(TCTG)- Ngày nay, trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới, nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị -xã hội đối với công tác quốc phòng, an ninh (QP-AN); xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân đã có bước chuyển biến tích cực.
Nội dung, phương thức xây dựng thế trận QP-AN được tổ chức chuẩn bị và triển khai tương đối toàn diện cả về tiềm lực và thế trận. Vì vậy, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn các tỉnh (thành phố), đã được tổ chức, xây dựng bằng sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, nên từng bước đã tạo thế trận vững chắc trên từng hướng, từng khu vực phòng thủ.
Tuy vậy, nhận thức và trách nhiệm của một số bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể chưa thật đầy đủ về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD và thế trận QP-AN trong tình hình mới. Cơ chế chỉ đạo, điều hành, quản lý chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; tổ chức thế trận QP-AN trên từng khu vực phòng thủ địa phương chưa thật hợp lý. Vai trò nòng cốt của Quân đội và Công an trong xây dựng thế trận QP-AN trên các hướng (khu vực) trọng điểm chiến lược chưa được phát huy đầy đủ; sự phối hợp hoạt động giữa công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội tại chỗ với các ngành KT -XH chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tiềm lực và thế trận QP-AN để BVTQ chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhiệm vụ quốc phòng.
Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Đối với nước ta, các thế lực thù địch đang ráo riết chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, chủ yếu bằng chiến lược "DBHB", bạo loạn, kết hợp với can thiệp… nhằm xoá bỏ chế độ CNXH ở Việt Nam, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chuyển hoá cách mạng nước ta đi chệch hướng XHCN. Các hành động xâm hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức, âm mưu và thủ đoạn hết sức tinh vi... Điều đó đặt ra cho nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD và thế trận QP-AN để BVTQ là rất nặng nề.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cũng chỉ rõ: mục tiêu đưa nước ta đến năm 2020 "cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong nhận thức cũng như trong hành động dưới sự lãnh đạo của Đảng; tất cả đồng sức đồng lòng góp phần mình, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Nghị quyết Đại hội X cũng đánh giá việc kết hợp QP-AN với phát triển KT-XH đã góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng của đất nước, đồng thời cũng chỉ ra nhiệm vụ phải tiếp tục "phối hợp hoạt động QP -AN" trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN trong điều kiện mới.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng cũng khẳng định vai trò của QP-AN với tư cách là từng mặt trận cũng như là các lực lượng tạo thành một thế trận cách mạng. Xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD; xây dựng tiềm lực và thế trận QP-AN phải dựa vào thế và lực của đất nước, trên cơ sở đó góp phần làm tăng thêm tiềm lực QP-AN cho đất nước. Thực tế những năm qua cho chúng ta thấy, sự kết hợp hoạt động của Quân đội và Công an đã trở thành chiến lược tổng thể, thống nhất giữa nhiệm vụ phát triển KT -XH với bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội và củng cố quốc phòng bảo vệ đất nước. Bảo vệ tốt an ninh, trật tự xã hội, giữ vững ổn định chính trị là đảm bảo vững chắc cho quốc phòng, xóa bỏ những yếu tố có thể dẫn đến xung đột vũ trang, bạo loạn…. Ngược lại, xây dựng nền QPTD và thế trận QPTD vững chắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự phòng thủ quốc gia là điều kiện và cơ sở cần thiết để có được sự đảm bảo về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng thế trận QP-AN vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó Công an nhân dân và Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là xây dựng đất nước vững bước tiến lên CNXH, đồng thời bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã đạt được. QP-AN đều phục vụ nhiệm vụ BVTQ và đều là nhân tố quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói trên.
Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD và thế trận QP-AN trong tình hình mới, dưới tác động của toàn cầu hoá, những vấn đề mới đặt ra đối với QP-AN ngày càng đa dạng hơn và phức tạp hơn, bởi vậy cần nghiên cứu kỹ và xử lý đúng đắn các mối quan hệ trên. Nguyên tắc trong xây dựng thế trận QP-AN của Đảng và Nhà nước ta là phát huy nội lực, giữ vững sự ổn định chính trị, không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hoà bình, chống mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền. Phương châm của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế là chủ động, có lộ trình thích hợp để đảm bảo các yêu cầu về QP-AN giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Những nguyên tắc và phương châm nêu trên thể hiện rõ sự coi trọng các yêu cầu về tăng cường sức mạnh QP-AN trong điều kiện mới. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa QP-AN sẽ góp phần giữ vững và củng cố độc lập tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trước mọi điều kiện, đồng thời vững bước tiến lên trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD và thế trận an ninh nhân dân không chỉ liên quan mật thiết với nhau, mà còn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bởi lẽ, chỉ có thể tạo ra được sức mạnh tổng hợp khi thực sự coi và vận dụng chặt chẽ mối quan hệ giữa QP-AN với phát triển KT-XH là thành tố của một thể thống nhất, đó là chiến lược phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Để tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, trong việc xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới, theo chúng tôi cần tiếp tục kế thừa những kinh nghiệm trước đó và phấn đấu thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, xác định rõ nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng, an ninh trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc
Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng chỉ rõ, nhiệm vụ BVTQ hiện nay là: "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc". Nghị quyết cũng khẳng định: "Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt". Như vậy, xây dựng nền QPTD và thế trận QP-AN là hai mặt thống nhất của sự nghiệp xây dựng và BVTQ, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Công an và Quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào nhiệm vụ QP-AN, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được triển khai tiến hành sâu rộng trong toàn xã hội, nhằm tạo ra sự thống nhất nhận thức, thấy rõ mục tiêu và nhiệm vụ chung của xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD; xây dựng tiềm lực và thế trận QP-AN là yêu cầu khách quan có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay.
Hai là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân để tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước
Trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ, xây dựng thế trận QPTD luôn phải kết hợp với sự phát triển KT -XH, đẩy mạnh xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả các khu kinh tế -quốc phòng, đặc biệt là xây dựng các khu quốc phòng -kinh tế và nghiên cứu mở rộng đối với các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Đối với đất nước ta, sự kết hợp chặt chẽ giữa QP-AN và phát triển KT-XH là mục tiêu chiến lược, đều phải được coi trọng và ưu tiên như nhau. Phát triển đã trở thành một nhân tố quan trọng để tăng cường sức mạnh QP-AN và cũng là nhân tố quyết định đến sự phát triển toàn diện. QP-AN là nền tảng và tiền đề cho phát triển, đồng thời phát triển sẽ góp phần quan trọng để tăng cường tiềm lực và hiệu quả của thế trận QP-AN. QP-AN để phát triển và phát triển để đảm bảo QP-AN. Những tác động của tình hình thế giới và khu vực đến mối quan hệ này và những vấn đề nảy sinh trong diễn biến của mối quan hệ này đòi hỏi phải có nhận thức đúng đắn và sự phối hợp hài hoà giữa các bộ, ngành, các địa phương với nhau, đặc biệt giữa QP-AN, với phát triển KT-XH và đối ngoại.
Ba là, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trong mối liên hệ giữa hội nhập quốc tế và giữ vững độc lập tự chủ, bản sắc dân tộc
Hội nhập quốc tế là một xu thế chung mà Việt Nam đã chủ trương tham gia. Nhưng chúng ta tham gia hội nhập quốc tế một cách chủ động, theo lộ trình thích hợp, phù hợp điều kiện, khả năng và yêu cầu của ta trong từng giai đoạn. Việc kết hợp xây dựng thế trận QP-AN cần phải được thực hiện trong sự biến hoá của mối liên hệ ấy sao cho hội nhập quốc tế vừa phục vụ phát triển đất nước, vừa tranh thủ được lực lượng và điều kiện quốc tế cho tăng cường QP-AN và ngược lại, QP-AN là chỗ dựa vững chắc cho chủ động hội nhập quốc tế. Chủ động hội nhập quốc tế trên cơ sở kiên định những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta không chỉ nhằm phát triển đất nước, mà còn nhằm tăng cường QP-AN cho đất nước. Giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ và bản sắc văn hoá dân tộc không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy cội nguồn sức mạnh của dân tộc, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển đất nước.
Bốn là, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh sao cho phát huy được nội lực, tranh thủ được sức mạnh của thời đại và kết hợp sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc
Sức mạnh của thời đại trong giai đoạn mới là xu thế độc lập dân tộc, hoà bình, hợp tác, phát triển và giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tạo dựng một thế trận QP-AN dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước để có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi thách thức và khó khăn, phức tạp nảy sinh. Mục đích xây dựng thế trận QP-AN của Đảng và Nhà nước ta là luôn luôn phù hợp với xu thế của thời đại. Sự phù hợp đó là nền tảng và tiền đề không thể thiếu được để tăng cường củng cố QP-AN bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam XHCN trong tình hình mới.
Năm là, trên cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân để tạo dựng và tham gia vào những hình thức tập hợp lực lượng có lợi cho sự phát triển toàn diện của đất nước
Tham gia vào xu thế chung của thời đại cũng là tham gia vào những hình thức tập hợp lực lượng quốc tế có lợi cho nước ta, là tận dụng sự tuỳ thuộc lẫn nhau, sự ràng buộc về lợi ích chung giữa các quốc gia để góp phần bảo đảm QP-AN BVTQ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đồng thời tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển toàn diện của đất nước. Bản chất vấn đề này là nhận thức đúng đắn về thời cơ và thách thức, về xu thế phát triển của thời đại, chiều hướng diễn biến của thời cuộc, về xác định bạn và đối tác, đồng minh và đối tượng nói chung trong từng vấn đề, sự việc, trên từng lĩnh vực và ở từng thời kỳ nói riêng. Thêm bạn, bớt thù, "dĩ bất biến, ứng vạn biến" là nội dung lớn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một bài học thành công của Đảng ta và Bác Hồ trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 60 năm qua, hiện nay vẫn có tính thời sự hết sức sâu sắc. Đó là cơ sở để có thể thực hiện phương châm "vừa hợp tác vừa đấu tranh", hợp tác quốc tế sâu rộng như có thể được mà vẫn đảm bảo yêu cầu đấu tranh kiên quyết làm phá sản mọi âm mưu và ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, chống "diễn biến hoà bình", bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong phương diện này, việc có ý nghĩa rất quan trọng là phối hợp công tác nghiên cứu cơ bản, phân tích và dự báo chiến lược về tình hình thế giới và chiều hướng diễn biến của các mối quan hệ quốc tế, để từ đó có sự chuẩn bị ứng phó thích hợp, kịp thời và hiệu quả trong xây dựng nền QPTD và thế trận QPTD.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng từ trước đến nay, thế trận QPTD luôn đóng vai trò quan trọng và có đóng góp xứng đáng vào thành quả của cách mạng, luôn phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ bảo vệ BVTQ, luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Bài học thành công ấy sẽ được tiếp tục và phát huy trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, trong quá trình toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới./
TS Nguyễn An Tiêm
Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, BTGTW