Dự án “Truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2011-2015" đầu tư cho 05 đơn vị thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, 40 đài địa phương và 01 đơn vị bộ đội biên phòng và được chia thành 3 dự án thành phần là dự án đào tạo nghiệp vụ, dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất và sản xuất chương trình truyền hình dân tộc với tổng mức đầu tư là 786 tỷ 532 triệu đồng.
Chiều 14/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan để nghe báo cáo việc thực hiện “Dự án truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2011-2015 - VTV5”.
Ông Lâm Kiết Tường, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, “ Dự án truyền hình dân tộc giai đoạn 2011-2015” là một dự án có ý nghĩa rất lớn về chính trị, kinh tế - xã hội.
Mục tiêu của Đài Truyền hình Việt Nam là xây dựng kênh VTV 5 trở thành kênh sóng quốc gia. VTV5 là kênh có tính tổng hợp thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng được yêu cầu thụ hưởng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dự án “Truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2011-2015" đầu tư cho 05 đơn vị thuộc VTV, 40 đài địa phương và 01 đơn vị bộ đội biên phòng và được chia thành 3 dự án thành phần là dự án đào tạo nghiệp vụ, dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất và sản xuất chương trình truyền hình dân tộc với tổng mức đầu tư là 786 tỷ 532 triệu đồng.
Nhấn mạnh tính cần thiết của dự án, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định chủ trương của Chính phủ là luôn hỗ trợ tối đa nhu cầu thông tin, giải trí của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, nhiệm vụ của Đài Truyền hình Việt Nam về xây dựng và phát triển các kênh truyền hình bằng tiếng dân tộc là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.
Phó Thủ tướng nêu rõ yêu cầu đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, phóng viên bằng tiếng dân tộc ở 40 đài truyền hình địa phương. Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với 40 đài truyền hình địa phương để đào tạo phóng viên, biên tập viên tiếng dân tộc. Ngân sách thực hiện sẽ được giao trực tiếp về 40 địa phương để triển khai thực hiện dự án đào tạo.
Về dự án đầu tư trang thiết bị sản xuất chương trình, Phó Thủ tướng cho phép VTV đầu tư thiết bị để phục vụ “Dự án truyền hình tiếng dân tộc” tại 5 cơ sở của Đài Truyền hình Việt Nam. Không triển khai mua sắm thiết bị truyền hình phục vụ dự án này tại 40 đài truyền hình địa phương cho tới khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới phát thanh – truyền hình cả nước./.
(Theo: Chinhphu.vn)