Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 5/6/2019 15:2'(GMT+7)

Xốc lại quan hệ đồng minh

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc gặp tại London ngày 4/6. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc gặp tại London ngày 4/6. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoài mục đích củng cố mối quan hệ đặc biệt vốn bị ngưng trệ bấy lâu nay, chuyến thăm Anh của Tổng thống Donald Trump còn hướng tới thỏa thuận thương mại giữa Washington và London trong bối cảnh Anh chuẩn bị ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Cụm từ “mối quan hệ đặc biệt” Mỹ-Anh được Thủ tướng Anh Winston Churchill đề cập lần đầu tiên trong bài diễn văn lịch sử “Những rường cột của hòa bình” (Sinews of Peace) tại Đại học Westminster ở Missouri năm 1946. Trong đó, ông Churchill nhấn mạnh, Anh và Mỹ có “mối liên kết anh em của các dân tộc nói tiếng Anh”. Hai nước đã gắn bó với nhau trong nhiều thập niên qua bởi cùng chia sẻ lịch sử, cơ cấu chính phủ, lý tưởng và hợp tác quốc phòng.

Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi nhiều thập niên giữa Anh và Mỹ đã phai nhạt kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Với phương châm “Nước Mỹ trên hết”, Washington theo đuổi những chính sách khác với mong muốn của London cũng như các nước đồng minh truyền thống ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Điển hình là việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức)… Thậm chí, Washington không ít lần "hục hặc" với các quốc gia châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi yêu cầu những nước này tăng ngân sách quốc phòng… Dù không nhắm trực tiếp vào London, song những đòi hỏi trên, cùng với cuộc khủng hoảng Brexit, đã ảnh hưởng ít nhiều đến mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ.

Xốc lại quan hệ đồng minh chính là một trong những trọng tâm của chuyến thăm Anh lần này của Tổng thống Donald Trump. Sau chuyến thăm Anh không chính thức lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ hồi tháng 7-2018, lần này ông Donald Trump đã được Hoàng gia Anh trải thảm đỏ đón tiếp với nghi thức cao nhất. Trong các cuộc tiếp xúc, cả Nữ hoàng Anh và Tổng thống Mỹ đều dành những lời có cánh để ca tụng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Trong khi Nữ hoàng Elizabeth II đánh giá cao "những kết nối văn hóa sâu đậm và những di sản có cùng với nhau" cũng như các mối quan hệ kinh tế Anh-Mỹ thì Tổng thống Donald Trump ca ngợi cuộc chiến thế giới thứ hai đã "gắn kết hai dân tộc", đồng thời nhấn mạnh những giá trị sẽ gắn kết hai nước trong tương lai.

Chuyến công du nước Anh của Tổng thống Donald Trump sẽ trọn vẹn hơn nếu như nhà lãnh đạo Mỹ không có phát ngôn “gây bão” trước thềm chuyến thăm. Không chỉ nhắm trực tiếp vào Thủ tướng Theresa May, người sẽ từ chức vào ngày 7/6 tới, ông chủ Nhà Trắng nói rằng Chính phủ Anh đã “sai lầm” khi không cùng lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage tham gia đàm phán với Brussels. Đây là lần thứ hai ông Donald Trump đả kích bà May về chiến lược Brexit sau lần đăng đàn trả lời phỏng vấn tờ The Sun hồi năm ngoái. Một hành động chưa từng có tiền lệ trong quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ.

Ngoài mục đích cải thiện mối quan hệ đặc biệt xuyên Đại Tây Dương, chuyến thăm Anh của nhà lãnh đạo Mỹ còn nhắm tới thỏa thuận thương mại song phương. Ngay khi tới London, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ủng hộ một Brexit không ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu trong khi vẫn bảo đảm được sự độc lập của Vương quốc Anh. Ông Donald Trump cũng kêu gọi London không nên chấp nhận thanh toán khoản "phí chia tay" EU đã được hai bên thống nhất trong thỏa thuận Brexit đạt được hồi cuối năm 2018. Trong thỏa thuận này, chính phủ của bà May đồng ý trả EU 39 tỷ bảng (50 tỷ USD) cho những khoản nợ sau nhiều thập niên là thành viên của liên minh này.

Ngoài vấn đề Brexit, ông Donald Trump cũng đề cập với Chính phủ Anh vấn đề hãng công nghệ Trung Quốc Huawei. Chính phủ Mỹ thời gian qua đã kêu gọi đồng minh ở châu Âu, trong đó có Anh, "cấm cửa" thiết bị 5G của Huawei. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày một gia tăng, mối quan hệ Mỹ-EU không “xuôi chèo mát mái” cũng như tiến trình Brexit sắp đi tới hạn chót, việc Anh và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại song phương sẽ giải được “bài toán khó” cho cả đôi bên.

Chuyến công du tới London của Tổng thống Donald Trump đến nay ít nhiều đã đạt được mục đích ban đầu là xốc lại mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia nằm bên bờ Đại Tây Dương. Có điều, giữ gìn mối quan hệ thương mại và ngoại giao đặc biệt trên như thế nào sẽ thuộc về Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo nước Anh trong tương lai. Một ẩn ý được nữ Thủ tướng Theresa May gửi gắm tới nhà lãnh đạo Mỹ trong món quà đặc biệt: Một bản sao Hiến chương Đại Tây Dương năm 1941, được xem là văn kiện mở đường cho việc thành lập Liên hợp quốc và hòa giải quốc tế sau chiến tranh./.

Linh Oanh (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất