Chủ Nhật, 3/11/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Tư, 17/5/2023 10:53'(GMT+7)

Xây dựng quy tắc của người sáng tạo nội dung số

Sáng tạo nội dung số là lĩnh vực đầy tiềm năng của Việt Nam. (Ảnh: nhandan.vn)

Sáng tạo nội dung số là lĩnh vực đầy tiềm năng của Việt Nam. (Ảnh: nhandan.vn)

Do đó, ngoài nỗ lực gỡ bỏ nội dung xấu, độc của cơ quan chức năng rất cần xây dựng quy tắc cho những người làm công việc sáng tạo nội dung số, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Sáng tạo nội dung số được hiểu là việc sản xuất nội dung phát trên các nền tảng số, phổ biến như: YouTube, Facebook, TikTok, Instagram, Twitter... Những nội dung sáng tạo có thể theo nhiều định dạng khác nhau, gồm: chữ viết, hình ảnh, video, âm thanh...

Cùng với sự phát triển của các nền tảng công nghệ, sáng tạo nội dung số là một nghề khá phổ biến hiện nay. Trên phạm vi toàn cầu, sáng tạo nội dung số đã và đang thu hút một lượng lớn lao động trình độ cao tham gia. Việt Nam được đánh giá là một thị trường sôi động với tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 73,2% dân số, đứng thứ 12 về lượng người dùng internet trên toàn cầu.

Sự phát triển nhanh chóng của internet và các nền tảng số đã khiến hành vi đọc, xem, nghe của người trẻ cũng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, hình thành thói quen tiêu thụ các nội dung số ngày càng gia tăng. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho sự gia tăng nhanh chóng của những người làm công việc sáng tạo nội dung số ở Việt Nam.

Sự phát triển đa dạng của thị trường sáng tạo nội dung số những năm gần đây đã ít nhiều tạo ra những giá trị nhất định. Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và có doanh thu khoảng 800 triệu USD trong năm 2022. Nhiều sản phẩm giàu tính sáng tạo, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của công chúng thế hệ mới, lan tỏa những thông điệp có ý nghĩa với cộng đồng.

Đó là những người làm nội dung về lịch sử, khoa học, ngoại ngữ... phục vụ việc học tập, chia sẻ kiến thức cũng như những thông tin thiết thực khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại không ít những nội dung thiếu lành mạnh, thiếu tính nhân văn, thậm chí cổ vũ lối sống ngược với chuẩn mực xã hội và đạo đức truyền thống.

Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những nội dung chứa yếu tố mê tín dị đoan, kinh dị, kích động hận thù, bạo lực, gây ảnh hưởng tâm lý đến người xem, nhất là giới trẻ.

Điều đáng nói là vì đánh trúng tâm lý dễ dãi, hiếu kỳ của một bộ phận người sử dụng mạng kết hợp thuật toán của các mạng xã hội nên các sản phẩm này vẫn dễ dàng leo lên top xu hướng (trending) trên Facebook, TikTok... Không ít video trong đó thu hút hàng nghìn, hàng triệu lượt xem.

Bên cạnh đó, nhiều người hoạt động trên nền tảng TikTok (idol TikTok) còn sản xuất nhiều nội dung dạng tương tác nhảm nhí, nhắm vào sự tò mò của người xem, thậm chí còn cố tình tạo “trend” để thu lợi nhuận từ những nội dung này. Tiêu biểu như việc cho phép thách đấu trực tuyến, các idol TikTok có thể được người xem tặng quà, với tiêu chí “càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà” và đặc biệt còn có khả năng quy đổi ra tiền.

Một thực trạng khác cho thấy sự dễ dãi của thị trường sáng tạo nội dung số hiện nay là sự xuất hiện khá dày đặc của những web drama (phim điện ảnh được phát sóng trực tiếp trên mạng) với các video dài tập được cho là “phim ngắn”. Gọi là phim nhưng thực chất kịch bản của những “phim ngắn” này rất đơn giản, hời hợt, nhiều chỗ phi lý, thậm chí không ít kịch bản bị tố là ăn cắp hoặc nhái ý tưởng từ các clip trên mạng xã hội nước ngoài. Nội dung chủ yếu là khai thác quá mức các cảnh nóng, các mối tình tay ba, tình công sở, ghen tuông bệnh hoạn, quảng bá mại dâm trá hình, khai thác mối quan hệ loạn luân, mâu thuẫn trong gia đình...

Xem các video này người xem khó có thể tìm thấy bất kỳ thông điệp nào tích cực, ngược lại chỉ thấy những nội dung dung tục, độc hại, thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đấy là chưa kể lối diễn xuất cứng nhắc, cường điệu, thái quá của các diễn viên với ngôn ngữ, lời thoại nhân vật thô lỗ, tục tĩu gây khó chịu, ức chế, thậm chí coi thường người xem.

Bản chất của các web drama không xấu nhưng có lẽ bởi việc dùng thước đo là lượng view cho nên nhiều cá nhân làm sáng tạo nội dung đã nhắm mắt làm bừa, cố gắng thu hút đông người xem bằng mọi giá, kể cả bằng việc sản xuất các nội dung “bẩn”.

