơn chất lượng và tính thuyết phục. Điều quan trọng nữa là cần tiến hành đấu tranh thường xuyên và với sự tham gia đông đảo hơn của đội ngũ cán bộ lý luận. Ở đây rất cần không chỉ trí tuệ mà cả dũng khí và niềm tin sắt đá.
Đánh giá thực trạng công tác lý luận không thể không đề cập đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ lý luận của ta nói chung có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Mấy năm nay, đội ngũ này được bổ sung khá nhiều bằng những lực lượng trẻ, được đào tạo khá hệ thống. Tuy nhiên, tình trạng vẫn là đông nhưng không mạnh. Đó là do trong đào tạo có nhiều nhược điểm, từ khâu tuyển sinh đến nội dung chương trình, chất lượng giảng dạy; do những khuyết điểm trong các chính sách, chế độ sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ, tạo những điều kiện cần thiết cho nghiên cứu khoa học, cho sự phát triển tài năng. Sự thiếu hoài bão lớn, thiếu say sưa và thiếu nỗ lực trí tuệ ở một số không ít cán bộ lý luận cũng là một nguyên nhân quan trọng. Hệ thống tổ chức nghiên cứu và quản lý công tác nghiên cứu vừa phân tán, vừa trùng lặp, thiếu sự phân công và phối hợp; chưa chú ý xây dựng các ngành khoa học trọng điểm và đội ngũ cán bộ đầu đàn; thiếu sự chỉ đạo tập trung thống nhất. Kinh phí đầu tư cho khoa học xã hội và nghiên cứu lý luận quá ít.
II - NHIỆM VỤ VÀ NHỮNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHỦ YẾU
Nhiệm vụ công tác lý luận là phục vụ việc tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng luận cứ khoa học về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ; tăng cường trận địa tư tưởng xã hội chủ nghĩa, củng cố niềm tin vào lý tưởng, phê phán những quan điểm lệch lạc, đấu tranh chống những trào lưu tư tưởng-lý luận sai trái và thù địch, góp phần bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, bảo vệ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội; phát triển đội ngũ cán bộ lý luận với phẩm chất chính trị và trình độ khoa học cao, đủ sức đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, đồng thời chuẩn bị tiềm lực lý luận cho bước phát triển sau này của đất nước.
Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay, cần đặc biệt nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, đi sâu tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận một cách sáng tạo, trước hết là tổng kết có lý luận những kinh nghiệm cơ bản trong công cuộc đổi mới nhằm làm sáng tỏ hơn nữa căn cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng mô hình về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới ánh sáng Cương lĩnh mới (bổ sung và phát triển) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Đại hội Đảng XI.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào những hướng nghiên cứu chủ yếu sau đây:
- Khẳng định và làm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, làm rõ những vấn đề cần nhận thức lại, những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và phát triển trên cơ sở tổng kết và khái quát những kinh nghiệm thực tiễn mới và những thành tựu của khoa học hiện đại. Nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời chú trọng nghiên cứu những tinh hoa trí tuệ của dân tộc. Đối với những học thuyết khác về xã hội (ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin) cần được nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng, có phê phán. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều cũng như chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc.
- Nghiên cứu những kinh nghiệm lịch sử hơn 70 năm của chủ nghĩa xã hội hiện thực, những bài học rút ra từ những cuộc cải tổ và sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Chú trọng nghiên cứu những vấn đề về thời đại, về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về toàn cầu hóa và những biến đổi trong các quan hệ quốc tế, về trật tự thế giới mới, dự báo xu hướng phát triển của phong trào cánh tả, cộng sản, công nhân thế giới và khu vực trong những thập kỷ tới.
- Tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống những luận cứ khoa học của sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Phát hiện những xu hướng, tính quy luật, các mâu thuẫn và động lực, hình thức và bước đi của con đường phát triển ấy. Làm rõ bản chất và những đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trên những cơ sở đó, công tác lý luận góp phần làm sáng tỏ nền tảng và cơ sở khoa học của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 do Đại hội Đảng XI đề ra.
- Trong các chương trình nghiên cứu phải đặc biệt quan tâm những vấn đề về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về cơ cấu kinh tế đa sở hữu và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; về kinh tế tập thể; về vai trò kinh tế tư nhân và định hướng xã hội chủ nghĩa trong khu vực này, v.v..; về cơ chế quản lý kết hợp kế hoạch và thị trường; những vấn đề về chống lạm phát, về tài chính, tiền tệ, tín dụng, giá cả; về chế độ sở hữu và chế độ phân phối trong thời kỳ quá độ; về quan hệ giữa sở hữu với sử dụng tư liệu sản xuất và tổ chức quản lý sản xuất; về mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; về cơ cấu xã hội và chính sách xã hội; về giai cấp và đấu tranh giữa “hai con đường” trong thời kỳ quá độ.
- Nghiên cứu làm rõ những quan điểm về đổi mới hệ thống chính trị; cụ thể hoá các hình thức quan hệ đúng đắn giữa Đảng, Nhà nước với các đoàn thể nhân dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó trung tâm là vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo Nhà nước, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, xây dựng nền pháp chế và sự quản lý xã hội bằng pháp luật.
- Nghiên cứu mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát huy bản sắc văn hoá dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới, những vấn đề về phát huy nhân tố con người, về đạo đức, lối sống, tư tưởng, nghệ thuật, tôn giáo, dân tộc... trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần và mở rộng giao lưu quốc tế. Xây dựng cơ sở lý luận cho việc hình thành nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam trong thời đại mới.
- Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội ta, nâng cao giác ngộ lý tưởng và niềm tin cho đảng viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân.
- Tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận theo yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và không ngừng đổi mới. Khắc phục chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, bảo thủ, đồng thời chống chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc và chủ nghĩa xét lại.
- Nghiên cứu lý luận phục vụ công tác quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường ổn định chính trị, đánh thắng âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động.
III - PHƯƠNG CHÂM LỚN CHỈ ĐẠO HOẠT ĐỘNG LÝ LUẬN
Có ba phương châm lớn chỉ đạo hoạt động lý luận. Ở đây cố gắng làm rõ mấy nội dung chủ yếu nhất:
1. Quán triệt bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện cho được sự thống nhất giữa tính khoa học với tính đảng, giữa khoa học với chính trị trong hoạt động lý luận
Một thời gian dài chúng ta dường như đồng nhất chính trị với lý luận. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, sự đồng nhất này cố nhiên cũng không đúng, nhưng dù sao lúc ấy có lý do khách quan nhất định cho sự đồng nhất trên mức độ nào đó mà không gây tổn hại cho cả lý luận, cả chính trị. Vấn đề ở chỗ: đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc khi cách mạng chưa có chính quyền, tự nó có thể dựa trực tiếp vào những nguyên tắc lý luận cách mạng; ngược lại, từ những nguyên tắc lý luận cách mạng có thể trực tiếp giải quyết những vấn đề chính trị thực tiễn. Chẳng hạn, lý luận về tình thế cách mạng, về bạo lực cách mạng, về khởi nghĩa giành chính quyền, v.v. được trực tiếp rút ra từ thực tiễn chính trị và có thể được ứng dụng trực tiếp vào chính trị thực tiễn. Ta biết rằng, tuyệt đại bộ phận các văn phẩm của Lênin khó mà nói đó là văn kiện chính trị hay là tác phẩm lý luận. Đương nhiên, những cuốn như Bút ký triết học, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, v.v. thì khỏi tranh cãi và tính lý luận của những tác phẩm ấy đã quá hiển nhiên.
Sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, giữa lý luận khoa học với chính trị xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn có mối liên hệ bản chất, nhưng không phải bao giờ và trên bất cứ vấn đề gì cũng trực tiếp và dễ thấy như trước. Trong đấu tranh cách mạng khi chưa có chính quyền, cố nhiên sự vật và các quá trình cũng không hề đơn giản, nhưng dù sao chung quy lại vẫn chỉ là sự đối đầu giữa hai dòng lý luận cách mạng và phản cách mạng. Còn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cực kỳ phức tạp, diễn ra trên mọi lĩnh vực đời sống và hoạt động xã hội. Đối tượng nhận thức và tác động ở đây là những hệ cấu trúc, những quá trình cực kỳ đa dạng và phức tạp, nhiều tầng nấc, là những quan hệ chằng chịt, muôn hình, muôn vẻ... Do đó, ở đây đòi hỏi phải tính đến không biết bao nhiêu nhân tố có liên hệ; không biết bao nhiêu vòng khâu và cấp độ khác nhau của quá trình phân tích, tổng hợp mới đem lại được căn cứ khoa học cho một quyết định chính trị. Trong những điều kiện như vậy mà đồng nhất chính trị với lý luận khoa học thì thật tai hại-tai hại cho cả khoa học, cả chính trị.
Thế mà thói quen thời cách mạng dân tộc dân chủ còn trì kéo chúng ta một thời gian sau năm 1975. Hậu quả như thế nào thì mọi người đã rõ. Nhưng, thật là không đúng nếu từ cực nọ lại nhảy qua cực kia. Do đó, vấn đề đáng được bàn bạc cặn kẽ để đi tới nắm vững phương châm “kết hợp thống nhất tính khoa học với tính đảng, giữa khoa học với chính trị”.
Trước hết, cần nhất trí rằng cái lý luận, công tác lý luận mà chúng ta đang bàn ở đây, là lý luận cách mạng, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Lý luận ấy là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà chủ nghĩa Mác-Lênin thì mang đặc tính bản chất bên trong là sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng.
Lênin viết: “Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít. Thật thế, nhiệm vụ của lý luận, mục đích của khoa học được nêu thẳng ra ở đây giúp đỡ giai cấp những người bị áp bức trong cuộc đấu tranh kinh tế đang thực sự diễn ra”(2).
Như vậy, trong lý luận cách mạng mácxít không có sự đối lập giữa khoa học với chính trị, giữa khoa học với tính đảng; không có và tuyệt đối không có sự hy sinh cái này cho cái kia, trái lại có sự đòi hỏi lẫn nhau, làm tiền đề tồn tại cho nhau, thống nhất nội tại, khăng khít giữa hai cái tạo thành đặc tính bản chất vừa cách mạng vừa khoa học của lý luận. Ở đây, khoa học càng được tiến hành một cách dũng cảm, vô tư và khách quan thì nó càng phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của giai cấp công nhân. Vì vậy, sẽ là chính trị sai lầm, đi ngược lại lợi ích và nguyện vọng của giai cấp công nhân khi chính trị bất chấp khoa học. Mặt khác, ở đây, cái quan điểm đòi “giải phóng khoa học khỏi chính trị” hoàn toàn không có cơ sở. Đơn giản là vì khoa học này là khoa học đấu tranh cách mạng. Lý luận này làm sao tách rời chính trị được?
Cho nên, là người mácxít nếu đòi hỏi “phi chính trị hoá khoa học mácxít” thì khác nào họ tự phủ định mình khỏi tư cách người mácxít. Thực tiễn cách mạng và quá trình hoạt động lý luận đều chứng minh rằng khi lý luận tách rời chính trị, nó sẽ không còn là khoa học chân chính.
Đảng cần đến lý luận khoa học làm cơ sở cho đường lối chính trị, cũng như lý luận chỉ thực sự khoa học với định hướng chính trị đúng đắn của Đảng. Cả hai đòi hỏi đó đều có tầm quan trọng như nhau, đặc biệt trong giai đoạn phức tạp hiện nay. Và hai đòi hỏi đó là thống nhất-nó là biểu hiện quan trọng nhất của sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn.
2. Gắn chặt lý luận với thực tiễn, giữa yêu cầu trước mắt với nhiệm vụ lâu dài, giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng
Hiện nay, một tình hình làm day dứt mọi người là giữa lý luận với thực tiễn còn khoảng cách. Khoảng cách này trước Đại hội VI của Đảng còn lớn hơn. Lúc đó, rõ ràng lý luận một đường mà cuộc sống đi một nẻo. Cuộc sống thực tế “ngoan cố và bướng bỉnh” cho đến cuối những năm 1970 đã công khai cất lên tiếng nói của mình. Đã đến lúc nó không chịu được nữa những khuôn mẫu lý luận được áp đặt một cách duy ý chí. Cuộc sống “ập vào” phòng họp Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (1979), đặt thẳng lên bàn chương trình nghị sự vấn đề số một là “những vấn đề kinh tế-xã hội cấp bách”. Sự kiện này là một bài học thấm thía về sự cần thiết phải thống nhất lý luận với thực tiễn.
Sau đó, Khoán 100 mà ý nghĩa giải phóng lớn lao của nó được giới khoa học lập tức nắm bắt và soi rọi bằng ánh sáng lý luận với một niềm hứng khởi chưa từng thấy. Đặc biệt, chúng ta hãy nhớ lại bầu không khí xã hội-chính trị nặng nề trước Đại hội VI và ngay cả khi dự thảo lần đầu các văn kiện đưa xuống Đại hội vòng I các cấp, song chưa làm ai thoả mãn. Nhưng sau đó, chỉ với “ba quan điểm lớn về kinh tế” đánh dấu bước ngoặt đổi mới tư duy, đã đủ làm thay đổi hẳn bầu không khí, mọi người phấn chấn hẳn lên, một luồng sinh khí mới tràn ngập từ trong Đảng đến ngoài nhân dân, từ dưới lên trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc và sau Đại hội. Niềm tin bước đầu được lấy lại. Tuy vậy, niềm tin chưa phải đã vững chắc mà còn ngập ngừng, khi lên khi xuống; đến Đại hội VII được củng cố thêm, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định lý tưởng và con đường xã hội chủ nghĩa đã thật sự chinh phục hoàn toàn khối óc và trái tim mọi tầng lớp xã hội. Một trong những nguyên nhân gốc rễ chính là giữa lý luận với thực tiễn vẫn còn khoảng cách, tuy khoảng cách này đã được thu hẹp rất nhiều so với trước Đại hội VI, trước Đổi mới.
Có thể nói, toàn bộ nhiệm vụ đang đặt ra trước chúng ta hiện nay chung quy lại là phấn đấu san bằng hay thu hẹp tối đa khoảng cách đó. Điều này đòi hỏi lý luận phải gắn chặt hơn nữa với thực tiễn, còn thực tiễn phải được soi sáng và định hướng đúng đắn bằng lý luận khoa học; phải khắc phục chủ nghĩa bảo thủ, giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm.
Trong công tác lý luận cần từ bỏ lối nghiên cứu một cách kinh viện, thuần tuý tư biện, chỉ biết giải thích khái niệm bằng khái niệm, chứng minh lý luận bằng lý luận, tức là hoàn toàn quanh quẩn trong vương quốc trừu tượng thuần tuý, như thế thì không sao đạt tới chân lý. Cần chống lối tư duy bắt chước, sao chép, rập khuôn, thoát ly thực tế, bất chấp những đặc điểm, truyền thống và điều kiện lịch sử-cụ thể của đất nước, của dân tộc. Không phải không có cơ sở khi gần đây có nhiều tiếng nói phê phán “chủ nghĩa giáo điều mới” là một khuynh hướng nhân danh đổi mới, chống bảo thủ, chống giáo điều, nhưng về thực chất nó không đưa ra được điều gì mới mà chẳng qua chỉ lặp lại nguyên xi hay gần như nguyên xi những gì có sẵn trong kho lý thuyết, thậm chí cả về ngôn từ của phương Tây hoặc của nước này, nước khác du nhập từ bên ngoài. Chống chủ nghĩa xét lại lúc này rất cần thiết, nếu không hơn thì không kém cần thiết so với chống chủ nghĩa giáo điều cả cũ lẫn mới.
Rất sai, nếu hiểu đơn giản giáo điều là do đọc quá nhiều sách. Thật ra bệnh giáo điều có nguồn gốc không chỉ ở chỗ thoát ly thực tế, thực tiễn, mà còn do đọc quá ít, do đọc không đến nơi đến chốn (trước hết là sách kinh điển Mác-Lênin), hoặc tuy có đọc, thậm chí đọc không ít, nhưng không thoát sách, nghĩa là kiến thức không được tiêu hoá nhuần nhuyễn, không gắn chặt với thực tế và phát triển với cuộc sống.
Tổng kết thực tiễn là phương pháp căn bản trong hoạt động lý luận, là một phương pháp căn bản để khắc phục chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ và cả chủ nghĩa kinh nghiệm, để thực hiện sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Lý luận, xét cho cùng, là từ thực tiễn mà đúc kết, khái quát lên. Không có thực tiễn và kinh nghiệm thực tiễn thì không có lý luận.
Quá trình đổi mới ở nước ta có đặc điểm là vừa làm, vừa tìm tòi, sáng tạo lý luận. Tất nhiên, khi bước vào sự nghiệp này, Đảng ta đã có những định hướng lớn. Từ những định hướng đó, phải bắt tay ngay vào giải quyết những vấn đề đã chín muồi, không thể chờ chuẩn bị xong xuôi về lý luận. Thật ra, đòi hỏi chuẩn bị đầy đủ trước về lý luận là không thực tế, bởi có những điều, phải vào làm rồi mới biết, thậm chí có vấn đề phải trải qua vấp váp nhiều lần rồi mới đủ kinh nghiệm để đúc kết, khái quát về lý luận. Sẽ phải trả giá cho sự vội vã khái quát lý luận, vội vã đề ra phạm trù này, quy luật kia khi chưa có đủ căn cứ thực tiễn. Thật ra, nhiều vấn đề chính thực tiễn lại cung cấp câu trả lời cho ta trước cả lý luận. Khoán trong nông nghiệp là như thế. Vấn đề cơ chế một giá hay hai giá, một thị trường hay hai thị trường, vấn đề nhà nước nắm hay không nắm độc quyền lương thực... đã mất bao năm tranh luận triền miên, bất phân thắng bại, song cuối cùng chính thực tiễn nửa cuối những năm tám mươi thế kỷ trước cung cấp câu trả lời dứt điểm.
Nhận thức như trên không làm giảm nhẹ vai trò và trách nhiệm của công tác lý luận, không phải để rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm. Vấn đề là không thể lấy tư biện thuần tuý thay cho kinh nghiệm thực tiễn. Vấn đề là phải hết sức coi trọng tổng kết thực tiễn-một phương pháp căn bản trong công tác lý luận.
Tổng kết thực tiễn là hết sức quan trọng đối với người chuyên làm lý luận. Càng quan trọng và phải trở thành thói quen hằng ngày đối với cán bộ lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn. Thực tiễn mà không có lý luận cũng chẳng hơn gì lý luận không có thực tiễn. Ph.Ăngghen nói: Không chỉ lý luận phải hướng về thực tiễn mà thực tiễn phải vươn tới lý luận. Chủ nghĩa kinh nghiệm không ít tai hại hơn chủ nghĩa giáo điều. Hơn nữa, có bệnh giáo điều-và rất dễ phạm-ở người kinh nghiệm chủ nghĩa, bởi nếu chỉ có tri thức kinh nghiệm hạn hẹp thì rất dễ mắc bệnh bắt chước, rập khuôn người khác. Đó chính là ranh giới tương đối, là chỗ chuyển hoá lẫn nhau giữa chủ nghĩa kinh nghiệm với chủ nghĩa giáo điều.
Đảng ta đang ở thời điểm mà việc tổng kết thực tiễn 25 năm đổi mới vẫn là vô cùng cần thiết. Tổng kết thực tiễn để phát triển, cụ thể hoá và hoàn chỉnh đường lối, chính sách; để tìm câu trả lời cho những vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa sáng tỏ; để phát huy, nhân rộng những cái đúng, phát hiện, uốn nắn, sửa chữa những cái sai; để nâng cao trình độ lý luận và năng lực lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đầy khó khăn phức tạp, khi mà chủ nghĩa xã hội thế giới đang bị khủng hoảng nghiêm trọng cả về lý luận lẫn trong hiện thực. Thành công của sự nghiệp đổi mới, trên mức độ lớn, phụ thuộc vào khả năng và kết quả việc tổng kết thực tiễn, nâng lên trình độ lý luận. Đó phải là một cuộc tổng kết công phu, sâu sắc với sự kết hợp chặt chẽ giữa giới lý luận, các cơ quan khoa học và các cấp uỷ, các ngành thực tiễn. Việc tổng kết cần được tiến hành không chỉ trên những vấn đề chung về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mà cả trên từng lĩnh vực hoạt động cơ bản: kinh tế và xã hội, văn hoá và tư tưởng, hệ thống chính trị và dân chủ hoá đời sống xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, mặt trận đoàn kết dân tộc và các đoàn thể nhân dân, v.v.. Đó phải là một cuộc tổng kết có quy mô lớn, bao gồm việc phân tích những kinh nghiệm cải tổ, cải cách ở các nước, thậm chí cả những bài học hơn 70 năm của chủ nghĩa xã hội thế giới. Những kinh nghiệm và bài học này không thể không được tính đến khi suy ngẫm, phân tích và tổng kết những kinh nghiệm đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của bản thân nước ta.
Nhấn mạnh tổng kết thực tiễn không có nghĩa xem nhẹ nghiên cứu cơ bản, lý luận cơ bản. Càng tiếp cận với những vấn đề cụ thể càng phải có những quan điểm chung, cơ bản vững chắc. Lênin từng chỉ ra rằng, không thể giải quyết vấn đề riêng nếu trước đó không sáng tỏ những vấn đề chung. Tổng kết thực tiễn cụ thể đòi hỏi phải có quan điểm nhìn nhận, phương pháp đánh giá, định hướng giải quyết các vấn đề; nghĩa là không thể thiếu vai trò của lý luận, của phương pháp luận chung.
Không thể trực tiếp đi ngay vào giải quyết và giải quyết đúng đắn các vấn đề thực tiễn nếu thiếu những hiểu biết cơ bản. Đến lượt mình, những kết quả nghiên cứu các vấn đề cụ thể, trước mắt, là nguồn chất liệu không thể thiếu để từ đó đi tới những tri thức cơ bản và chung. Công tác lý luận chưa đáp ứng các nhu cầu thực tiễn nói lên sự yếu kém của chúng ta trên cả hai hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Trình độ khoa học cơ bản hạn hẹp không những trở ngại lớn cho nghiên cứu ứng dụng, cho việc nghiên cứu đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trước mắt, mà còn thiếu đi cái bàn đạp vững chắc để có thể vươn cao, đi xa trên con đường khoa học. Song, sẽ phạm sai lầm lớn, thoát ly thực tiễn, nếu coi nhẹ nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy, cần nhấn mạnh phương châm gắn chặt lý luận với thực tiễn, kết hợp giữa yêu cầu trước mắt với nhiệm vụ lâu dài, giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng...
(Còn tiếp)
GS. Nguyễn Đức Bình
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1971, t.6, tr.32.
(2) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.421.