Chủ Nhật, 15/9/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Tư, 17/5/2023 10:32'(GMT+7)

SEA Games 32: Một kỳ Đại hội ấn tượng của Thể thao Việt Nam

HCV thứ 136 - tấm HCV cuối cùng của Đoàn Việt Nam đến từ môn Kickboxing. (Ảnh: TTXVN)

HCV thứ 136 - tấm HCV cuối cùng của Đoàn Việt Nam đến từ môn Kickboxing. (Ảnh: TTXVN)

Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự SEA Games, đoàn Thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn ở một kỳ đại hội tổ chức ở nước ngoài.

Ngày thi đấu cuối cùng với nhiều cảm xúc từ những tấm huy chương Vàng vượt ngưỡng ở môn đấu kiếm, vật, judo, cử tạ, hay kể cả môn thể thao mới như Break Dance (Nhảy đường phố) đã khép lại hành trình của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.

Vượt qua nhiều áp lực, thành công ở ngày thi đấu cuối cùng của các tuyển thủ đã củng cố sự vững chắc cho vị trí dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc.

Nhìn lại hành trình ở SEA Games 32, các tuyển thủ của đoàn Thể thao Việt Nam đã để lại nhiều cảm xúc đặc biệt.

Từ niềm vui với tấm huy chương Vàng đầu tiên trong lịch sử ở của đội tuyển bóng rổ nữ 3x3, đến sự khâm phục của chính các đối thủ sau khi Nguyễn Thị Oanh kiến tạo thành tích lịch sử với 4 tấm huy chương Vàng ở những nội dung đầy thử thách ở môn điền kinh. Hay như tấm huy chương Vàng cá nhân môn golf của Lê Khánh Hưng - người vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Còn rất nhiều những thành tích đầu tiên trong lịch sử dự SEA Games mà các tuyển thủ giành được khiến người hâm mộ thán phục và tự hào. Tiêu biểu như việc thầy trò Huấn luyện viên Mai Đức Chung lần thứ 4 liên tiếp giành tấm huy chương Vàng bóng đá nữ sau khi vượt qua rất nhiều thách thức từ khách quan, trong bối cảnh lực lượng đội tuyển trong quá trình chuyển giao và các tài năng trẻ đã từng bước khẳng định sự tiến bộ.

11 ngày thi đấu chính thức ở SEA Games 32 cũng để lại nhiều ấn tượng với nhiều nhọc nhằn và chứng kiến không ít thất bại đáng tiếc của nhiều gương mặt được kỳ vọng trong các đội tuyển như điền kinh, bơi, quần vợt, đấu kiếm hay kể cả đội tuyển U22 Việt Nam. Những sai số xuất hiện trong quá trình thi đấu đem lại không ít lo lắng trước mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu huy chương tại đại hội.

Dù vậy, với sự bứt phá mãnh liệt, khai thác tối đa thế mạnh từ "mỏ vàng" các môn võ thuật, vật, lặn, aerobic... trong 4 ngày thi đấu cuối cùng, đoàn Thể thao Việt Nam đã tạo nên cú nước rút hoàn hảo để dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương chung cuộc với tổng số 136 huy chương Vàng, 104 huy chương Bạc, 114 huy chương Đồng tại SEA Games 32, thành tích nằm ngoài dự báo của giới chuyên môn khi mục tiêu đặt ra chỉ là giành 89 - 120 huy chương Vàng và lọt vào Top 3 toàn đoàn.

Thành tích vượt ngưỡng về số lượng huy chương giành được đã giúp Đoàn Thể thao Việt Nam lần đầu tiên đứng ở vị trí số 1 tại một kỳ SEA Games diễn ra ở nước ngoài.

Trong lịch sử các lần dự đại hội, Đoàn Thể thao Việt Nam đã từng 2 lần dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương chung cuộc tại SEA Games 22 (năm 2003) và SEA Games 31 (năm 2022) nhưng đều tổ chức trên sân nhà.

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Thể thao Việt Nam bảo vệ thành công vị trí dẫn đầu ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Thành công ở SEA Games 32 đang tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các tuyển thủ trước khi bước vào các thử thách lớn hơn ngay trong thời gian tới. Trước mắt là ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào cuối tháng 9 và các cuộc thi đấu tranh suất tham dự Olympic 2024 vào mùa Hè năm tới. 

Dù vậy, sẽ còn nhiều vấn đề chuyên môn mà các nhà quản lý thể thao cần tiếp tục đánh giá, phân tích khi thành công ở SEA Games 32 chưa chắc chắn đảm bảo cho Thể thao Việt Nam có được thành tích tốt ở đấu trường lớn hơn. Đặc biệt trong bối cảnh, nhiều môn và nội dung thi đấu tại SEA Games 32 không nằm trong chương trình ASIAD, Olympic và chưa xuất hiện nhiều thành tích tiệm cận với vị trí tranh chấp huy chương ở đấu trường châu lục và thế giới./. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất