Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 16/6/2013 15:4'(GMT+7)

Xây dựng đội ngũ công nhân, lao động Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đáp ứng sự nghiệp CNH - HĐH

 Nguồn tài nguyên than đã được thăm dò, khai thác ở một số mỏ khai thác hầm lò đã ở mức âm 150 mét. Do điều kiện đặc thù đó, công việc khai thác than hầm lò rất nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Việc đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác đòi hỏi ngày càng nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, muốn sản xuất nhiều than không chỉ quan tâm đến máy móc, phương tiện mà cần xây dựng, phát huy tiềm năng của đội ngũ công nhân lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. 

Công nhân lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hiện có hơn 138.000 người, đa số là những lao động trẻ khoẻ, từ vùng nông thôn các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Thái Nguyên… Phần lớn công nhân lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình, giữ vững và phát huy truyền thống “Thợ mỏ anh hùng”, làm việc cần cù, chịu đựng vất vả, gian khổ, gắn bó với nghề và được đào tạo nghề dưới nhiều hình thức. Nhiều công nhân mỏ có tay nghề cao được đào tạo nghề trong các trường công nhân kỹ thuật mỏ. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ mới thì trình độ của công nhân lao động cần tiếp tục được nâng cao, nhất là khả năng làm chủ công nghệ mới, lao động với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo vệ sinh, an toàn trong sản xuất.

Năm qua, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới nên sản lượng than xuất khẩu chững lại so với năm 2011, gần 9 triệu tấn than sạch còn tồn đọng ở các bến bãi, chưa xuất khẩu được. Điều này ảnh hưởng đến khai thác, chế biến than. Để cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, các công ty thuộc ngành than đều tính đến bài toán cắt giảm chi phí một cách căn cơ nhất, bằng mọi giá ổn định đời sống cho người lao động. Ngành than đang cố gắng “giữ chân” khoảng 50.000 thợ lò.

Do đặc điểm, tính chất và điều kiện lao động không thuận lợi, nhiều bệnh nghề nghiệp có nguy cơ tăng rõ rệt như bệnh bụi phổi silic, bụi phổi than, bệnh nấm da, nấm kẽ... Các bệnh thường gặp của công nhân hầm lò là bệnh xương khớp chiếm 12,6%, bệnh tiêu hoá 13,8%, bệnh thần kinh 26,3%, bệnh ngoài da 34,9%, bệnh hô hấp 32% và bệnh tai mũi họng là 69,5%. Nói chung, tỷ lệ bệnh mà công nhân khai thác than hầm lò mắc phải đều cao và có những công nhân cùng một lúc mắc 2 đến 3 bệnh. Với đặc điểm điều kiện và môi trường lao động như đã nêu trên, tác hại tới sức khoẻ người lao động là không tránh khỏi. Vì thế, không một người thợ lò nào có thể làm việc dưới hầm lò đến trên 50 tuổi.

Trong những năm gần đây, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhận thức rất rõ chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn đối với sự phát triển của Tập đoàn và đã có kế hoạch, giải pháp cụ thể, cả dài hạn và ngắn hạn, để nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu mới. Để quản lý tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, Tập đoàn đã thành lập bộ máy làm công tác an toàn chuyên trách thống nhất từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Trong đó, Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm chính về an toàn lao động, bộ phận giúp việc chủ lực là các thanh tra an toàn lao động, thanh tra mỏ. Ở mỗi chi nhánh cũng đều có sự phân công rõ ràng. Ngoài ra cũng có nhóm giám sát viên an toàn và giám sát hầm lò để thông báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ có thể xảy ra ở từng ca, từng giờ. Với mạng lưới kiểm tra, giám sát dày đặc như vậy đã hạn chế rất nhiều những vụ tai nạn lao động. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động các quy định pháp luật về an toàn, bảo hộ lao động chưa thường xuyên. Tại nhiều doanh nghiệp, công tác kiểm tra an toàn lao động vẫn còn nặng tính hình thức, hạn chế cả về trang thiết bị và trình độ của cán bộ kiểm tra, khâu xử lý vẫn còn thiếu kiên quyết. Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản và Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ký Nghị quyết liên tịch về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trong toàn ngành than, Công đoàn và chuyên môn đã phát động “Tháng an toàn lao động trong toàn Tập đoàn”. Đến nay, 100% các doanh nghiệp trong ngành than đã thành lập được Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN ở cơ sở; thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động và Phòng an toàn trực thuộc Giám đốc doanh nghiệp, toàn Tập đoàn hiện có hơn 6.700 an toàn vệ sinh viên. Quy trình khai thác than phải có thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và nội quy an toàn cho người lao động, đồng thời duy trì chế độ kiểm tra chéo giữa các phân xưởng và tăng cường kiểm tra đột xuất 3 ca, nhất là đối với nơi làm việc có nhiều nguy cơ cháy nổ và bệnh nghề nghiệp. 

Quan hệ lao động giữa công nhân lao động với người sử dụng lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh than, khoáng sản khá hài hoà, tiến bộ trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, anh em, bạn bè với đầy đủ ý nghĩa “đồng cam cộng khổ”, “chia ngọt sẻ bùi”, với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, tính cộng đồng nghề nghiệp, ý thức chính trị cao. Các cơ sở sản xuất than, kể cả những đơn vị đã cổ phần hoá, đều có tổ chức cơ sở Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh. Đặc biệt, sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của Công đoàn luôn được phát huy. Từ năm 2001 đến năm 2011, mỗi năm có từ 450 đến 500 công nhân kỹ thuật được kết nạp vào Đảng, 100% công nhân lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị từ 6 tháng trở lên đều tham gia hoạt động trong các công đoàn cơ sở.

Để tạo điều kiện cho người lao động làm việc lâu dài, nâng cao năng suất lao động và thu nhập, cải thiện đời sống, vấn đề hàng đầu đặt ra là nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp và khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của công nhân. Do vậy, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, đào tạo lại, đáp ứng các yêu cầu cấp bách về nguồn lao động có chất lượng cao. Tạo cho mọi người có việc làm thích hợp, có thu nhập thỏa đáng, tương xứng với sức lao động bỏ ra, cần quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ và các hoạt động giới thiệu việc làm. Trong đào tạo, tái đào tạo đội ngũ công nhân mỏ, phải chú trọng đồng bộ các lĩnh vực chuyên môn, tay nghề, kiến thức luật pháp, trình độ quản lý, khả năng ngoại ngữ, tính kỷ luật và tác phong làm việc khoa học.

Các cấp uỷ Đảng, Công đoàn cơ sở trong các Công ty than cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, làm cho công nhân mỏ hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Bộ luật Lao động ban hành năm 2012, có hiệu lực từ 1-5-2013. Xây dựng, củng cố tổ chức và phát huy vai trò của các đoàn thể, nhất là Công đoàn và Đoàn Thanh niên để tập hợp, thu hút công nhân lao động hoạt động, nâng cao ý thức chính trị cho công nhân, góp phần xây dựng lớp thanh niên công nhân mỏ có lý tưởng cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng, có văn hoá và lối sống nghĩa tình, có thể chất và tinh thần lành mạnh; giàu nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo trong lao động.

Kết hợp các hình thức biện pháp tuyên truyền chủ yếu của công đoàn cơ sở như tuyên truyền miệng, sử dụng các phương tiện thông tin hiện có ở cơ sở như tờ tin, bảng tin... với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm. Tổ chức toạ đàm, trao đổi trong tổ, phân xưởng đến doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại, giải thích, giải đáp giữa người sử dụng lao động với cán bộ công đoàn và đoàn viên, công nhân, lao động. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về những văn bản pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, các giải pháp công nghệ, kỹ thuật; các sự kiện lịch sử trọng đại...

Nâng cao số lượng, chất lượng và nội dung hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động của nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng; tiếp tục tổ chức thực hiện cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích” và tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tổ chức rộng rãi các hoạt động tôn vinh, các cuộc gặp mặt, trao đổi của các điển hình tập thể, cá nhân tiến tiến, biết vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Trong các khu mỏ, cần dành một tỷ lệ cân đối, thích hợp để xây dựng bệnh viện, trường học, công viên, chợ, khu vui chơi giải trí và cảnh quan thiên nhiên hài hoà với môi trường sống của con người. Cần coi mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, thoả mãn nhu cầu về văn hoá tinh thần là những mục tiêu đồng bộ không thể tách rời. Bảo đảm để công nhân có đủ một lượng thời gian cần thiết cho nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí và đáp ứng các lĩnh vực sinh hoạt cá nhân khác. Tạo điều kiện để  công nhân mỏ tham gia các hình thức sinh hoạt văn hoá, tinh thần chính là giải pháp tái tạo sức lao động hiệu quả và thiết thực. Việc chăm lo sức khoẻ cho người lao động, đặc biệt là lao động khai thác than hầm lò rất cần được sự quan tâm của lãnh đạo và công đoàn các mỏ.

Thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và “Chiến lược phát triển bền vững ngành Than Việt Nam”, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cần có nhiều biện pháp nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ công nhân lao động của mình, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu của Chính phủ giao trong “Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” của Chính phủ, ban hành ngày 9-1-2012./.

        TS. LÊ THANH HÀ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất