Chủ Nhật, 22/9/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 1/5/2015 10:33'(GMT+7)

Xây dựng thành công công đoàn cơ sở tại Khu kinh tế Hải Phòng

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện, 113/148 doanh nghiệp có quan hệ với người lao động tại Khu kinh tế Hải Phòng đã thành lập được tổ chức công đoàn. Việc thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không hề dễ dàng đối với chủ quản lý doanh nghiệp và ngay cả trong tâm lý của người lao động. Vậy làm thế nào để Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở và tổ chức này thực sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động? 

Bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế cho biết, việc thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp hai khó khăn lớn. Trước hết là sự không ủng hộ của lãnh đạo các công ty do lo lắng hoạt động của tổ chức công đoàn sẽ khiến người lao động luôn đòi hỏi quyền lợi, tổ chức họp hành gây lãng phí thời gian làm việc. Còn người lao động cho rằng, việc tham gia tổ chức công đoàn vừa tốn một khoản lệ phí, vừa chẳng giải quyết vấn đề gì liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong công việc, cuộc sống của họ. 

Càng khó càng phải quyết tâm. Năm 2011, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng áp dụng phương pháp vận động thành lập công đoàn, phát triển đoàn viên không cần có sự đồng ý của chủ doanh nghiệp. Thời điểm đó, 4 người trong văn phòng Công đoàn Khu kinh tế thay nhau đến cổng các doanh nghiệp hoặc các khu nhà trọ vận động những nhân tố nòng cốt để thành lập công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khó áp dụng trên diện rộng khi mà nhân lực của Công đoàn Khu kinh tế rất ít (năm 2011 là 4 người, hiện tại có 6 người), còn số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh. Phải có thêm phương pháp tiếp cận khác, đó là vận động người lao động từ dưới lên, muốn vậy phải tiếp cận được chính lao động tại nơi làm việc, nơi mà người lao động đang công tác. 

Bà Hằng cho biết, 90% doanh nghiệp trong các khu kinh tế và khu công nghiệp Hải Phòng có chủ đầu tư nước ngoài, trong đó phần lớn là Nhật Bản, tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước khác. Để thành lập tổ chức công đoàn, Công đoàn Khu kinh tế đã hướng dẫn người lao động thành lập nhóm nòng cốt, ban vận động thành lập công đoàn, sau đó hướng dẫn lập kế hoạch tuyên truyền với nội dung, thời gian cụ thể; xây dựng các phiếu hỏi, phiếu lấy ý kiến phản ánh của người lao động về những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách của người lao động. Tại các buổi tuyên truyền, Công đoàn Khu kinh tế đã làm rõ những vấn đề mà người lao động quan tâm như công đoàn bảo vệ người lao động khi nào, vào công đoàn thì có quyền lợi gì, có bị cắt các khoản phúc lợi không, mức đóng đoàn phí ra sao... Sau khi giải đáp các vướng mắc đó, người lao động được phát đơn và làm các thủ tục tiếp theo. Thế nhưng, trong quá trình vận động tuyên truyền, cũng có một vài đơn vị đã tiến hành các buổi tuyên truyền mà chẳng có lá đơn nào xin vào tổ chức công đoàn. 

Phải dùng phương pháp mưa dầm thấm lâu, Công đoàn phải tổ chức được nhiều hoạt động hữu ích thì mới thu hút được người lao động. Vì thế, Ban chấp hành Công đoàn Khu kinh tế đã vận động các doanh nghiệp tặng vé tàu, xe cho công nhân về quê ăn Tết, tổ chức các buổi vui trung thu cho thanh thiếu nhi tại các khu nhà trọ, tổ chức ngày hội công nhân, thay dầu xe miễn phí cho công nhân, tổ chức các giải thể thao… Những hoạt động này có thể ít ỏi so với những người có điều kiện nhưng với một công nhân thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng và phải chi rất nhiều khoản như thuê nhà trọ, điện, nước, chăm lo cho gia đình thì lại rất ý nghĩa. Điều đáng kể đến chính là sự nhiệt tâm của những người tham gia Ban chấp hành Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng. Không chỉ chia sẻ về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, Công đoàn Khu kinh tế còn trực tiếp hướng dẫn công đoàn cơ sở và người lao động biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, nhất là trong vấn đề chấm dứt hợp đồng, sa thải người lao động trái luật, thỏa thuận về thời gian làm việc. Năm 2014, có 10/10 kiến nghị của người lao động về vấn đề này được giải quyết với tổng số tiền bồi thường lên là 512 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, Công đoàn Khu kinh tế đã và đang phối hợp với Ban quản lý giải quyết 1 vụ tranh chấp lao động về vi phạm hợp đồng lao động. 

Bằng cả lời nói và hành động, cách làm của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã khiến người lao động "tâm phục khẩu phục", tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Anh Nguyễn Sơn Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty Kyocera Việt Nam cho biết: Năm 2013, Công đoàn Khu kinh tế xuống làm việc với lãnh đạo Công ty Kyocera. Ban lãnh đạo công ty sau khi tiếp nhận những thông tin quy định về thành lập tổ chức công đoàn theo pháp luật tại Việt Nam, bố trí lịch sản xuất để công đoàn khu tiếp cận người lao động, tổ chức tuyên truyền, vận động thành lập công đoàn. Hiện Công đoàn công ty Kyocera Việt Nam đã tổ chức Đại hội Công đoàn lần thứ nhất, Ban chấp hành có 9 ủy viên. Hoạt động của đơn vị không chỉ chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động mà còn kịp thời phản ánh tiếng nói chính đáng của người lao động đến với lãnh đạo công ty như việc thực hiện quy định về giờ ăn trưa, tiền thưởng Tết đối với nữ lao động nghỉ thai sản.... 

Có thể nói, việc thành lập công đoàn cơ sở tại Khu kinh tế Hải Phòng thành công dựa vào hai yếu tố chủ chốt. Thứ nhất là sự am hiểu luật pháp để đưa đến cho các công ty nước ngoài những thông tin chính xác, cần thiết giúp họ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Thứ hai đó là sự nhiệt tâm, hết lòng vì người lao động của những thành viên Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng. Họ hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động nên đồng hành và giúp đỡ kịp thời người lao động giải quyết những khó khăn vướng mắc, vừa đảm bảo mối quan hệ với công ty, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp./. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất