Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 20/5/2011 13:28'(GMT+7)

Đại hội XI với vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài

Kiều bào về với mái nhà Đại Đoàn Kết.

Kiều bào về với mái nhà Đại Đoàn Kết.

Là một bộ phận trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, song do những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đã và đang có không ít người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới mà phần lớn trong số đó là các quốc gia tiên tiến có trình độ phát triển cao, văn minh hiện đại. Đây là điều kiện tốt để hình thành đội ngũ trí thức được đào tạo chính quy, hệ thống trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học nhân văn, khoa học kinh tế... đã được Đảng, Nhà nước huy động đóng góp cho đất nước ta trong cách mạng, kháng chiến và trong xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay.

Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh từ khi ra đời, từ khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân ở Đông Nam, Châu Á đã sớm nhận rõ, đánh giá cao vị trí, vai trò của những người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, đặc biệt là đội ngũ trí thức, đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao nói riêng.

Trong những năm đầu của chính quyền cách mạng bằng nhãn quan chính trị sâu sắc và sự động viên tinh thần tự tôn dân tộc, tin tưởng của Nhà nước Việt Nam với những người con đang sống xa Tổ quốc, Hồ Chí Minh đã thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức tài năng đang công tác tại Pháp về nước đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Vai trò của đội ngũ trí thức trong nước và ngoài nước được đánh giá cao thể hiện ở sự tham gia trong Quốc hội đầu tiên với hơn 60% tổng số đại biểu Quốc hội khoá I.

Trong suốt 30 năm chiến tranh chống thực dân và đế quốc, lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài đã đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp to lớn trên các mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh của các dân tộc chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài đã cùng với nhân dân trong nước phối hợp nhịp nhàng đấu tranh trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao. Lực lượng này là cầu nối góp vào việc tuyên truyền, vận động các lực lượng yêu nước, tiến bộ các nước ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta, làm cho thế giới hiểu Việt Nam, đồng tình ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Việt Nam, quảng bá đất nước và con người Việt Nam với thế giới.

Đảng và Nhà nước thông qua hệ thống chính trị trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để tổ chức, tuyên truyền, tập hợp mọi đóng góp của những người Việt Nam ở nước ngoài trên tất cả các mặt cho đất nước. Trong các dịp Đại hội Đảng, các cuộc bầu cử Quốc hội, Đại hội Mặt trận Tổ quốc hay trước khi đưa ra những quyết sách lớn của đất nước, Đảng và Nhà nước không chỉ công khai, thảo luận dân chủ, lắng nghe ý kiến của đồng bào trong nước mà còn quan tâm, trân trọng những đóng góp tâm huyết, đầy tinh thần trách nhiệm của những người con sống xa Tổ quốc.

Thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá, Đảng và Nhà nước Việt Nam lại càng đánh giá cao và đã có nhiều chủ trương động viên thu hút sự đóng góp của đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (được bổ sung, phát triển tại Đại hội XI của Đảng), Đảng chỉ rõ Mặt trận Tổ quốc “là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Nhận thức và chủ trương cuả Đảng và Nhà nước về cộng đồng người Việt Nam định cư sinh sống, làm việc ở nước ngoài đã tạo ra niềm tin, góp phần vào sự đoàn kết, hoà giải hoà hợp dân tộc, tạo không khí bình đẳng giữa đồng bào ở trong nước với bộ phận ở ngoài nước, tạo điều kiện để bà con chủ động đóng góp cho đất nước. Đảng và Nhà nước đã khuyến khích đồng bào ổn định, nâng cao đời sống hoà nhập với nước sở tại. Trong thời gian đi tới Đại hội XI của Đảng thông qua các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các tổ chức của mình, đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI. Những ý kiến tâm huyết, mạnh dạn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm đã góp vào bàn thảo các vấn đề trọng đại trong định hướng chính trị đất nước, trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua các tổ chức, các kênh thông tin tuyên truyền, hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đồng bào ở nước ngoài nhanh chóng nắm được các vấn đề của đất nước đóng góp bằng nhiều hình thức thể hiện các chính kiến như là một sự thẩm định, sự phản biện xã hội để Đảng và Nhà nước lựa chọn. Các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ đầu tư kinh phí cho các dự án ngày càng tăng mà còn chuyển giao công nghệ, trực tiếp đầu tư, hợp tác đầu tư với các đối tác ở trong nước. Có thể khẳng định chủ trương của Đảng tại Đại hội XI đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mở ra một trang mới góp trong việc đoàn kết, hòa giải, hoà hợp dân tộc, động viên, phát huy tinh thần tự do, tự tin trách nhiệm cao đóng góp đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng bào Việt Nam đang định cư ở các nước còn đóng góp to lớn vào việc quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền về đất nước, con người, định hướng chính trị của Việt Nam với bạn bè quốc tế làm cầu nối để bạn bè quốc tế đến và cộng tác với đất nước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay.

Với chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở của Việt Nam, việc mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế với tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế đã tạo nhiều lợi thế cho sự ổn định và phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để những người con Lạc, cháu Hồng thực hiện các ước nguyện và phát huy mọi tiềm lực đóng góp cho đất nước ổn định và phát triển bền vững trên chặng đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá hôm nay./.

PGS.TS Trình Mưu/ĐĐK
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất