Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 23/6/2013 21:11'(GMT+7)

Các địa phương tích cực phòng chống cơn bão số 2

Tàu thuyền về tránh trú bão. (Nguồn: TTXVN)

Tàu thuyền về tránh trú bão. (Nguồn: TTXVN)

Ngay sau sự cố xảy ra, lực lượng quân đội, dân quân và nhân dân trên đảo đã tiến hành dùng bao cát, xử lý khẩn cấp, khắc phục kịp thời.

Vào khoảng 15 giờ cùng ngày, chính quyền xã đã di dời 11 hộ dân ở trong vùng trũng khu vực sau đê đến trường tiểu học Quan Lạn.

Hiện nay, Quảng Ninh đang có mưa lớn, tình hình mưa bão có chiều hướng phức tạp. Khu vực ngoài biển có sóng lớn, một số thuyền đò nhỏ của người dân ở khu vực thành phố Hạ Long bị chìm đã được lực lượng biên phòng cứu vớt.

Trong khi đó, theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, mặc dù bão số 2 chưa vào đất liền nhưng do ảnh hưởng của sóng, gió to kết hợp với triều cường, một số khu vực kè, đê biển và đê sông Đáy đã bị sạt lở. Các ngành chức năng đã kịp thời khắc phục sự cố.

Vào lúc 12 giờ 30 ngày 23/6, tại khu vực kè bãi tắm Quất Lâm thuộc địa bàn thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, nước tràn qua mặt kè bãi tắm làm sạt lở phía trong kè khoảng 20 mét.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Quất Lâm huy động 45 cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân địa phương tham gia khắc phục. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Dương Công Hiếu và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy đã trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sự cố tại hiện trường và đến 17 giờ ngày 23/6, công việc khắc phục đã hoàn thành.

Tại Hải Phòng, huyện đảo Cát Hải là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2.

Từ 12 giờ ngày 23/6, tại huyện đảo Cát Hải, mực nước biển dâng do bão kết hợp triều cường cao khoảng 4 mét, sóng biển đã đánh tràn lên mặt đê đoạn từ thị trấn Cát Hải đến Hoàng Châu (dài 7,5km).

Huyện Cát Hải đã tổ chức di chuyển 1.800 dân ở vùng ngập lụt lên vị trí cao hơn.

Đến 18 giờ ngày 23/6, bão số 2 đã gây ngập lụt toàn bộ thị trấn Cát Hải, làm chia cắt các khu dân cư, giao thông tê liệt hoàn toàn; cả huyện đảo bị mất điện; 450m đê Cái Vỡ (ở khu vực giữa thị trấn Cát Hải và xã Văn Phong) bị sóng đánh sạt lở.

Huyện Cát Hải đã huy động lực lượng tại chỗ tập trung khắc phục sự cố. Hiện toàn huyện đảo chưa có thiệt hại về người và chưa thống kê được thiệt hại về thủy sản, hoa màu, số nhà dân bị sập đổ.

Trước đó, từ 19 giờ ngày 22/6, thành phố Hải Phòng đã thực hiện cấm biển, hai tàu cứu hộ, cứu nạn đã được điều ra neo đậu tại Gia Luận, huyện Cát Hải sẵn sàng ứng cứu trên biển khi có tình huống xảy ra.

Tại Thái Bình, từ 16 giờ ngày 23/6, bão số 2 đã bắt đầu ảnh hưởng tới 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy gây ra gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Nước biển dâng cao 1-2 mét làm ngập nhiều vùng ở ngoài đê.

Trước diễn biến của bão số 2 nhiều khả năng tối và đêm 23/6 sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương ven biển kiểm tra, bảo vệ các tuyến đê biển và khẩn cấp sơ tán, khẩn trương di dời các hộ dân ven biển vào nơi trú ẩn an toàn.

Đến thời điểm này, tỉnh Thái Bình đã di dời gần 2.300 hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ở ven biển vào trong đê tránh trú bão.

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tỉnh Hà Tĩnh có mưa to và rất to, gió tại vùng ven biển từ cấp 6 đến cấp 8 kèm theo sóng lớn. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh đã nhanh chóng tổ chức các đoàn đi kiểm tra một số vùng biển, cửa biển, chỉ đạo các cấp chính quyền và người dân triển khai các biện pháp phòng chống bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn.

Tiểu ban an toàn nghề cá tỉnh Hà Tĩnh cho biết hiện đã liên lạc được cho tất cả các tàu thuyền và hướng dẫn cho tàu và ngư dân đánh cá trên biển vào nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, đội tàu xa bờ có 137 tàu với hơn 900 người đánh bắt ngoài khơi đã nắm rõ diễn biến cơn bão số 2 vào nơi trú ẩn an toàn./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất