Lâu nay,
tổ chức liên hoan ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong dịp sơ kết,
tổng kết, kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận danh hiệu... vốn là việc
làm ý nghĩa, không chỉ để mừng cho thành công mà còn là cơ hội để cán
bộ, đảng viên, nhân dân và tập thể, cá nhân đối tác làm sâu sắc thêm mối
quan hệ đoàn kết, gắn bó, từ đó nêu cao quyết tâm, hướng tới thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ trong tương lai
Thế
nhưng, trong thời gian gần đây, việc này đã bị đẩy đi quá xa, khó kiểm
soát, gây lãng phí thì giờ, tiền bạc, giảm chất lượng, hiệu quả, năng
suất lao động của mỗi cá nhân và tổ chức.... Đây được xem là nguyên nhân
gián tiếp dẫn đến sự so sánh, mất đoàn kết trong nội bộ không ít cơ
quan, nhất là ở cơ sở - nơi trực tiếp tiếp xúc hằng ngày với nhân dân.
Đặc biệt, việc tổ chức liên hoan, tiệc tùng của không ít cơ quan công
quyền và cán bộ, đảng viên, xuất phát từ những lý do “không thể công
bố”, hoặc từ những nguyên nhân “không có lý do”, diễn ra ở các nhà hàng
sang trọng, những khu vực chỉ dành riêng cho khách VIP... đang ngày càng
nhiều hơn và đáng lo ngại.
Trong
thực tế, có vô vàn nguyên nhân dẫn đến tiệc tùng, ăn uống xa hoa lãng
phí ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương mà ngay cả cơ quan chức năng có chuyên môn nghiệp vụ cũng không thể
“điểm mặt chỉ tên”.
Xin dẫn
ra một vài dẫn chứng mà dư luận đã từng biết đến. Đầu năm 2018, dư luận
cả nước sửng sốt khi báo chí phản ánh một số UBND xã ở huyện Kỳ Anh, Hà
Tĩnh ký nợ nhà hàng Kinh Bắc nhiều tiền mà chưa trả. Báo chí cung cấp cụ
thể, UBND xã Kỳ Tân nợ 31 triệu đồng; UBND xã Kỳ Thư nợ 111 triệu đồng
và một số xã khác nợ trên dưới 10 triệu đồng.
Trước đó,
vào tháng 8/2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương đã làm công văn gửi
Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương về việc đề nghị xin hỗ trợ bổ
sung kinh phí phục vụ đón tiếp do đột xuất nhiều tỉnh đến trao đổi kinh
nghiệm. Việc này cũng đã được nhiều báo chí đăng tải.
Xa hơn
một chút, vào tháng 10/2016, UBND xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) bị thanh
tra của huyện xử lý vì nợ gần 400 triệu đồng ăn uống ở nhà hàng, may
trang phục cho đại biểu HĐND và đi du lịch.
Hay trước
đó, dư luận từng biết đến việc UBND xã Canh Thuận (huyện Vân Canh, tỉnh
Bình Định) bị một chủ nhà hàng ăn uống địa phương kiện ra tòa về khoản
nợ 26 triệu đồng chi ăn uống, tiếp khách mà chưa trả.
Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “nói đi đôi với làm” trong mọi việc,
trong đó có việc tiết kiệm, chống thói xa hoa lãng phí. Những câu chuyện
về tính tiết kiệm của Người luôn có giá trị cho các thế hệ sau
học tập.
Ngày
10/4/1946, Bác Hồ về thăm Ninh Bình, khi xuống xe, các đồng chí trong
chính quyền địa phương khẩn khoản mời Người nghỉ cho đỡ mệt và ăn tối,
nhưng Bác nói: “Hàng ngàn đồng bào chờ Bác ngoài kia, Bác không thể nghỉ
ở đây để ăn cơm vì 9 giờ tối Bác đã có việc ở Chủ tịch phủ. Bây giờ các
chú giúp Bác: một chú ra tập hợp đồng bào vào một ngã tư rộng gần đây
để Bác ra nói chuyện với đồng bào mươi phút; một chú ra cửa hàng bánh
mua cho Bác một cặp bánh giò. Còn các chú đi với Bác thì tranh thủ ăn
cơm trước. Nói chuyện xong, Bác về Hà Nội ngay cho kịp hẹn. Trong xe,
Bác sẽ ăn bánh vừa đỡ tốn kém, vừa tiết kiệm thời gian cho Bác”. Kết
thúc buổi nói chuyện với đồng bào, khá muộn, Bác mới lên xe về Hà Nội và
dùng bữa tối ngay trên ô tô.
Rồi
chuyện Bác về thăm quê, dù tỉnh nhà làm cơm chiêu đãi nhưng Người đã từ
chối. Đặc biệt là lần về thăm Nghệ An năm 1961, Bác cũng ngồi vào bàn ăn
nhưng lại chiêu đãi mọi người món cơm nắm độn bắp chuẩn bị sẵn, mang từ
Hà Nội vào.
Tháng
3/1947, Hồ Chí Minh viết cuốn “Đời sống mới” và phát động toàn dân thực
hành đời sống mới, Người căn dặn cán bộ: “Mình là người làm việc công,
phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem
người tư làm việc công”. Tháng 10/1947, trong cuốn “Sửa đổi lối làm
việc”, khi nhắc tới 15 bệnh liên quan đến chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ dễ
mắc phải, bệnh tham lam được Bác đặt ở vị trí đầu tiên. Một trong những
biểu hiện của bệnh tham lam đã được Người cảnh báo: “Sinh hoạt xa hoa,
tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của
đồng bào…”.
Việc ăn
uống xa hoa của cán bộ, đảng viên, công chức không chỉ dễ bị lạm dụng,
biến thành “phong trào”, mà nguy hại hơn là nó lại được nhiều tổ chức,
cá nhân lạm dụng, trở thành món “khai vị” nhằm bôi trơn cho những mục
đích “không lành mạnh, với động cơ không trong sang” như Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.
Từ cuối năm 2016, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Điểm đầu tiên trong Quy định này là: "Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức
giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại
hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít-tinh, kỷ niệm ngày truyền thống,
khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng
quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác... để ăn uống, "tiệc
tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi".
Mặc dù
việc ban hành Quy định 55-QĐ/TW đã từng bước góp phần ngăn chặn hiện
tượng giao lưu, liên hoan, gặp mặt... xa hoa, lãng phí, tuy nhiên, mức
độ thuyên giảm của những hiện tượng này vẫn chưa được như kỳ vọng, vì
các công cụ để kiểm soát, ngăn chặn mới chỉ thiên về giáo dục, động viên
là chính chứ chưa thể chế bằng các điều khoản, quy định và quy chế
trong các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương.
Giải pháp
chủ đạo là các cấp ủy Đảng cần tích cực tăng cường hơn nữa công tác
giáo dục chung cho mọi đối tượng một cách công khai, thực chất về các
quy định của Đảng. Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp
ủy, chính quyền trong phát hiện, xử lý và ngăn chặn những hiện tượng
chưa đẹp, chưa văn hóa, văn minh trong cơ quan công quyền; hạn chế thấp
nhất việc tiếp khách và lạm dụng việc tiếp khách để “lấp liếm khuyết
điểm” và nhằm đạt mưu đồ cá nhân. Các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị
và địa phương cần tăng cường hơn nữa các biện pháp xây dựng văn hóa công
vụ chuyên nghiệp, coi đây là một trong những giải pháp góp phần ngăn
chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
Đức Tâm