Thực tế cho thấy dù đội ngũ nhà sáng tạo nội dung số ở Việt Nam ngày càng tăng nhưng số lượng các nội dung có giá trị với cộng đồng chưa nhiều. Theo từ điển tiếng Việt, sáng tạo là “tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần”. Như vậy có thể thấy yếu tố quan trọng nhất của sáng tạo là làm ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, có giá trị về vật chất, tinh thần cho cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên dễ nhận thấy nội dung trên các nền tảng xã hội hiện nay yếu tố sáng tạo chưa được đề cao. Thay vì cạnh tranh bằng chất lượng, bằng sự sáng tạo đúng nghĩa, không ít người sản xuất nội dung chỉ chạy theo thị hiếu nhất thời của đám đông nhằm mục đích câu view, câu like, kiếm tiền nên đã tạo ra những sản phẩm kém chất lượng. Mặt khác, đội ngũ làm nội dung hầu hết là các nhà sáng tạo tự do, coi việc sáng tạo nội dung số là giải trí đơn thuần nên công việc này chưa thực sự được coi trọng.

Nhiều người trong số họ chưa có kiến thức chuyên môn căn bản về nội dung số, nhận thức chưa đúng hoặc chưa đủ về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ cũng như những quy định pháp lý về lĩnh vực này. Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc phát triển nội dung không có chiến lược bài bản, chất lượng không đáp ứng yêu cầu của một sản phẩm mang tính sáng tạo. Cùng với đó, sự dễ dãi của một bộ phận người xem cộng với một số rào cản trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới càng khiến cho “rác văn hóa” ngày một nhiều trên các nền tảng mạng xã hội.

Hệ lụy từ những nội dung phản văn hóa, không lành mạnh, độc hại này là không hề nhỏ. Đối tượng xem các video trên TikTok hay YouTube phần lớn là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Ở độ tuổi này, các em chưa được tiếp cận nhiều với thế giới chung quanh nên dễ tò mò, hiếu kỳ với những cái mới.

Hơn nữa, đây là độ tuổi luôn muốn thể hiện bản thân, dễ bị kích động và học theo người khác, chạy theo các trào lưu mới. Vô hình trung, những nội dung độc hại tác động đến nhận thức của giới trẻ để rồi họ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, khiến cho lối sống bị lệch lạc.

Nguy hiểm hơn, khi thường xuyên tiếp cận với cái ác, cái xấu thì tính nhân văn, phần thiện trong mỗi con người sẽ dần mất đi. Mặt khác, nếu người xem thực sự tin những điều trong phim đang phản ánh thực tế đời sống thực thì họ sẽ dễ mất niềm tin vào con người, vào xã hội.

Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) những nội dung vi phạm này còn khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, cổ xúy hành vi phạm tội, gây bất ổn xã hội, đồng thời khiến nội dung vi phạm bản quyền tràn lan hơn.

Khó khăn hiện nay là không dễ để loại bỏ hoàn toàn những video có nội dung đi ngược lại các chuẩn mực chung của xã hội khỏi các nền tảng số vì các nhà cung cấp chưa có cơ chế lọc chặn hữu hiệu và người sản xuất nội dung số chưa có ý thức tuân thủ các tiêu chuẩn cộng đồng. Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với mục đích xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên những quy định áp dụng cho những người làm công việc sáng tạo nội dung số còn chưa cụ thể. Do đó việc cấp bách là phải nhanh chóng bổ sung quy định này để các chuẩn mực định hình, phát huy vai trò trong thực tiễn, hướng đến xây dựng một thị trường sáng tạo nội dung số phát triển văn minh, lành mạnh. Mặt khác, giá trị chuẩn mực chỉ thực sự có ý nghĩa khi các cá nhân nhận thức nghiêm túc hành vi của mình tác động như thế nào đến cộng đồng, xã hội để tự điều chỉnh.

Đồng thời, mỗi cá nhân cần không ngừng nâng cao kỹ năng, chuyên môn nhằm tạo ra những sản phẩm đẹp về hình thức; kỹ lưỡng, trau chuốt về nội dung, bảo đảm tính sáng tạo, không đạo, nhái, vi phạm bản quyền...

Đối với người sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm trên mạng xã hội, cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định; bởi những lần like, share hay subscribe (đăng ký kênh yêu thích) của người xem rất có thể sẽ tiếp tay cho những nội dung xấu độc tiếp tục xuất hiện, lan truyền.

Do đó, người xem cần nâng cao tiêu chuẩn tiếp nhận nội dung trên mạng xã hội để tự thanh lọc, bảo vệ bản thân khỏi các video nhảm nhí, độc hại. Ở mức độ cao hơn, người xem có thể phát huy tinh thần trách nhiệm qua những hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn như: báo cáo vi phạm, bình luận chỉ trích và cùng lên án, tẩy chay...

Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho giới trẻ để “giúp” họ hình thành bản lĩnh, trình độ nhận thức vững vàng giữa “biển” thông tin tràn ngập trên các nền tảng xã hội. Đồng thời vai trò của các cơ quan quản lý cũng hết sức quan trọng, với các biện pháp kiên quyết hơn nữa để gỡ bỏ, ngăn chặn những nội dung độc hại, thiếu lành mạnh, góp phần làm sạch môi trường mạng. Đây cũng chính là những nỗ lực quan trọng, cần thiết góp phần xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay./.

MINH ANH (nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất