Chủ Nhật, 6/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 5/8/2016 13:54'(GMT+7)

Xây dựng một nền xuất bản độc lập, hiện đại

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Ngày 5-8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” (Chỉ thị 42).

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV; Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội nghị.

Ngành xuất bản đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị

Trình bày báo cáo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 42, đồng chí Phạm Văn Linh nhấn mạnh, kết quả quan trọng nhất sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 là ngành xuất bản đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, bước đầu đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng – văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong lĩnh vực xuất bản, nhịp độ phát triển được duy trì, chất lượng một số mảng sách có chuyển biến tích cực. Năm 2015, toàn ngành đã xuất bản 29.000 đầu sách, trên 369 triệu bản, đạt 4,1 bản sách/đầu người/năm (tăng 1,4 lần so với năm 2004).

 
 Đồng chí Phạm Văn Linh trình bày báo cáo tại Hội nghị

Chất lượng sách được nâng lên một bước. Sách lý luận chính trị phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo từng năm, các lễ kỷ niệm lớn của Đảng, dân tộc. Sách pháp luật đã góp phần tích cực vào phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng trong xã hội. Sách khoa học – công nghệ đã đi vào được một số lĩnh vực quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Sách văn hóa, văn học, nghệ thuật tiếp tục có bước phát triển mới, mở rộng cả về phạm vi, thể loại. Sách cho thanh thiếu niên, nhi đồng có bước phát triển mạnh, phong phú về đề tài hấp dẫn về nội dung, phù hợp với nhu cầu của nhiều lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng.

Hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định, năng lực, trình độ của một số nhà xuất bản đã được tăng cường. Từ 48 nhà xuất bản vào năm 2004 tăng lên 64 nhà xuất bản năm 2014, giảm xuống 61 nhà xuất bản năm 2015; trong đó, các ngành, lĩnh vực quan trọng đều có nhà xuất bản. Số nhà xuất bản thuộc các trường đại học tăng nhang, đáp ứng yeu cầu xuất bản sách, tài liệu phục vụ đào tạo. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được chú trọng ứng dụng. Phạm vi ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin được mở rộng. Một số nhà xuất bản đưa các phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý xuất bản mang lại hiệu quả rõ rệt trong quản lý. Đến năm 2015, đã có trên 90% số nhà xuất bản có trang web quảng bá thương hiệu và giới thiệu sách trên Internet, tăng gần 15 lần so với năm 2004, 25% nhà xuất bản tham gia vào xuất bản sách điện tử.

Lực lượng lao động tại các nhà xuất bản có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tổng số lao động tại các nhà xuất bản khoảng 6.500 người, tăng xấp xỉ gấp 2 lần năm 2004. Trình độ học vấn của lãnh đạo, biên tập lao động có trình độ cao, đặc biệt là khối các nhà xuất bản thuộc các trường Đại học.

Trong lĩnh vực in, đã có sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8-10%/năm. Ngoài hai trung tâm in lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã xuất hiện thêm một số trung tâm in mới có công suất tương đối lớn như: Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Cần Thơ… Năm 2015, tổng sản lượng toàn ngành là hơn 1.000 tỉ trang in, doanh thu đạt khoảng 50.000 tỷ đồng.

Năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm in được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Số lượng và chất lượng các ấn phẩm không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cao và đa dạng của người sử dụng. Sản phẩm in bao bì, mẫu mã hàng hóa ngày càng đa dạng, góp phần quan trọng cho nhiều ngành kinh tế (đặc biệt là nhóm hàng hóa tiêu dùng).

Việc hiện đại hóa công nghệ in và sau in đã được hoàn thành bước đầu. Quá trình cổ phần hóa, nhu cầu tăng trưởng của ngành kinh tế đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp in mạnh dạn mở rộng đầu tư, trang thiết bị máy móc, hiện đại hóa quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng những đơn hàng có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao. Đến nay, về cơ bản, ngành in đã hoàn thành việc hiện đại hóa công nghệ in theo 3 phương pháp in chính là in ốp xét(bản phẳng), in flexco (bản lồi), in ống đồng (bản lõm). Một số công nghệ gia công sau in hiện đại đã được các doanh nghiệp in đầu tư, lắp đặt. Các ứng dụng mới trong quản lý quy trình sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm cũng được các doanh nghiệp in quan tâm, triển khai.

Trong lĩnh vực phát hành, trung bình mỗi năm, đã phát hành xấp xỉ 300 triệu bản sách, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Hoạt động phát hành đã được xã hội hóa cao, có sự phát triển mạnh về số lượng, từng bước mở rộng quy mô, năng lực hoạt động; xuất hiện xu hướng chuyển đổi mô hình hoạt động, thích ứng đòi hỏi mới của kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhiều nhà sách, siêu thị sách có quy mô lớn, hiện đại, văn minh được đầu tư và đưa vào sử dụng.

Lực lượng phát hành sách tư nhân có sự tăng trưởng mạnh về cả số lượng, quy mô và năng lực hoạt động. Đến nay, đã có hơn 14.000 cơ sở phát hành trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp có số lao động từ vài trăm đến vài nghìn lao động, có quan hệ thương mại với nhiều tập đoàn truyền thông, nhà xuất bản lớn trên thế giới. Một số doanh nghiệp phát hành sách đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty văn hóa, tham gia tích cực vào công tác tổ chức bản thảo, đóng góp quan trọng cho bước phát triển của hoạt động xuất bản những năm qua.

Công ty quảng bá, hội chợ sách được quan tâm, đầu tư. Đã có sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức của các đơn vị xuất bản, phát hành sách và cơ quan quản lý nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của công tác quảng bá sách. Nhờ đó, hoạt động quảng bá sách, đặc biệt là các hội chợ sách tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển tích cực với nhiều hình thức quảng bá, quy mô, sáng tạo, thu hút độc giả thuộc mọi lứa tuổi, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần phát triển văn hóa đọc. Một số doanh nghiệp phát hành sách mạnh đã chủ động đầu tư, tổ chức quảng bá sách tại các hội chợ sách quốc tế.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, hiệp hội và đào tạo, đã có nhiều đổi mới, kịp thời khắc phục một số hạn chế trong hoạt động xuất bản. Các văn bản như Thông báo Kết luận 122-TB/TW sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 42, Thông báo Kết luận số 289 TBKL/VPTW về mô hình hoạt động của nhà xuất bản, các quyết định về chỉ đạo quản lý, hoạt động xuất bản… đã góp phần đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị 42, định hướng trong quá trình sửa đổi Luật Xuất bản, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác về xuất bản, đáp ứng yêu cầu đặt ra khi Việt Nam gia nhập WTO, khắc phục và giải quyết kịp thời một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động của xuất bản.

Ở các đia phương, vai trò chỉ đạo, định hướng của các cấp ủy đảng, chính quyền cũng có những chuyển biến tích cực; chú trọng đổi mới về phương thức chỉ đạo nhằm bám sát đòi hỏi của địa phương và đơn vị. Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản ở Trung ương với địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan chủ quản xuất bản đã phối hợp chặt chẽ hơn, nhất là trong hoạch định chiến lược phát triển, công tác cán bộ và phối hợp xử lý các sai phạm.

Công tác quản lý nhà nước về xuất bản có một số chuyển biến tích cực. Hoạt động cấp phép được thực hiện chặt chẽ, đúng thủ tục. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản có nhiều chuyển biến, tích cực. Công tác tài trợ, đặt hàng xuất bản phẩm đạt được một số kết quả quan trọng. Các cơ quan chủ quản đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời những nội dung liên quan đến công tác xuất bản, định hướng kế hoạch xuất bản, đăng ký nguồn sách đặt hàng hàng năm đối với nhà xuất bản trực thuộc. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định chọn ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, góp phần tôn vinh tác giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, động viên những người làm công tác xuất bản, tạo điều kiện quan trọng để văn hóa đọc phát triển.

Công tác hiệp hội được quan tâm hơn. Hội Xuất bản Việt Nam đã triển khai được một số hoạt động thiết thực, bổ ích, trong đó, nổi bật là triển khai hiệu quả Đề án Giải thưởng sách Việt Nam nhằm tôn vinh sách hay, sách đẹp. Hiệp hội In Việt Nam được thành lập năm 2006 là điều kiện để ngành in thực hiện tốt hơn nữa chức  năng của mình, tạo thiết chế quan trọng trong việc quản lý ngành in thời kỳ hội nhập quốc tế. Các trung tâm bảo vệ quyền tác giả, quỹ dịch thuật… tiếp tục được thành lập, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, xây dựng thị trường được xuất bản lành mạnh, phát triển văn hóa đọc.

Các cơ sở đào tạo đã quan tâm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng gắn học lý thuyết với thực hành, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường.

Tại Hội nghị, các ý kiến, tham luận cũng đã thẳng thắn chỉ ra, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42, hạn chế lớn nhất của hoạt động xuất bản là chưa khắc phục được mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh, dẫn đến sự phát triển thiếu vững chắc, chưa có bước tiến mang tính đột phá; khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy, tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất bản. Điều đó thể hiện cụ thể ở các mặt như: cơ cấu sách bất hợp lý, một số mảng sách chất lượng chưa cao, mô hình tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, hiệu quả kinh tế chưa cao; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển, năng suất lao động thấp; mạng lưới phát hành sách mất cân đối nghiêm trọng; lực lượng phát hành sách tư nhân phát triển nhanh nhưng tiềm ản nhiều hạn chế, khó kiểm soát; công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành xuất bản trong giai đoạn mới. Chưa đạt chỉ tiêu số lượng sách khi chỉ dừng ở mức trên dưới 4 bản sách/người/năm; tình trạng thương mại hoá, chạy theo lợi ích kinh tế thuần tuý trong hoạt động xuất bản chưa bị đẩy lùi; những bất cập trong hoạt động liên kết chậm được khắc phục, từ đó kéo theo chất lượng sách còn hạn chế. Đặc biệt đáng báo động là sách có nội dung sai phạm tăng, trong đó có cả  những đầu sách sai phạm về chính trị, tư tưởng.

 
 

Xây dựng một nền xuất bản độc lập, hiện đại

Trong những năm tới, hoạt động xuất bản được dự báo phát triển theo một số khuynh hướng sau: Xuất bản tiếp tục có bước phát triển mới cả về chất và lượng, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự tăng trưởng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân. Hoạt động xuất bản ngày càng chịu sự chi phối mạnh mẽ của các quy luật kinh tế thị trường. Xuất bản điện tử sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những phương thức xuất bản chủ yếu. Hội nhập quốc tế với tác động của quá trình toàn cầu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất bản. Xuất bản sách giáo dục vẫn sẽ là trụ cột trong hoạt động xuất bản. Hoạt động xuất bản ở Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội, trong đó, lực lượng tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đều thống nhất, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả định hướng cơ bản Chỉ thị 42, xác định đúng vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị xuất bản. Phấn đấu đến năm 2020, nước ta đạt mức hưởng thụ trung bình 6 bản sách/người/năm; trong đó số sách giáo dục chiếm tỉ dưới 50%; xây dựng bồi đắp  đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản vững về chính trị, mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để thực hiện được các phương hướng đã đề ra, trong thời gian tới, ngành xuất bản cần tiếp tục triển khai 5 nhóm nhiệm vụ của Chỉ thị 42, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm; nâng cao hiệu quả kiinh tế của hoạt động xuất bản; tập trung xây dựng năng lực của hoạt động xuất bản, phát triển các loại hình xuất bản điện tử đáp ứng nhu cầu đọc trong điều kiện mới; chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của tác tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước, tránh khuynh hướng thương mại hóa chạy theo lợi nhuận thuần túy; xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản, đảm bảo quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp v ụ, các tác giả, cộng tác viên trong cả 3 khâu: xuất bản, in, phát hành.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đã nhiệt liệt biểu dương những ưu điểm, thành tích của ngành xuất bản đã đạt được trong thời gian qua. Đó là những nỗ lực đáng quý của toàn ngành mà chúng ta cần tiếp tục phát huy hơn nữa.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh, trước các thuận lợi và thách thức đan xen, để xuất bản Việt Nam khẳng định vị thế là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng - văn hoá của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì mục tiêu xây dựng một nền xuất bản độc lập, hiện đại là con đường phát triển tất yếu. Qua các báo cáo của Ban, của Bộ và ý kiến tham luận tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, các định hướng cơ bản, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong Chỉ thị 42 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đồng chí nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 42. Đó là:

Thứ nhất, để các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 42 đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực đối với sự nghiệp xuất bản, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, nguyên tắc và những nhiệm vụ, giải pháp được khẳng định trong Chỉ thị 42 và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác xuất bản. Cần xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng ngành, mỗi cơ quan, đơn vị đối với hoạt động xuất bản trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Ngay sau hội nghị này, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện dự thảo Báo cáo Tổng kết Chỉ thị 42, trình Ban Bí thư nghiên cứu, xem xét, ra Kết luận về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị, tạo sức bật cho xuất bản phát triển, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi mới của đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế.

Thứ hai, mỗi đơn vị trong ngành xuất bản, trong phạm vi trách nhiệm của mình, cùng nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, giáo dục, văn hoá của xuất bản phẩm; phải coi đây là mục tiêu cao nhất trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình; phải đặc biệt chú trọng mảng sách chính trị phổ thông; sách đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hoà bình”; sách khoa học, kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; sách về truyền thống dân tộc và cách mạng, về bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc... ; tiếp tục đẩy mạnh mảng sách thông tin đối ngoại, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần làm cho cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn về tình hình đất nước, về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam.

Thứ ba, các cơ quan có trách nhiệm, trước hết là Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan, rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động xuất bản như chính sách ưu đãi về thuế, nhà đất, đầu tư về vốn cho các nhà xuất bản; có chính sách hỗ trợ thu hút các nguồn lực để đổi mới, nâng cấp, từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất-kỹ thuật và công nghệ xuất bản, in, phát hành; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình xuất bản điện tử.

Thứ tư, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các cơ quan chủ quản nhà xuất bản và các cơ quan liên quan nhanh chóng rà soát, sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản hiện có, kiên quyết giải thể những nhà xuất bản hoạt động thiếu hiệu quả; chủ động nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nhà xuất bản.

Thứ năm, trên cơ sở quy hoạch mạng lưới in và phát hành sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, khôi phục và phát triển mạng lưới phát hành sách ở vùng nông thôn, trước hết là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; khuyến khích doanh nghiệp phát hành sách thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển mạng lưới, đưa sách về nông thôn; triển khai các giải pháp phát triển hệ thống thư viện công cộng, điểm bưu điện văn hoá xã, câu lạc bộ sách, tủ sách dòng họ, gia đình... ; tăng cường hoạt động quảng bá, hội chợ sách, tạo phong trào đọc rộng rãi trong quần chúng, đặc biệt đối với đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, là cơ sở phát triển văn hóa đọc nước nhà.

Thứ sáu, cơ quan chủ quan và mỗi đơn vị xuất bản cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ trong đó chăm lo công tác phát triển đảng, công tác chính trị, công tác tư tưởng trong cả ba khâu xuất bản, in và phát hành. Trước mắt, tập trung  phát triển đội ngũ cán bộ biên tập, lãnh đạo, quản lý của các nhà xuất bản. Đồng hành cùng giải pháp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, với sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ quan liên quan, các học viện, nhà trường xây dựng phương án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp, kiện toàn lại các cơ sở đào tạo xuất bản, in, phát hành theo hướng chính quy, hiện đại, vươn lên ngang tầm trình độ tiên tiến của khu vực, tập trung ở hai trung tâm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ bảy, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo quản lý, tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hội xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam) với các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các đơn vị in và phát hành; thực hiện nghiêm túc các quy chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan chủ quản; nêu cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị xuất bản, in và phát hành nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường; bảo đảm các điều kiện để Hội Xuất bản Việt Nam hoạt động đúng với tính chất của hội đặc thù được hưởng chế độ của hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất