Thứ Năm, 19/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 20/8/2021 17:33'(GMT+7)

Xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc bén về chuyên môn, vững về bản lĩnh, tư tưởng, nhạy bén với thực tiễn

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: TA)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: TA)

Chiều ngày 20/8/2021, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương để nghe báo cáo về kết quả hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong thời gian qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Dự buổi làm việc còn có các đồng chí: Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng trong thời gian qua và phương hướng công tác trong thời gian tới. Đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, có thể khẳng định Hội đồng đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước một số vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; đề xuất, kiến nghị một số giải pháp góp phần giúp Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong đời sống văn học, nghệ thuật; tham gia góp phần tổng kết việc thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đề xuất nội dung, phương thức hoạt động phù hợp; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học toàn quốc, tọa đàm khoa học chuyên sâu, các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tổ chức ngày một tốt hơn công tác xét tặng thưởng, hỗ trợ thường niên đối với các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng; chủ động tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ban Bí thư cũng như đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương giao…

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ và phương hướng công tác của Hội đồng thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ và phương hướng công tác của Hội đồng thời gian qua.

Các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận đời sống văn học, nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay phải đối mặt không ít thách thức, khó khăn như sự chống phá của các thế lực thù địch với những thủ đoạn, hình thức hết sức tinh vi, gây ra dao động về tư tưởng, lập trường của một số văn nghệ sĩ; xu hướng giật gân, câu khách, thẩm mỹ lệch lạc; tình trạng “lượng nhiều, chất ít”, một thời gian dài chưa có tác phẩm đỉnh cao phản ánh sinh động, chân thực các thành quả cách mạng và sự đổi mới, phát triển không ngừng của đất nước, con người Việt Nam… Thực tiễn đó đòi hỏi cần có đội ngũ những nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc; cần vai trò kết nối, quy tụ đội ngũ văn nghệ sĩ trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng…

Các đại biểu tham dự buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Các đại biểu tham dự buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đặt trọng tâm thực hiện một số chương trình lớn để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các văn kiện quan trọng khác của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật nhằm hoàn thành tốt chức năng tư vấn chuyên sâu như: tham gia phối hợp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; góp phần tuyên truyền đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn kiện quan trọng khác; xây dựng, đề xuất và thực hiện Chương trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập (từ 1986 đến nay), và nhiều công việc khác…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, trân trọng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực cùng những kết quả mà Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã đạt được trong những năm qua. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những định hướng, chỉ đạo cụ thể đối với một số đề xuất, kiến nghị của Hội đồng; yêu cầu Hội đồng cần tập trung thực hiện tốt những nội dung phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà. 

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ rõ một số mặt hạn chế hiện nay của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật như: các thế lực thù địch tập trung chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học, nghệ thuật với những thủ đoạn, hình thức hết sức tinh vi gây ra dao động về tư tưởng, lập trường của một số văn nghệ sĩ; nhiều tác giả chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, thẩm mỹ lệch lạc; thiếu đầu tư về chất lượng nội dung và tư tưởng cho các tác phẩm dẫn tới tình trạng “lượng ít, chất ít” và một thời gian dài chưa có các tác phẩm đỉnh cao phản ánh một cách sinh động và chân thực các thành quả cách mạng và sự đổi mới, phát triển không ngừng của đất nước, con người Việt Nam… Thực tiễn đó đòi hỏi cần có đội ngũ những nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc; cần vai trò kết nối, quy tụ đội ngũ văn nghệ sỹ trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của ta còn khiêm tốn so với đòi hỏi của thực tiễn đời sống, thực tiễn sáng tác. Hoạt động lý luận còn chưa năng động; lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật ở còn trầm lắng, chưa bắt kịp được với sự phát triển nhanh của xã hội; còn ít các cây bút phê bình bản lĩnh và sắc bén, nhất là trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đánh giá trong những năm qua, Hội đồng đã làm ngày một tốt hơn công tác bồi dưỡng, tập huấn và xét tặng giải thưởng, hỗ trợ hằng năm nhằm phát hiện, biểu dương những làm công tác lý luận, phê bình; song việc khuyến khích, phát huy sức mạnh năng lực, sở trường, nhân rộng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; nhất là việc góp phần bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên sâu, tài năng còn hạn chế. Việc định hướng sáng tạo, định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ, định hướng tiếp nhận, định hướng dư luận… chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Việc thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tư vấn, định hướng hoạt động tiếp nhận lý luận, văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam còn hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong thời gian tiếp tục phát huy những kết quả được, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, tích cực phối hợp với Ban, bộ, ngành và các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Một là, lãnh đạo Hội đồng bàn bạc, suy nghĩ và tìm ra giải pháp cụ thể để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong quá trình hoạt động. Trong đó, chú trọng việc xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, tư tưởng, nhạy bén với thực tiễn; làm tốt công tác định hướng sáng tạo, định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ, định hướng tiếp nhận, định hướng dư luận.

Hai là, nhất trí với nội dung phương hướng, nhiệm vụ cụ thể mà Hội đồng đề ra, như: xây dựng, đề xuất và thực hiện Chương trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập (từ 1986 đến nay); tập trung thực hiện Chương trình xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam (giai đoạn 2) để hoàn thành nhiệm vụ đã nêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tư vấn và đề xuất với Đảng và Nhà nước để xây dựng Chương trình dịch thuật quốc gia nhằm chọn lọc, dịch và giới thiệu một cách có hệ thống, có kế hoạch các công trình lý thuyết văn học, nghệ thuật và mỹ học quan trọng của thế giới làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, mở mang kiến thức và tư duy lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, từng bước cập nhật trình độ lý luận của thế giới, thông qua đó góp phần định hướng nghiên cứu và tiếp nhận; tiến hành khảo sát, nghiên cứu, tư vấn để xây dựng Chương trình biên tập, xuất bản các công trình trọng điểm quốc gia về văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; thực hiện tốt các nhiệm vụ khác được Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương giao…

Ba là, bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng trong Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hoá, văn học, nghệ thuật để cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch hoạt động trong nhiệm kỳ và trong từng năm của Hội đồng, tiếp tục góp phần tổng kết và xây dựng nền lý luận văn nghệ của Việt Nam.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Vụ Văn hoá – Văn nghệ, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ban để thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật. Trước mắt là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới(năm 2023); tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước(năm 2024); sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (năm 2025); triển khai Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật nước nhà sau ngày đất nước thống nhất (1975-2025)…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng với truyền thống đoàn kết, chủ động, nỗ lực, tích cực, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ tiếp tục phát huy cao nhất những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

Tin, ảnh: Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất